“Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em mới 111 (số cũ 18001567) vừa được Bộ TT&TT chấp thuận. Số này có ưu điểm là thuận tiện trong công tác truyền thông, đặc biệt giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bóc lột, mua bán... dễ nhớ để quay số gọi khẩn cấp”.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.
Dễ nhớ, miễn phí, 24/24 giờ
Thời gian qua, các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng cả về số lượng, tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng. Từ đó đòi hỏi cấp thiết đặt ra là phải có một đường dây nóng thuận tiện nhất để người dân báo tin, trong cả trường hợp cần ứng cứu khẩn cấp lẫn nguy cơ tiềm ẩn trẻ em bị xâm hại, bạo hành.
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết sau khi có văn bản chấp thuận đường dây nóng mới từ Bộ TT&TT, đơn vị đã giao Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện định tuyến cuộc gọi đến số dịch vụ 111. Dự kiến tổng đài sẽ đi vào hoạt động trong tháng 11 hoặc tháng 12 tới.
Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông dự kiến chia đầu số 111 thành ba vùng. Tổng đài Hà Nội sẽ tiếp nhận các cuộc gọi phía Bắc; tổng đài Đà Nẵng tiếp nhận các cuộc gọi của người dân ở miền Trung, Tây Nguyên và tổng đài An Giang sẽ tiếp nhận các cuộc gọi ở khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL.
Theo ông Hiệu, đơn vị kiến nghị đổi đường dây nóng 111 là do số cũ 18001576 dài, khó nhớ đối với trẻ em, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp cần sự can thiệp tức thì. Kinh nghiệm của 178 đường dây nóng về trẻ em trên thế giới hầu hết chỉ lấy 3-4 số dễ nhớ như 116, 111, 888, 8080…
Đường dây 18001567 hiện tại (thiết lập từ năm 2004) vẫn sẽ được duy trì, chạy song song với đầu số 111. “Trước mắt, chưa thể bỏ số cũ nhưng chúng tôi sẽ ngừng truyền thông đầu số này để tập trung cho số 111” - ông Hiệu nói.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoàn toàn miễn phí, hoạt động 24/24 giờ, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
2,5 triệu cuộc gọi chưa phản ánh đúng
Ông Hiệu cho biết chức năng đường dây 111 cũng tương tự số 18001567 là tiếp nhận, giải đáp cho người dân cần tư vấn pháp luật về trẻ em, tố cáo hành vi xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột trẻ.
Với những trường hợp khẩn cấp, thông tin phản ánh được phân loại chặt chẽ và liên lạc ngay với cơ quan công an ở địa phương, chính quyền xã/phường để có các biện pháp phòng ngừa, can thiệp khẩn cấp. Với các trường hợp ở dạng nguy cơ, đường dây nóng phối hợp, lập hồ sơ chuyển cho các cơ quan địa phương để hỗ trợ.
Thời gian qua, những cuộc gọi của người dân và trẻ em đều mang lại hiệu quả cao, bằng chứng là nhiều cuộc giải cứu nạn nhân thành công. Từ ngày ra mắt số điện thoại 18001567, đơn vị đã tiếp nhận 2,5 triệu cuộc gọi trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Hiệu nhận định số người dân biết đến đường dây 18001567 còn hạn chế. Một phần do số dài, phần khác do Nhà nước không hỗ trợ hoạt động truyền thông. Việc tuyên truyền chủ yếu thông qua dự án trong khi kinh phí rất hạn hẹp.
Để tổng đài 111 vận hành tốt hơn, tiếp nhận thông tin và hỗ trợ được nhiều hơn, ông Hiệu cho rằng phải nâng cao trình độ, khả năng cung cấp thông tin, dịch vụ của nhân viên. Về truyền thông phải lồng ghép hoạt động tuyên truyền vào các chương trình của tổ chức, đơn vị liên quan như đưa số điện thoại vào quảng bá ở bìa sách, vở, bút...
Video: Điểm danh '15 cơ quan không bảo vệ nổi trẻ em' khi bị xâm hại
Ông thông tin thêm: “Sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với lãnh đạo các tập đoàn như doanh nghiệp sữa để in đường dây nóng 111 lên bìa các sản phẩm này nhằm phổ biến đến trẻ em, người dân sâu rộng hơn”.
Tại TP.HCM hiện có 9.000 cộng tác viên tình nguyện rải đều ở mỗi phường/xã để giúp tư vấn các vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em.
Ngoài tổng đài 111, người dân có nhu cầu có thể liên lạc Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em TP.HCM qua số điện thoại 028.3820.2965, hoặc Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM qua số 028.3840.1406 (làm việc giờ hành chính).
Bình luận