• Zalo

Cộng đồng người Triều Tiên ở Nhật Bản sống thế nào?

Thế giới Thứ Ba, 05/12/2017 14:54:00 +07:00Google News

Tại Nhật Bản, có cộng đồng người Triều Tiên với quy mô tương đối lớn đang sinh sống và làm việc, cộng đồng này có lối sống đặc thù trong xã hội Nhật Bản.

Cộng đồng người Triều Tiên tại Nhật Bản hiện có quy mô khoảng 800.000 người, bao gồm những người Triều Tiên sang Nhật Bản từ trước khi Triều Tiên bị phân chia.

Những người này từ chối nhập tịch Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, trên thực tế họ được coi là công dân Triều Tiên. Cộng đồng này hình thành nên lối sống đặc thù trong xã hội Nhật Bản.

Lai lịch

Nguồn gốc của những người Triều Tiên tại Nhật Bản, hay còn gọi là người Triều Tiên Zainichi, bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20, khi Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

Năm 1910, Nhật Bản ép Triều Tiên ký Hiệp ước Nhật – Triều, theo hiệp ước này toàn bộ công dân Triều Tiên trở thành công dân Nhật Bản và vì thế có nhiều người Triều Tiên sang sinh sống tại Nhật Bản.

dprkschool-b-20141114

Trường trung học phổ thông của người Triều Tiên tại Nhật Bản. (Ảnh: TDJ)

Thế chiến II kết thúc, Đế quốc Nhật Bản bại trận và mất quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên, đồng thời những người Triều Tiên không còn được coi là công dân Nhật Bản. Cộng đồng người Triều Tiên lúc này tại Nhật Bản đăng ký là công dân của Joseon, đây là tên gọi của nước Triều Tiên chưa bị phân chia và được dùng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19.

Đến năm 1948, 2 miền Triều Tiên thành lập chính phủ riêng – chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) ở miền Bắc và chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ở miền Nam. Vì thế thuật ngũ Joseon lúc này không còn thể hiện 1 quốc gia cụ thể.

Chính phủ Hàn Quốc đề xuất với Bộ chỉ huy Tối cao Lực lượng Đồng minh, khi đó là thực thể quyền lực nhất tại Nhật Bản, thay đổi quốc tịch của những người Triều Tiên Zainichi thành Hàn Quốc. Kể từ năm 1950, những người Triều Tiên Zainichi tại Nhật bản có thể đăng ký lại quốc tịch là Hàn Quốc.

n-chongryon-a-20141111 4

Trụ sở tổ chức Chongryon của người Triều Tiên tại Nhật Bản, được coi là đại sứ quán Triều Tiên tại Nhật Bản. (Ảnh: JT)

Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết thỏa thuận ngoại giao vào năm 1965, trong đó Nhật Bản công nhận chính phủ Hàn Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất tại bán đảo Triều Tiên. Những người Triều Tiên tại Nhật Bản vẫn giữ quốc tịch Joseon, không chịu đăng ký quốc tịch Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ trở thành công dân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Cộng đồng người Triều Tiên Zainichi có quy mô khoảng hơn 800.000 người (theo thống kê năm 2015), cộng đồng này hình thành nên một lối sống rất đặc thù trong xã hội Nhật Bản.

Video: Trường Quốc tế tại Triều Tiên

Cuộc sống ở Nhật Bản

Điều dễ nhận ra nhất là những người Triều Tiên tại Nhật Bản thành lập hệ thống trường học riêng từ phổ thông cho đến đại học. Chương trình học của các trường này sử dụng giáo trình của Nhật nhưng được dịch ra tiếng Triều Tiên, riêng giáo trình lịch sử hiện đại được biên soạn theo quan điểm của Triều Tiên.

Trang thiết bị và đồng phục tại các ngôi trường này giống như Triều Tiên. Tại mỗi phòng học đều treo chân dung của Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il (Kim Chính Nhật). Ngoài ra, học sinh trung học năm cuối thường về thăm Triều Tiên trong kỳ nghỉ hè.

1 5

Học sinh tiểu học thuộc cộng đồng Triều Tiên tại Nhật Bản thăm ruộng lúa tại Triều Tiên.

Trong chuyến thăm Triều Tiên, những học sinh này đi thăm quan cánh đồng, trang trại trồng rau để tìm hiểu về nông nghiệp quê nhà. Bên cạnh đó, những học sinh lớn hơn được những người lính của Quân đội Triều Tiên giảng về lịch sử đất nước và tinh thần chống ngoại xâm của người Triều Tiên, cũng như giao lưu với học sinh địa phương.

Các trường học của người Triều Tiên tại Nhật Bản được điều hành bởi tổ chức do cộng đồng này lập ra có tên là Chongryon, số lượng thành viên của tổ chức này chiếm khoảng 25% dân số Triều Tiên tại Nhật Bản. Ngoài các trường học, tổ chức này còn điều hành mạng lưới ngân hàng, ngành kinh doanh chính của tổ chức này là pachinko (sòng bạc).

0 5

Nữ quân nhân Quân đội Nhân dân Triều Tiên thuyết trình trước nhóm học sinh của cộng đồng người Triều Tiên tại
Nhật Bản.

Tổ chức Chongryon có quan điểm ủng hộ Triều Tiên, đồng thời không khuyến khích việc nhập tịch Nhật Bản. Ngoài ra do Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản nên trên thực tế tổ chức Chongryon đóng vai trò như đại sứ quán của Triều Tiên tại Nhật Bản.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn