• Zalo

Công khai danh tính người mua dâm: Sao phải băn khoăn?

Thời sựChủ Nhật, 26/04/2015 09:00:00 +07:00Google News

nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng làm giảm tệ nạn mại dâm thì nên thí điểm.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng làm giảm tệ nạn mại dâm thì nên thí điểm.

Khó xử lý dứt điểm


“Hoạt động mại dâm có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt khó kiểm soát trong cả cơ sở dịch vụ nhạy cảm và địa bàn công cộng” là báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh mại dâm của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội.

Hiện, trên địa bàn TP Hà Nội có 5.603 cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (trong đó có 1.185 cơ sở kinh doanh karaoke; 1.050 khách sạn, 2.031 nhà nghỉ, 878 cơ sở massage)… Năm 2003, Hà Nội có 55 tụ điểm hoạt động mại dâm, hiện nay còn 8 tụ điểm với tổng số khoảng 3.000 người hành nghề mại dâm, trong đó 90% người bán dâm đến từ tỉnh, thành khác.

Tháng 12-2012 toàn bộ hơn 180 người bán dâm đang được quản lý, chữa bệnh tại Trung tâm số II đã được giải quyết đưa về cộng đồng.


Đáng quan tâm là hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh như gội đầu thư giãn, massage có chiều hướng gia tăng, đặc biệt hoạt động mại dâm nam, trong đó chủ yếu là đồng tính nam đang có dấu hiệu phát triển nhưng lại bị luật “bỏ lọt”. Bên cạnh đó, người bán dâm hiện nay thường sử dụng mạng internet để “quảng cáo” dịch vụ, gây khó khăn cho việc triệt phá của các cơ quan chức năng.

Công khai danh tính người mua dâm sẽ giúp tệ nạn này giảm? Ảnh minh họa 

Còn các website chuyên hoạt động môi giới mại dâm thường có máy chủ đặt tại nước ngoài, sau khi bị chặn lại đổi sang tên, miền khác nên không dễ phát hiện…

Một trong các nguyên nhân của tệ nạn mại dâm không bị “đẩy lùi” được chỉ ra là bên cạnh những hạn chế nhất định trong việc phối hợp ngăn chặn, xử lý của các cơ quan chức năng thì mức xử phạt với vi phạm này còn quá thấp.

Từ tháng 10-2012, cùng với việc người bán dâm được “trả tự do” khỏi các trung tâm giáo dục lao động xã hội, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt dành cho đối tượng này chỉ là cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

So với “lợi nhuận” thu được, mức phạt này không đủ sức răn đe, nên hầu hết những người bán dâm nộp phạt xong lại tiếp tục “mưu sinh”. Tương tự, người mua dâm cũng sẵn lòng nộp phạt cho cuộc vui không may bị lộ.


Khắc phục những bất cập này, TP Hà Nội đã đề nghị xây dựng Luật Phòng chống mại dâm, thay cho Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đề nghị tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm…

Công khai danh tính, nên hay không?

Theo định nghĩa của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm thì mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Bán dâm là hành vi giao cấu với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”.

Quy định này đã trở nên lỗi thời, bởi giao cấu được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ, dẫn đến hành vi mại dâm đồng giới không bị xử lý. Vì vậy, TP Hà Nội cũng đề nghị sửa lại qui định này. Tất nhiên, khi sửa đổi điều này trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, sẽ phải điều chỉnh cả các quy định trong Bộ luật Hình sự về một số tội danh liên quan.


Đề xuất của UBND TP Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi. Khỏi phải nói, nhiều anh “có tật” phản đối ngay, bởi “lộ” danh tính thì họ đối mặt với những hệ lụy khôn lường như nguy cơ tan vỡ gia đình, ảnh hưởng đến công danh... Thế nên, không ít ý kiến cho rằng, việc công khai danh tính của người mua dâm chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, mà có khi còn lợi bất cập hại.

Đặc biệt, cần lưu tâm đến những đối tượng thuộc diện đặc biệt như không có gia đình, người tàn tật. Chưa kể, việc phải tiếp nhận, xử lý các thông báo đặc biệt này cũng thêm việc cho chính quyền, đoàn thể địa phương.


“Nếu được hỏi nên hay không, chắc chắn hầu hết nam giới sẽ phản đối, còn chị em sẽ ủng hộ. Vì chị em luôn tò mò xem chồng mình có “vi phạm” gì không, còn anh em thì đương nhiên muốn giữ bí mật”, anh Văn, trú tại quận Cầu Giấy, nói.

Tuy nhiên, phần lớn dư luận hoan nghênh với đề xuất “đánh vào danh dự” này của TP Hà Nội. Danh tính bị công khai, số người tìm đến dịch vụ này chắc chắn sẽ giảm. Tỷ lệ thuận với điều này sẽ là số người mắc bệnh xã hội giảm, góp phần tiết kiệm về kinh tế, giảm vấn nạn xã hội.

Những ý kiến đồng tình ủng hộ cho rằng, để công khai được danh tính người mua dâm đòi hỏi các lực lượng chức năng, nhất là CQCA phải có “quyết tâm” lớn. Bởi khi bị phát hiện liên quan đến dịch vụ nhạy cảm này, chắc chắn người mua dâm sẵn sàng “chạy” để không bị công bố danh tính, nên rất dễ dẫn đến tiêu cực.


Cần sự quyết tâm!

Pháp lệnh Phòng chống mại dâm qui định, người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Người  mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng đối với cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định chung, còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật.

Trong thời gian bị xử lý kỷ luật người vi phạm không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan Nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.


Như vậy, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm không qui định công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Còn việc thông báo danh tính cán bộ, công chức về cơ quan, đơn vị dường như là qui định “treo”, trừ những trường hợp người mua dâm bị phát hiện cùng lúc với các vụ việc khác hoặc liên quan trách nhiệm hình sự thì mới bị “lộ” .

Theo nhiều luật sư, việc công khai danh tính người mua dâm không vi phạm đến quyền nhân thân. Trong khi đó, chắc chắn điều này giúp làm giảm tệ nạn, thì tại sao phải băn khoăn? Bên cạnh các biện pháp như công khai danh tính người mua dâm, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyên biệt và thân thiện với người bán dâm, giúp những đối tượng này hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn… để giúp họ thay đổi công việc, góp phần giảm nguồn “cung” tệ nạn này.

Nguồn: Phương Thảo (Pháp luật & Xã hội)
Bình luận
vtcnews.vn