• Zalo

Công nghệ VAR 'tặng' phạt đền cho Pháp, Peru, làm dậy sóng World Cup là gì?

World Cup 2018Chủ Nhật, 17/06/2018 17:08:00 +07:00Google News

Sau 2 ngày "im hơi lặng tiếng", VAR buộc khán giả phải nhắc tên trong ngày thi đấu thứ ba của World Cup 2018 khi góp phần tạo ra 2 quả phạt đền mà lẽ ra không xuất hiện.

Bắt đầu từ năm 2017, các trọng tài bắt đầu làm quen với một động tác ra hiệu mới với hai ngón tay giơ ra trước ngực và vẽ thành một khung hình chữ nhật. Đó là hành động báo hiệu một quyết định quan trọng sắp được đưa ra với sự tư vấn của VAR. Sau khoảnh khắc ấy, một đội bóng từ nỗi thất vọng có thể vỡ òa sung sướng, trong khi đối thủ của họ thì ngược lại.

Được áp dụng ở World Cup 2018, VAR "im hơi lặng tiếng" trong hai ngày thi đấu đầu tiên. Đến ngày thi đấu thứ ba, ba chữ cái này xuất hiện ngập tràn trên các mặt báo khi thể hiện tầm ảnh hưởng rất lớn trong hai trận đấu.

australia

 Trọng tài trận Pháp - Australia thổi phạt đền sau khi có sự trợ giúp của VAR.

VAR là gì?

VAR là viết tắt của Video Assistant Referee, tạm dịch là video hỗ trợ trọng tài. Cách gọi "công nghệ VAR" là chưa thật chính xác, bởi VAR không phải là tên một loại công nghệ như Goal line hay Mắt diều hâu. Đó là một hệ thống gồm người và máy móc sử dụng các công nghệ để hỗ trợ trọng tài chính từ xa trong các trận đấu.

Với VAR, các trọng tài chính sẽ có thêm ít nhất ba trợ lý. Tuy nhiên khác với trọng tài biên cầm cờ hay giơ bảng báo bù giờ, các trợ lý VAR sẽ ngồi trong một phòng kín ở bên ngoài sân đấu, trước những màn hình chiếu trận đấu theo nhiều góc máy kỹ thuật.

Tuy nhiên hệ thống này sẽ không can thiệp vào tất cả các tình huống trong trận đấu. Theo FIFA, sự ra đời của VAR chỉ nhằm sửa chữa "những sai lầm mười mươi" của trọng tài chính, có liên quan đến bàn thắng, phạt đền và thẻ đỏ trực tiếp.

Như vậy trọng tài chính sẽ không còn "quyền lực tối cao" trong trận đấu? Không hề. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người cầm còi trên sân. Kể cả khi có tư vấn từ các trợ lý VAR, trọng tài chính vẫn có thể yêu cầu xem băng kỹ thuật thông qua một màn hình ở ngay bên ngoài đường biên để tự mình ra quyết định.

var

 Các trợ lý video ngồi trong một phòng kín ở ngoài sân vận động.

VAR được sử dụng trong những trường hợp nào?

Như giải thích ở trên, VAR chỉ tác động tới những tình huống có ảnh hưởng lớn đến tỉ số và cục diện trận đấu là bàn thắng, phạt đền và phạt thẻ cầu thủ. Dưới đây là bốn trường hợp và các ứng dụng thực tế của VAR.

- Hủy bỏ hoặc công nhận bàn thắng: Sau khi đưa được bóng vào lưới, các cầu thủ có thể phải hoãn phần ăn mừng lại vài giây, thậm chí đến một phút nếu trọng tài không chắc chắn là bàn thắng hợp lệ. Vị vua áo đen chỉ đưa ra quyết định cuối cùng với sự trợ giúp từ hệ thống VAR.

Ở FIFA Club World Cup 2017, Real Madrid từng trải qua tình cảnh như vậy trong trận gặp Club America và họ có vẻ không hài lòng với điều này. “Nó quá rối rắm và không phải là bóng đá”, tiền vệ Luka Modric phát biểu. Rõ ràng sự phấn khích của các cầu thủ cũng như khán giả sẽ giảm đi đáng kể khi phải chờ đợi để biết được bàn thắng có được công nhận hay không.

- Hủy bỏ hoặc thổi phạt đền: Đây là trường hợp xảy ra ở ngày thi đấu thứ ba của World Cup 2018. Trong tình huống ở phút 55 của trận đấu giữa Pháp và Australia, trọng tài Andres Cunha không thổi phạt đền cho pha truy cản của hậu vệ Australia với Antoine Griezmann. Tuy nhiên quyết định này được đảo ngược lại sau đó chừng một phút khi ông xem lại băng kỹ thuật được đội VAR truyền vào sân.

Điều tương tự cũng xảy ra ở trận đấu giữa Peru và Đan Mạch.

peru dan mach 3

 Trận Peru gặp Đan Mạch cũng có một quả phạt đền được tạo ra nhờ VAR.

- Sửa sai khi rút thẻ sai người: Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng điều này từng xảy ra trong trận đấu của CLB Arsenal tại giải Ngoại Hạng Anh, khi trọng tài Andre Marriner đuổi Kieran Gibbs trong khi người phạm lỗi là Alex Oxlade-Chamberlain.

- Phạt thẻ đỏ trực tiếp: Với VAR, các chiêu tiểu xảo đánh nguội sẽ không còn tác dụng như trước. Một cầu thủ chơi xấu có thể qua mắt được trọng tài chính, nhưng các trợ lý video sẽ phát hiện ra nhờ cả chục góc máy quay. Đội VAR sẽ nhắc nhở về những pha phạm lỗi đáng bị truất quyền thi đấu mà trọng tài chính không quan sát được hoặc phạt nhẹ hơn thẻ đỏ.

Video: Peru 0-1 Đan Mạch

Cầu thủ đầu tiên nhận thẻ đỏ trực tiếp vì VAR là Lautaro Martinez với pha đánh nguội trong trận U20 Argentina gặp U20 Anh ở vòng chung kết U20 thế giới 2017. Đầu năm nay, Kylian Mbappe cũng nhận một thẻ đỏ cho pha phạm lỗi thô bạo với cầu thủ của Rennes ở giải Ligue I. Ban đầu ngôi sao của PSG chỉ bị phạt thẻ vàng nhưng sau khi trọng tài tham khảo VAR, án phạt được đổi thành thẻ đỏ.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn