• Zalo

Công chức, xe công đi chùa: Sao phải tốn công sức ngăn chặn vi phạm ở tầm 'mớ rau, con cá'?

Thời sựThứ Tư, 15/02/2017 16:16:00 +07:00Google News

Nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nhận định dù việc sử dụng xe công để đi lễ chùa có giảm nhưng vẫn tỏ ra băn khoăn khi mỗi năm bộ máy quản lý lại phải tốn rất nhiều công sức để ngăn chặn những vi phạm chỉ ở tầm 'mớ rau, con cá'.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bảy tỏ quan điểm và phân tích xung quanh vấn đề xe công đi lễ chùa dịp đầu năm qua bài viết sau.

xe cong 1

 Việc công chức sử dụng xe công đi lễ chùa đầu năm tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra

Đến hẹn lại lên. Ra Tết, các công chức lại sử dụng xe công, bỏ giờ làm việc để đi lễ hội. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Mà rằm mới qua được mấy ngày thì thời gian để ăn chơi vẫn còn dài dài ở phía trước.

Công bằng mà nói, nạn sử dụng “xe chùa” để đi lễ chùa đã được hạn chế rất đáng kể. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát tăng cường của báo chí có lẽ là nguyên nhân cơ bản cho sự cải thiện nói trên.

ts nguyen si dung

 

Tuy nhiên, tại sao mỗi năm lại cứ phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để ngăn chặn những vi phạm ở tầm “mớ rau, con cá” như vậy?

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Tuy nhiên, tại sao mỗi năm lại cứ phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để ngăn chặn những vi phạm ở tầm “mớ rau, con cá” như vậy? Tại sao những chuẩn mực đơn giản về kỷ luật và đạo đức công vụ lại khó được áp đặt như vậy ở nước ta?

Đây quả thực là những câu hỏi không vui, nhưng trả lời chúng lại rất quan trọng. Cứ nghĩ mà xem, nếu năm nào cũng chỉ tập trung cho chừng ấy chuyện thì chúng ta không còn chuyện gì để làm nữa hay sao?!

Ở đời mọi chuyên xảy ra điều có nguyên do của nó. Các công chức hay bỏ giờ làm việc để đi lễ hội vì họ có điều kiện để làm như vậy.

Vấn đề thứ nhất công việc cho phép họ làm như vậy. Quá nhiều vị trí của các công chức, viên chức có cũng được, mà không có cũng chưa chết ai. Những người chỉ ngồi chơi xơi nước là chính thì đi chùa lúc nào mà chẳng được.

Tình trạnh dư thừa nhân lực nói trên xảy ra lại do xu hướng bành trướng vô tận của các cơ quan nhà nước. Đây thực ra là một bản tính tự nhiên của bất cứ một cơ quan, tổ chức nào. Rất nhiều cơ quan, tổ chức ban đầu được thành lập ra là để đảm nhiệm một chức năng cần thiết nào đó.

Hay nói cách khác, chúng được thành lập ra là vì dân, vì nước. Thế nhưng khi đã được thành lập, xu thế chúng vì chúng trước tiên sẽ luôn luôn áp đảo. Với xu thế này, chúng sẽ nhanh chóng đòi được bổ sung thêm quyền năng và thành lập thêm các phòng ban, các chi nhánh, các văn phòng đại diện…

Chúng ngày một phình to ra nhưng giá trị xã hội và dịch vụ công mà chúng đảm nhiệm thì vẫn như xưa. Rất nhiều biên chế, rất nhiều bộ phận được phình to ra thực chất là đang dư thừa ở đây.

Để khắc phục tình trạng này, chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhà nước phải được xác định rõ từ đầu và không nên được bổ sung thêm.

Mỗi cơ quan đều phải có bản mô tả công việc cho từng chức danh có trong cơ quan. Tuyển dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chức danh và bản mô tả công việc. Vừa qua Bộ Nội vụ đã được giao triển khai công việc này cho cả hệ thống hành chính.

Tuy nhiên, đây có vẻ là công việc quá sức đối với Bộ Nội vụ. Thực tế, nhiều cơ quan đang vẽ ra các bản mô tả công việc theo như thực trạng mà mình đang có. Làm như vậy chỉ tốn thêm thời gian, công sức và tiền của mà chẳng cải thiện được tình hình.

Thực ra, đây là công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Nếu chúng ta không sớm xác lập được một nền công vụ chuyên nghiệp với một tổng công vụ trưởng đứng đầu, mọi việc sẽ còn rất lúng túng, khó khăn.

xe cong 2

 Việc sử dụng xe công đi lễ hội đầu năm vẫn còn xảy ra (Ảnh: Dân trí)

Vấn đề thứ hai là khả năng quản lý hạn chế của những người đứng đầu. Thực tế, nhiều thủ trưởng được bổ nhiệm theo các tiêu chuẩn chính trị là chính, nên rất ít kiến thức và kỹ năng về quản lý. Nếu họ được cấp trên gọi đi họp là coi như toàn bộ “hậu phương” bị bỏ trống. Các công chức dưới quyền có thể mặc sức bỏ giờ làm việc để đi chùa.

Ngoài ra, bạn sẽ quản lý một nhân viên thú y như thế nào nếu công việc kiểm dịch của họ ở chợ chỉ diễn ra từ 3-5 giờ sáng? Sau thời gian đó, họ không làm việc nữa thì họ có quyền đi chùa hay không?

Hỏi như vậy là để thấy quản lý nhân lực là một công việc khó khăn. Không có năng lực chuyên môn, không thể làm tốt được. Mà không làm tốt được, thì nhân viên bỏ việc đi chùa chỉ là một hệ lụy khá nhỏ mà thôi.

Giải pháp ở đây là phải áp đặt tiêu chuẩn về năng lực quản lý cho đội ngũ quan chức hành chính-công vụ. Thiếu năng lực quản lý không thể được đề bạt. Điều cần nói thêm ở đây là bằng chính trị cao cấp, chứng chỉ chuyên viên cao cấp ít có khả năng tạo ra năng lực quản lý.

Cuối cùng, nhiều công chức bỏ việc đi chơi khá thoải mái là vì họ không thấy áy náy về điều đó. Họ không thấy áy náy về điều đó là vì đạo đức công vụ đã không phát huy tác dụng.

Xây dựng và áp đặt các chuẩn mực của đạo đức công vụ vì vậy là rất cần thiết để khắc phục những vi phạm như ăn cắp giờ công, lạm dụng xe công.

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Bình luận
vtcnews.vn