• Zalo

Công nhận Cao nguyên Golan của Israel, Mỹ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng

Thế giớiThứ Bảy, 23/03/2019 08:11:00 +07:00Google News

Trang Twitter cá nhân ngày 21/3, Tổng thống Mỹ viết, sau 52 năm, tới lúc Mỹ nên hoàn toàn công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Đây là một động thái cho thấy sự thay đổi thực sự trong chính sách kéo dài nhiều thập kỷ qua của Washington đối với vấn đề nhạy cảm này và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Thông báo của ông Donald Trump được xem là cú hích chính trị đối với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, người đang phải đương đầu với cuộc bầu cử được dự báo là rất khó khăn vào ngày 9/4 tới, do sự cạnh tranh sít sao từ đối thủ. Quan trọng hơn, ông Netanyahu đang phải đối mặt với các cáo buộc nhận hối lộ, gian lận, phá vỡ lòng tin và khả năng tái đắc cử Thủ tướng Israel thêm một nhiệm kỳ nữa hiện khá mong manh.

54361742_339014993419049_2849451028389036032_n

 Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan. (Ảnh: Reuters)

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Netanyahu nhanh chóng hoan nghênh sự ủng hộ của ông chủ Nhà Trắng. Trên trang Twitter cá nhân, ông Netanyahu đã viết bằng tiếng Anh rằng, vào thời điểm Iran tìm cách sử dụng Syria làm bàn đạp để tiêu diệt Israel, Tổng thống Donald Trump mạnh dạn công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Cảm ơn Tổng thống Donald Trump!

Chính ông Netanyahu đã thúc giục Mỹ công nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và nêu ra khả năng đó trong cuộc hội kiến đầu tiên với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng 2/2017.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền đầy đủ của Israel đối với Cao nguyên Golan được Chính phủ Mỹ công bố và nó có được gộp vào kế hoạch hòa bình Trung Đông do con rể ông Donald Trump và hiện là Cố vấn cao cấp Nhà Trắng Jared Kushner soạn thảo hay không. Tuy nhiên, thông báo của ông chủ Nhà Trắng đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Trung Đông tại Mỹ.

Video: Bạo lực ngày Mỹ mở cửa Đại sứ quán ở Jerusalem

Chuyên gia Richard Haass, một cựu quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại viết trên Twitter rằng ông không đồng ý với quyết định của Tổng thống Donald Trump về Cao nguyên Golan, khẳng định hành động đó vi phạm Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đây cũng là quan điểm của ông Frederic Hof, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương. Ông Frederic Hof còn cho rằng, điều đó sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho an ninh của Israel và sẽ kết liễu một điều khoản quan trọng trong Sáng kiến Hòa bình Saudi Arabia soạn thảo.

Về phần mình, ông Nabeel Khoury, một chuyên gia cao cấp không thường trú của Trung tâm Rafik Hariri khẳng định, chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump công nhận chủ quyền đầy đủ của Israel đối với Cao nguyên Golan không có ý nghĩa chính trị, chiến lược hay đạo đức.

 Israel đã chiếm đóng Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967. Về mặt kỹ thuật, hiện hai nước láng giềng vẫn trong tình trạng chiến tranh và Liên Hợp Quốc đã triển khai các quan sát viên để giám sát vùng phi quân sự thuộc cao nguyên này.

Năm 1981, Quốc hội Israel thông qua một dự luật sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, đã không công nhận hành động đó và xem Cao nguyên Golan là một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

 Theo ông Richard LeBaron, một chuyên gia cao cấp không thường trú của Trung tâm Rafik Hariri, Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và quy chế đối với khu vực này cần được giải quyết thông qua đàm phán. Ý nghĩ kỳ quặc mà ông Netanyahu đưa ra rằng Cao nguyên Golan nên là một phần lãnh thổ của Israel bởi vì Israel đã chiếm đóng vùng đất này từ năm 1967 không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, sẽ không tạo ra bất kỳ giá trị nào cho Israel và cũng không mang đến thêm bất kỳ lợi ích nào cho Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Theo giới phân tích, kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Donald Trump đã thực thi một số quyết định được xem là thiên vị Israel và làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trung thực tại khu vực Trung Đông.

Cụ thể, ngày 6/12/2017, ông Donald Trump đã công bố quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và Đại sứ quán Mỹ đã mở cửa tại Jerusalem 6 tháng sau đó. Đầu tháng này, Chính quyền Donald Trump lại quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, nơi từng là Đại sứ quán Mỹ trên thực tế cho Chính quyền Palestine.

Chuyên gia Nabeel Khoury nhấn mạnh, tất cả những động thái trên thể hiện sự từ bỏ hoàn toàn bất kỳ vai trò của Mỹ trong việc kiến tạo hòa bình giữa người Palestine và người Israel, hoặc giữa người Israel và thế giới Arab.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn