• Zalo

Trường đại học cần nâng cao giáo dục nhận thức về tin giả trong kỷ nguyên số

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 09/01/2020 11:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tin giả đang là vấn nạn đặc biệt trên tất cả các loại hình của báo chí, mạng xã hội, ai cũng có thể là nạn nhân của tin giả, vì vậy công tác giáo dục nâng cao nhận thức vấn đề này ở các trường là rất cần thiết.

Sáng 9/1, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Công tác truyền thông giáo dục ở các trường đại học trong bối cảnh 4.0” với sự tham gia của đông đảo chuyên gia các trường, phụ trách truyền thông các cơ sở giáo dục đại học.

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân đặt vấn đề, công tác truyền thông đã và đang khẳng định được vị thế cũng như tầm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng với thuận lợi là khó khăn, những câu hỏi lớn được đã và đang đặt ra với truyền thông, nhất là trong các cơ sở giáo dục đại học. Làm sao để chuyển tải các thông điệp, thông tin, hình ảnh tốt nhất, những kết quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hiệu quả nhất và mang đậm dấu ấn nhất là điều các trường rất băn khoăn, PGS Thọ băn khoăn.

Từ đó, PGS Thọ đề xuất các trường đại học cần sẵn sẵng tiếp nhận thông tin (cả tốt và xấu) chủ động nhất; xử lý thông tin sao cho hoàn thiện công tác quản trị đại học, đào tạo, giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Coi truyền thông vừa là cơ hội, vừa là người bạn đồng hành giúp đại học làm tốt hơn hoạt động của mình, tiến dần hội nhập thế giới.

Trường đại học cần nâng cao giáo dục nhận thức về tin giả trong kỷ nguyên số - 1

PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (người đứng) phát biểu tại hội thảo.

 

 

Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News đặt vấn đề nhận diện và xử lý nguồn tin giả với giáo dục đại học trong Kỷ nguyên thông tin số. Bởi hiện nay “tin giả” đang là vấn nạn đặc biệt trên tất cả các loại hình của báo chí, mạng xã hội.

Ông Hải đưa ra ví dụ, tháng 11/2019 hãng thông tấn Izvestia từng đưa tin “Các nhà địa chấn Nga phát hiện vụ nổ trên biển Hoa Nam”. Sau đó tờ “Quan điểm” còn đi xa hơn bằng bài phỏng vấn chuyên gia quân sự Nga nhận định chiếc tàu nổ trên biển Hoa Nam (Biển Đông) là tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.

Ngay lập tức một số tờ báo điện tử chính thống của Việt Nam đồng loạt đưa tin như VietnamPlus, VTC News, Tuổi trẻ… dẫn lại thông tin, khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên sau đó trang thông tin Gizmodo của Mỹ cho rằng những thông tin trên hoàn toàn vô căn cứ, khả năng nổ tàu hạt nhân gần như là không. Có thể nói đây là một trong những kiểu tin giả điển hình ở thời điểm đó của cả làng báo Việt lẫn thế giới.

Theo ông Hải, có 4 loại tin giả cơ bản, gồm: tin lừa đảo, tin thiên vị, tin câu view, tin vu khống. Đồng thời có tới 63% số người dân được hỏi cho rằng họ đều bị tin giả tiếp cận trong vòng thời gian 3 tháng liên tục, nhất là trên các trang mạng xã hội.

Không riêng gì ở Việt Nam, các nước trên thế giới cũng rất lo ngại về tỷ lệ tin giả đang tràn lan như Brazil, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… Bởi bất kỳ ai cũng đều có thể là nạn nhân của tin giả. Nếu độc giả không tỉnh táo để kiểm soát thông tin rất dễ bị tin giả đánh lừa.

“Tin giả thường dựa vào các sự kiện thời sự để xuyên tạc đi, làm biến tướng câu chuyện chỉ để câu view và làm nhiễu loạn thông tin xã hội. Mức độ lan truyền thông tin giả rất nhanh, dai dẳng vì nó đánh trúng tâm lý thu hút của người đọc nên ngay cả người cảnh giác nhất cũng phải tin đó là thật”, ông Hải cảnh báo.

Tổng Biên tập Ngô Văn Hải dẫn chứng thêm trường hợp của bà Võ Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Bà này từng là nạn nhân của tin giả làm sai lệch lời nói. Tin giả xuyên tạc bà Thủy nói: “Xin đừng vì vài cái đảo nhỏ ở Biển Đông mà làm mất đi tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, bởi nếu không có Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lưng, đảng ta sẽ không thể tồn tại cho đến ngày hôm  nay…

Nhờ sự trợ giúp của các công nghệ video, chỉnh sửa hình ảnh… những kẻ làm tin giả đã xuyên tạc thông tin.

Trường đại học cần nâng cao giáo dục nhận thức về tin giả trong kỷ nguyên số - 2

Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News Ngô Văn Hải đặt vấn đề nhận diện và xử lý nguồn tin giả.

Từ đó, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News đề xuất biện pháp giúp độc giả nhận diện được tin giả. Đó là độc giả cần kiểm tra đuôi link của trang web. Đọc rõ thông tin giới thiệu trang tin do đơn vị nào vận hành web và người ta có nói rõ ràng đây chỉ là trang châm biếm hoặc cố tình đăng tin giả không.

Đồng thời, kiểm tra các câu trích dẫn, nhất là trích câu nói của người nổi tiếng, chính trị gia hoặc từ một đại diện của cơ quan chức năng như sĩ quan cảnh sát. Hãy thử đưa câu đó vào tìm kiếm để xác thực thông tin. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hải cho hay, những tin tức càng nóng bỏng, càng đáp ứng sự tò mò của tuyệt đại đa số, càng giống tưởng tượng, càng gây phản cảm, căm phẫn… thì phải đặc biệt cảnh giác.

Hoặc các tin tức có nhiều chữ viết kỳ lạ, kiểu như xen vào bằng dấu chấm, ví dụ: X.â.m l.ư.ợ.c hoặc các link bài có đường dẫn đuôi là “.org” đều phải cảnh giác. Những title bài tin tức phi logic, ví dụ: Bộ Công an b.ắt Phó giám đốc công ty điện lực và 6 đồng phạm vì tăng gía điện vô t.ộ.i v.ạ.

Về chế tài xử phạt các thông tin giả, Tổng Biên tập Ngô Văn Hải cho biết, một số nước Trung Quốc, Ai Cập, Pháp, Đức thường xử lý luồng tin giả dựa vào việc ban hành luật chuyên ngành áp đặt chế tài thông thường là phạt tiền và ra lệnh dỡ bỏ.

Nặng tay nhất là Singapore ban hành luật chống tin giả 2019, phạt cá nhân đưa tin giả 10 năm tù, nộp phạt 72.000 USD và với tập thể sẽ phạt đến 720.000 USD.

Tổng Biên tập Ngô Văn Hải đề xuất mô hình chống tin giả bằng cách dùng hệ pháp luật truyền thống khuyến khích và giải pháp kỹ thuật để chống lại tin giả. Các nước theo truyền thống Anh- Mỹ thường đi theo cách này.

Cùng với đó, chúng ta nên ban hành luật chuyên ngành để chống lại tin giả, coi trọng sự can dự của Nhà nước trong việc chống tin giả. Các nước theo tinh thần nhà nước kiến tạo phát triển thường đi theo cách này, ông Hải nhấn mạnh.

Cuối cùng để nhấn mạnh hơn mức độ hệ trọng của tin giả, ông Ngô Văn Hải trích lại lời của Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: “Tin xấu, độc nhiều khi do chính ta mà ra, nên vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức trên không gian mạng rất quan trọng”.

 

 

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn