• Zalo

Công sở ngày đầu sau nghỉ Tết: Sáng nhộn nhịp, chiều hắt hiu

Thời sựThứ Ba, 24/02/2015 02:11:00 +07:00Google News

Trái ngược với không khí tưng bừng rộn rã lúc đầu giờ sáng, mới qua giờ trưa, nhiều công sở đã vắng hoe, hiu hắt trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết.

(VTC News) – Đầu giờ sáng ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết dài, nhiều công sở rộn rã tưng bừng những tiếng hô chúc mừng năm mới.

Nhưng không khí nhộn nhịp tại các công sở gần như chỉ diễn ra vào đầu giờ sáng, sau đó lấy cớ "đầu năm, tân niên" mọi người tản đi khắp nơi hội họp, gặp gỡ, chúc tụng. Từ trưa nay, nhiều văn phòng vắng hoe, chỉ còn bàn ghế với ly cốc ngổn ngang trên bàn.

Sáng tưng bừng rộn rã

Đi làm ngày đầu tiên của năm mới vào mùng 6 Tết, sớm hơn mọi năm 1, 2 ngày, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hầu như không có hiện tượng “nghỉ nướng”. 

Mới 8h sáng ngày đầu đi làm (mùng 6 Tết), tiếng ‘dô’, dô, uống” từ phía Công ty Dệt Mùa Đông (Thanh Xuân) đã rộn rã khắp nơi. Tiếng chúc tết, tiếng cười nói xôn xao cả một góc doanh nghiệp này.

Số là Công ty này cho thuê mặt trước làm nhà hàng. Hôm nay tốt ngày, quán ăn cũng mở hàng lấy may. Thế nên ngay đầu giờ sáng, nhiều anh em văn phòng Công ty Dệt đã kéo sang quán vừa để chúc mừng năm mới, vừa “mở hàng” lấy may cho quán.
 Sáng tấp nập đến văn phòng chúc mừng năm mới, nhận tiền lì xì từ sếp
 
-  Ảnh minh họa
Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, ngay từ chiều qua (23/2, tức mùng 5 Tết), các cửa ngõ thủ đô đã luôn trong tình trạng ùn ứ do lượng người các tỉnh đổ về Hà Nội quá đông để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu năm. 

Hầu hết mọi người khi được hỏi đều cho biết, ngày đi làm đầu tiên của năm nay lại đúng vào ngày tốt cho việc mở hàng, khai trương, hội họp nên dù biết không phải giải quyết nhiều công việc nhưng ngay từ đầu giờ sáng ai cũng hối hả đến cơ quan để gặp mặt, chúc tụng, mong một năm làm việc nhiều may mắn thuận lợi.

Chị Nguyễn Long, công tác tại một cơ quan nước cho biết: Năm nay dù ngày đầu tiên đi làm vào mùng 6, không khi Tết vẫn còn nhưng cả cơ quan hơn 60 người không thiếu một ai. 

“Mọi người đều bảo hôm nay ngày tốt, cố gắng đi sớm để gặp gỡ, chúc mừng nhau ngày đầu năm để lấy may cho cả năm. Nhưng chắc chỉ buổi sáng thôi, trưa nay đã thấy mọi người có kế hoạch ‘ăn chơi, nhảy múa” cả rồi”, chị Long cho biết.

Thực tế, không phải năm nay, mà gần như ngày đầu tiên đi làm của năm mới nào cũng là ngày “ăn chơi, nhảy múa”. Lãnh đạo thì sau màn chúc tụng anh em, thường hay tham gia lễ trồng cây đầu năm, hoặc đi lễ tết những nơi quan trọng. Nhân viên thừa lúc sếp đi vắng, tranh thủ bỏ việc đến nhà nhau chúc tết, rồi kéo nhau đi liên hoan, hát hò tân niên.

Nhiều năm hiện tượng “cháy phòng” karaoke khiến không ít người rút kinh nghiệm, phải gọi điện đặt phòng chỗ quen từ mùng 2, 3 Tết.

Anh Phạm Thành Trung làm việc ở một công ty xây dựng trên đường Láng Hạ kể: Năm ngoái, đầu giờ sáng, anh em cơ quan đến gặp mặt đầu xuân, nhận lì xì năm mới của sếp xong thấy sếp hô “cho an hem tùy nghi di tản, chơi thêm một ngày nữa, mai chính thức làm việc”. 

Vậy là cả phòng kéo nhau định đi hát hò cho tưng bừng đầu năm. Nhưng sau bữa trưa, tìm cả chục quán karaoke đều kêu ‘hết phòng’, cuối cùng đành kéo nhau đến nhà một anh ở hát karaoke ‘tại gia’.

