• Zalo

Công nghệ 'mắt thần' phát hiện đối tượng xấu

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 12/12/2017 14:40:00 +07:00Google News

Đây là loại camera giám sát mới, sử dụng công nghệ máy học, cài đặt một mạng neural nhân tạo để phát hiện đối tượng trong quá trình giám sát, đến từ nhóm Trần Mai Khiêm, Nguyễn Phúc Nguyên, Trịnh Hoàng Triều - sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM

anh11

Hình ảnh hiển thị trên màn hình khi camera “tập trung” giám sát đối tượng 

Đại diện nhóm tác giả, bạn Trần Mai Khiêm cho biết, khác với camera thường, giải pháp của nhóm tiên tiến hơn ở điểm nó sẽ không lưu lại toàn bộ những sự kiện diễn ra dưới dạng video, mà chủ yếu dưới dạng chữ và video hoặc hình ảnh diễn tả là tùy chọn. Như vậy, theo tính toán ban đầu, hiệu suất lưu trữ đã lên tới 200.000 lần so với giải pháp truyền thống.

Theo đó, ở giải pháp truyền thống, để lưu lại sự kiện diễn ra trong một tháng đòi hỏi khoảng 400GB dung lượng đĩa cứng. Với giải pháp mới, những lúc không có gì diễn ra thì camera sẽ bỏ qua và khi có biến động, sự kiện đó sẽ được diễn tả lại dưới dạng chữ kèm với hình ảnh hoặc video. Thử nghiệm ban đầu, camera có thể ghi lại sự kiện liên tục trong vòng 3 năm chỉ với 8GB dung lượng lưu trữ. Như vậy, hiệu quả về mặt sử dụng dung lượng lưu trữ tăng lên rất nhiều lần. Hơn nữa, người dùng không phải dò qua các đoạn video dễ bỏ lỡ những chi tiết quan trọng mà có thể tập trung vào sự kiện được mô tả.

Cũng vì camera phát hiện đối tượng thay vì ghi lại video mà có thể phát hiện kẻ trộm một cách chính xác hơn thay vì báo động nhầm chó, mèo. Điều này ứng dụng vào báo động tại các cửa hàng khi có người lạ mặt mà không phải là nhân viên vào trong vùng kiểm soát. Đó là ưu điểm mà các giải pháp hiện tại chưa thể làm được.

Camera được thiết kế với mục đích linh hoạt, tận dụng. Vì vậy, chỉ cần một máy tính nhúng cỡ nhỏ, kèm với một camera bất kì có giao tiếp USB (webcam) hoặc CSI (Raspberry Pi camera) trên thị trường là có thể hoạt động. Người dùng có thể bớt được chi phí một đầu thu và đĩa cứng đi kèm.

Nhóm đã đem thử nghiệm ở một vài địa điểm thực tế, kết quả thu được rất khả quan, camera thể hiện được đầy đủ tính năng mong muốn.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu để tối ưu hóa xử lý, nhóm còn hướng đến việc thiết kế mỹ thuật để tích hợp camera với board xử lý trong các vật dụng trang trí hay đồ vật thông thường để tăng tính mỹ thuật cho camera khi lắp đặt (ví dụ như đèn trang trí ở cổng…); sử dụng board xử lý với thuật toán đã cài đặt để xử lý dữ liệu video từ các loại camera khác nhau (đặc biệt là camera chuyên dụng, camera hồng ngoại …) để tăng cường thông tin hữu ích từ video mà camera ghi nhận, giúp rút gọn quá trình tìm kiếm thông tin từ video của camera; song song đó còn tăng cường thêm tính năng an toàn và bảo mật cao cho thiết bị.

Đề tài đã đạt giải nhì phần thi Phần mềm sáng tạo tại hội thi Tin học trẻ TP.HCM năm 2017 do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.  

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn