• Zalo

Công bố tin kiểm tra Cơm tấm Kiều Giang: Ban Quản lý ATTP TP.HCM vi phạm luật

Kinh tếThứ Tư, 29/08/2018 18:31:00 +07:00Google News

Luật sư cho rằng, việc công bố thông tin kiểm tra cơ sở Cơm tấm Kiều Giang khi chưa có kết luận cuối cùng của Ban Quản lý ATTP TP.HCM là vi phạm quy định trong Luật An toàn thực phẩm.

Liên quan đến vụ việc Cơm tấm Kiều Giang, trao đổi với PV VTC News, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM công bố các thông tin về đợt kiểm tra cơ sở của Kiều Giang trước khi có kết luận chính thức là vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm.

“Một hành vi chỉ được xem là sai phạm khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu chỉ mới lập biên bản về việc tạm giữ các thực phẩm của doanh nghiệp thì theo luật chưa được công bố. Khi chưa có quyết định chính thức đã đăng công khai trên các phương tiện thông tin là sai.

Tất cả các thông tin tạm giữ tang vật có dấu hiệu vi phạm đều phải bí mật trước khi có sai phạm rõ ràng. Thậm chí nếu trong trường hợp đã có quyết định rồi nhưng người ta vẫn có quyền khiếu nại, khiếu kiện”, luật sư Học cho biết.

Theo đó, về nguyên tắc, việc đăng tải thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử liên quan đến hoạt động kiểm tra ATTP chỉ thực hiện sau khi có quyết định xử lý vi phạm hành chính. Nếu chưa có quyết định xử phạt chính thức thì không được đăng tải bất kỳ thông tin nào.

40086260_536939940078229_4906052949362343936_n

 Cơm tấm Kiều Giang vắng khách sau thông tin về đợt kiểm tra của Ban Quản lý ATTP lan truyền. (Ảnh: Anh Trường)

“Công bố trước thông tin dù chưa khẳng định sai phạm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Họ ngộ nhận rằng cơm tấm Kiều Giang đang sai phạm, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đây là việc không đúng quy định”, luật sư Học chia sẻ.

Luật sư Học cho rằng, nếu tổ chức phát ngôn có gây ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện tổ chức đó. Trường hợp Kiều Giang có thiệt hại, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường theo bộ luật dân sự.

Cơm tấm Kiều Giang cũng có quyền yêu cầu đính chính đối với cơ quan đã đăng tải thông tin gây bất lợi cho doanh nghiệp khi chưa có kết luận cuối cùng. 

“Hiện nay theo luật chỉ cần có quyết định xử phạt là đã đăng tải thông tin công khai rồi.

Nhưng theo tôi từ nay về sau, các cơ quan Nhà nước sau khi kiểm tra, thanh tra xong cần chờ cho đơn vị, cá nhân bị kiểm tra, thanh tra khiếu kiện đã. Vì nếu người ta khiếu nại mà tòa hủy quyết định xử phạt của cơ quan Nhà nước thì sao?”, luật sư Học nói.

Điều 68 Luật An toàn thực phẩm: Trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm

4. Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc:

a) Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử;

b) Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức;

c) Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn