Một nhóm gồm 6 chuyên gia độc lập lần đầu tiên nghiên cứu và công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học tại Việt Nam, điều đáng nói là những trường danh tiếng thậm chí còn ở dưới mức trung bình.
Một nhóm các chuyên gia độc lập đã dành 3 năm để thu thập các dữ liệu từ các trường đại học, nghiên cứu các tiêu chí và thực hiện xếp hạng các trường đại học theo các tiêu chí này.
Nhóm thực hiện gồm tiến sỹ Lưu Quang Hưng, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh, tiến sỹ Giáp Văn Dương và các cộng sự. Đây là lần đầu tiên có một bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam.
Bảng xếp hạng vừa được nhóm công bố tại buổi tọa đàm chiều ngày 6/9. Tuy nhiên, ngay sau khi bảng xếp hạng được công bố đã gây ra một làn sóng tranh luận bởi bảng xếp hạng này có phần "vô lý" khi những trường Đại học danh tiếng bậc nhất cả nước lại được xếp sau các trường Đại học khác, thậm chí ở gần cuối bảng xếp hạng.
Cụ thể, một số trường có tuổi đời còn rất trẻ Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đứng thứ 2, Trường ĐH Duy Tân đứng thứ 9.
Các trường đại học vốn được đánh giá rất cao, có uy tín cả chục năm và nổi tiếng là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều học sinh giỏi lại có xếp hạng lại ở vị trí thấp như: Đại học Bách khoa xếp thứ 7, Đại học Ngoại thương xếp thứ 23, Đại học Y Hà Nội xếp thứ 20, Đại học Kinh tế quốc dân thậm chí ở vị trí thứ 30, học viện Tài chính gần cuối bảng, đứng thứ hạng 40. Trong khi đó Đại học Vinh xếp top 21, cao hơn những trường trên.
Lý giải về điều này, các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đánh giá công bố BXH, cho biết: "Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên, năng lực lãnh đạo quản lý của ban điều hành trường, chất lượng khung chương trình dạy, không gian lớp học, thời gian đầu tư cho việc học tập và phương tiện thực hành, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm...
Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ hai. Điều này có được là do thành tích vượt trội về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và gnoaif nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường. Trường ĐH Duy Tân cũng đứng thứ 9 chủ yếu nhờ thành tích trong công bố quốc tế.
Còn các trường danh tiếng lâu nay có xếp hạng trung bình vì sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ”.
Giải thích về lý do Trường ĐH Ngoại thương cũng như một số trường khác bị xếp thứ hạng thấp trong khi điểm đầu vào luôn thuộc top, các chuyên gia trong nhóm đánh giá cho rằng do số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ cũng như các nghiên cứu và công bố quốc tế ít nên trong bảng xếp hạng ở top trung bình.
Còn chất lượng Ngoại thương thì là câu chuyện khác. Ai cũng biết sinh viên trường ĐH Ngoại thương rất năng động, các em tham gia các hoạt động xã hội cũng rất tốt nhưng không thể đồng nhất chất lượng đào tạo và thứ hạng xếp hạng. Có những tiêu chí chúng ta không đồng nhất được.
Hiện nay, mọi người mới chỉ đang nhìn nhận là sinh viên trường đó ra có xin được việc, kiếm được nhiều tiền, công việc có tốt hay không. Điều đó chưa phản ánh hoàn toàn chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ của giáo dục ĐH bên cạnh việc tạo ra sản phẩm còn phải tạo ra tri thức. Hiện nay, ĐH Ngoại thương tạo ra tri thức cho xã hội chưa được chú trọng lắm nên xếp thứ 23”.
Video: Trường đại học khó đậu nhất thế giới
Bình luận