Theo Thông tư mới này, ứng viên là thành viên hội đồng giáo sư ngành/cơ sở, nếu đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư thì được tham gia hội đồng cơ sở và ngành, nhưng không tham gia trao đổi, thảo luận hồ sơ của mình.
Như vậy, nếu so với Thông tư 04 được ban hành 2019, thì đây được coi như một hướng mở với các thành viên hội đồng. Đối với quy định cũ, ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư thì trong năm đó không tham gia Hội đồng giáo sư ngành/cơ sở.
Một điểm mới của thông tư này là thay đổi từ “thường xuyên” thành từ “hằng năm” tại khoản 7 Điều 14 của Thông tư 04. Tức là danh sách thành viên Hội đồng giáo sư ngành và bản lý lịch khoa học của các thành viên sẽ chỉ được công bố công khai, cập nhật hằng năm trên trang thông tin điện tử của HĐGSNN, thay vì thường xuyên như thông tư trước đây.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học
So với các bản dự thảo được đưa ra, thông tư chính thức đã ghi nhận, tiếp thu những đóng góp của các nhà khoa học. Theo dự thảo được công bố lần đầu (ngày 14/1), Bộ GD&ĐT dự kiến bãi bỏ yêu cầu công khai danh sách thành viên HĐGSNN, cùng với bản tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên.
Đến bản dự thảo gần đây nhất, Bộ yêu cầu công khai lý lịch của các ủy viên HĐGSNN, chứ không phải tất cả thành viên. Trong khi đó, thực tế, HĐGSNN có 32 thành viên, trong đó có 28 ủy viên và 4 lãnh đạo (3 phó chủ tịch, 1 chủ tịch). Việc yêu cầu công khai lý lịch khoa học của các ủy viên đồng nghĩa với việc lý lịch của 4 lãnh đạo HĐGSNN là “bí mật”.
Một số nhà khoa học ngạc nhiên, bức xúc trước nội dung dự kiến sửa đổi này và cho rằng, đây là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi.
Tuy nhiên, đến khi ban hành thông tư chính thức, Bộ GD&ĐT giữ lại quy định yêu cầu công khai lý lịch khoa học thành viên HĐGSNN. Ngoài ra, còn thay đổi cụm từ “tóm tắt lý lịch khoa học” thành yêu cầu “lý lịch khoa học”. GS. Phùng Đắc Cam cho biết thật sự vui vì Bộ GD&ĐT đã tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học.
Công khai lý lịch khoa học của tất cả các thành viên hội đồng giáo sư từ cấp ngành/liên ngành đến nhà nước là điều hiển nhiên và không có lý do gì phải loại trừ bất cứ một ai. Vì đây là một hội đồng khoa học.
Bình luận