“Năm nay rút kinh nghiệm, ngay từ mùng 3 Tết tôi đã phải gọi điện đặt trước phòng hát ở quán quen rồi. Lát nữa gặp gỡ chúc tụng nhau xong là kéo nhau ra đó cho tưng bừng”, anh Trung kể.

Chỉ còn 'bàn, ghế' sau trưa

Với tâm lý ngày đầu tiên đi làm của năm mới phải vui vẻ, rộn rã, để cả năm phấn khởi, phát tài, nên lãnh đạo không ít cơ quan cũng muốn “thả lỏng” cho anh em tự do, dễ thở một chút.

Bởi thế, đầu giờ sáng, sau phần phát biểu, chúc tụng, nâng ly của lãnh đạo, anh em nhân viên sẽ tùy nghi di tản. Nam thì đi kéo nhau ăn uống hát hò, nữ cũng rủ nhau đi chúc tết, lễ chùa, cầu một năm mới bình an may mắn.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cơ quan, không khí nhộn nhịp chỉ diễn ra trong vài tiếng buổi sáng. Khoảng 11 giờ trưa nhiều văn phòng đã vắng hoe, không bóng người. 
Mới 11h, văn phòng đã "sạch bóng người" : Ảnh chụp tại một doanh nghiệp trên đường Láng Hạ 
Tình trạng "lạnh lẽo" này thông thường sẽ kéo dài cho hết cả ngày hôm nay. Thậm chí sáng ngày mai vẫn chỉ lác đác người bắt tay vào làm việc thật.

“Cơ quan nào cũng thế cả, mình có làm việc cũng có ai làm đâu. Kể cả với đối tác làm ăn, đầu năm cũng chỉ gọi điện chúc mừng nhau là chính, chứ mấy ai bàn công việc ngay trong ngày đầu thế này”, anh Tuấn, trưởng phòng Marketting một doanh nghiệp kinh doanh ô tô chia sẻ.

Trái ngược với không khí vắng vẻ ở các cơ quan văn phòng, từ trưa nay, nhiều đền chùa đã đông nghẹt người đi lễ. Năm nay mùng 6 Tết được xem là ngày đẹp nên người dân đổ lên chùa cầu may mắn rất đông. 

Chị Ngọc, nhân viên công ty tư nhân ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngày đầu năm, công việc văn phòng cũng chưa có nhiều nên sau buổi gặp mặt ở công ty, chị em đều tranh thủ đi lễ chùa Hà để cầu may mắn, bình an trong năm mới. 

“Hôm nay khai hội Chùa Hương, cả công ty cũng đã có kế hoạch, tối nay sẽ đi lễ chùa, chiều mai mới về. Như vậy cả ngày mai công ty sẽ vắng ‘như chùa bà Đanh’. Có lẽ phải mất cả tuần chệch choạc thì công việc mới vào nếp được. Công ty tư nhân nên cũng chủ động được công việc’, chị Ngọc chia sẻ.

Thực tế, tình trạng “chệch choạc” trong những ngày làm việc đầu năm mới thường diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty tư nhân nhỏ, các doanh nghiệp nhà nước. 

Truyền thống của người Việt Nam, sau Tết là mùa lễ hội, chùa chiền, nên nhiều người sẽ tranh thủ ngày đầu năm rảnh việc, để “ăn chơi, đi hội, đi lễ” vì cả năm mới có một mùa, phải tranh thủ lễ tết, vui chơi cầu may mắn cho cả năm.

Nhiều người không đi lễ lạt ở đâu thì cũng tụ tập cà phê, cà pháo tán ngẫu với bạn bè cho phấn khởi.  Với tâm lý mọi người đều thế, mình làm gì có tâm lý đâu mà làm việc chăm chỉ, nên công việc đầu năm ở nhiều doanh nghiệp vì thế mà đình trệ.

Một anh bạn công tác ở nước ngoài tâm sự: Đầu năm muốn đưa đối tác vào làm việc với các cơ quan trong nước, thường thường cũng chọn từ tháng 2 trở đi, chứ Việt Nam mình ăn Tết lâu nắm, có khi kéo dài hết tháng Giêng vẫn thấy đi lễ, tết. 

Quả thật, “vui xuân mới không quên nhiệm vụ” từ trước đến nay cơ bản vẫn chỉ là câu khẩu hiệu. Lễ tết kéo dài, công việc đình trệ vốn là nhược điểm của người Việt. Đây cũng là điểm nên khắc phục để đất nước thực sự hội nhập, kinh tế, xã hội có điều kiện phát triển hơn.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn