Mới đây, Cục Thuế TP. Hà Nội đã công khai danh sách 143 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất, với số nợ là 711.936 triệu đồng trong tháng 4/2018.
Trong đó, có 135 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền 688.419 triệu đồng. Trong 135 doanh nghiệp có 25 doanh nghiệp nợ lớn với số tiền 648.095 triệu đồng.
Đứng đầu danh sách nợ là Công ty Cổ Phần Sông Đà - Thăng Long có địa điểm tại Khu đô thị mới Văn Khê, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội, số tiền nợ lên tới gần 355 tỷ đồng.
Theo sau là Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Ngõ 102 đường Trường Chinh, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội) nợ gần 62 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Điện nhẹ Viễn thông (Số 142 Lê Duẩn, Phường Khâm Thiên, Quận Đống Đa, Hà Nội) nợ gần 35 tỷ đồng…
8 doanh nghiệp nợ các khoản liên quan đến đất với tổng số nợ 23.517 triệu đồng. Trong đó hai công ty là Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng và Lắp máy điện nước (Số 84, Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) và Công ty Cổ phần Tất Thành (Phòng 404 nhà K1 Phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) đều có số nợ gần 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh sách cũng nêu tên 110 doanh nghiệp nợ thuế, phí lần đầu tiên bị đăng công khai với tổng số nợ hơn 40 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc thực hiện công bố các doanh nghiệp còn nợ thuế là một nội dung để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế.
Theo đó, cơ quan thuế phải nêu bật được những đơn vị chấp hành tốt, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ. Đồng thời, những doanh nghiệp còn chậm nộp thuế, nợ thuế cũng phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy việc giảm thiểu nợ thuế, nâng cao hiệu quả thu Ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ thuế tăng là do doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế để sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp "kêu" gặp khó khăn và cơ quan Thuế còn hạn chế trong việc đôn đốc, quản lý nợ đọng thuế.
Nguyên nhân doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng thuế để lấy vốn sản xuất kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn sản xuất kinh doanh dẫn đến việc chây ỳ, khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư.
Theo ông Bùi Văn Nam - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, các biện pháp quản lý nợ thuế đã được ngành thuế triển khai thực hiện từ đầu năm, điển hình là việc tiếp tục giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng từng tháng tới từng lãnh đạo Cục Thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng tập trung đẩy mạnh việc phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ với các bộ phận thực hiện các chức năng khác như kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế; phối hợp với người nộp thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào Ngân sách Nhà nước.
Bình luận