• Zalo

Công bố 10 Kỷ lục Việt Nam trong sở hữu trí tuệ

Thời sựThứ Năm, 25/04/2013 02:15:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục công bố 10 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 2013.

(VTC News) - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam được sự hỗ trợ của Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục công bố 10 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 2013.

1. Tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền nhiều nhất tại Việt Nam

 

Được thành lập năm 1957, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn và tổng phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục khác phục vụ giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trong toàn quốc; đồng thời giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác phát hành sách và thư viện trường học.

Là một đơn vị có nhiệm vụ cao cả, góp phần không nhỏ trong kế hoạch trồng người của đất nước, nên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ bản quyền cho chính bản thân đơn vị mình.

Vì vậy, theo thống kê của Cục Bản quyền tác giả, đến tháng 04.2013, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được cấp 592 giấy chứng nhận đăng ký bản quyền, và trở thành đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền nhiều nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại).


2. Cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền nhiều nhất (Phá kỷ lục Việt Nam)

Ông Bùi Văn Ngọ sinh năm 1931 tại Sài Gòn, là hội viên Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh nhưng tình yêu dành cho hội họa, cho mỹ thuật rất lớn. Cùng với công việc mưu sinh ông đã mày mò tự học hội họa từ khi còn trẻ. Năm 1984 đến nay ông đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh.
 
 

Năm 1955, ông lập xưởng cơ khí mà hiện nay là Công ty TNHH cơ khí Công Nông Nghiệp Bùi Văn Ngọ. Cả 9 người con của ông tiếp tục quản lý công việc sản xuất và xuất khẩu những thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp sang nhiều nước trên thế giới.
 
Tuy không xuất thân từ một trường mỹ thuật nào nhưng số lượng sách và giáo trình tự chọn đã giúp ông làm việc một cách độc lập nhưng nghiêm túc và bài bản. Là người rất quan tâm đến quyền tác giả nên ông Bùi Văn Ngọ đã đăng ký với Cục Bản quyền tác giả các tác phẩm của mình. Đến nay (tháng 4.2013), ông được cấp 724 giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả theo thể loại tác phẩm tạo hình (chủ yếu là tranh sơn dầu), gần gấp đôi con số ông đăng ký vào năm 2012.

Các tác phẩm ông đăng ký bản quyền như: Sơn nữ tắm thác Pongour, Chân dung cô gái ở Long Sơn, Hoa Cúc, Thu Hải đường Đà Lạt, Cảnh Hòn Chồng - Nha Trang, Cảnh nhà thờ Huyện Sĩ TP. HCM, Cảnh quán cóc - Bãi Dâu Vũng Tàu, Rừng tràm Bình Châu, Nấu bánh tét ăn Tết, Cổ nhạc Nam Bộ, Mưa chiều trên sông Thu Bồn, Nấu dầu tràm… Danh mục này đã được tra cứu tại hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Bản quyền tác giả.

3. Bài thơ “ Ở hai đầu nỗi nhớ” có giá bản quyền cao nhất Việt Nam

Bài thơ của tác giả Trần Đình Chính (bút danh Trần Hoài Thu) đã được Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO) mua bản quyền bài thơ với giá 300 triệu đồng.
 

Bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” lần đầu được đăng trên báo Nhân dân vào năm 1984, sau đó năm 1987 được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, trở thành bài thơ, bài hát được nhiều người yêu thích.

Bài thơ là tiếng nói đầy ắp yêu thương của tình yêu và nỗi nhớ. Bài thơ của tác giả Trần Đình Chính (tức Trần Hoài Thu) đã được Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (MASECO) mua với giá 300 triệu đồng.  Ông Nguyễn Xuân Hàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty MASECO cho biết công ty sẽ cố gắng phát triển và phổ biến bài thơ để nó được tiếp cận với công chúng một cách gần gũi hơn, sâu rộng hơn.

4. Đơn vị liên kết xuất bản thắng kiện về vi phạm bản quyền sách nhiều nhất tại Việt Nam


Kể từ ngày công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam, First News đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực thi bản quyền. Quyển sách đầu tiên tại Việt Nam có bản quyền ngay sau thời điểm công ước Berne có hiệu lực là cuốn TOEFL Cliffs ký hợp đồng với Tập đoàn John Wiley & Sons, và sau đó là hàng loạt các ấn phẩm sách khác được bạn đọc yêu thích.

First News hiện đang giao dịch bản quyền với hơn 200 nhà xuất bản và tập đoàn xuất bản trên khắp thế giới. Tính đến nay, First News đã ký hợp đồng bản quyền với hơn 800 tựa sách và đang thương lượng nhiều tựa sách hay khác để kịp mang đến cho độc giả Việt Nam những kiến thức cần thiết, hữu ích và mới nhất.

Để giảm bớt nạn in lậu sách, thực thi Luật bản quyền quốc tế tại Việt Nam,  First News  đã ba lần tiến hành khởi kiện bản quyền đối với những đơn vị vi phạm sách bản quyền của mình. Cụ thể:

-    Ngày 04.6.2012 đã thắng kiện Trường Anh ngữ Quốc tế Úc Châu

-    Ngày 26.09.2012 đã thắng kiện Trường Anh văn Hội Việt Úc.

-    Ngày 04.03.2013 đã thắng kiện Trường Ngoại ngữ đào tạo quốc tế Mỹ tại Hà Nội

Vụ thắng kiện lần 3 này là đòi bản quyền các tựa sách Luyện thi TOEIC và TOEFL iBT. Các đầu sách này đều được First News mua bản quyền từ tập đoàn Compass Media (Mỹ) để được độc quyền xuất bản ở Việt Nam.

Lần thứ 3 này, theo thỏa thuận, số tiền bồi thường cho First News là 220 triệu đồng và hơn 500 triệu đồng còn lại được quy ra thành 254 suất học bổng, mỗi suất gần 2 triệu đồng. Toàn bộ số học bổng được trao tặng cho các học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở thủ đô Hà Nội.

Ước tính tổng ba lần khởi kiện bản quyền, First News được đền bù số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

5. Cá nhân Việt Nam nộp nhiều đơn đăng ký Giải pháp hữu ích nhất tại Việt Nam

Ông là giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, thành lập tháng 01.2000, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng độc đáo do doanh nghiệp tự thiết kế.

Các sản phẩm mang thương hiệu Duy Lợi được sản xuất trên dây chuyền thiết bị máy móc hiện đại, kiểu dáng trang nhã, màu sắc hợp thời trang, bền bỉ theo thời gian. Sản phẩm Duy Lợi được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.


Là người rất quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ nên ông Lâm Tấn Lợi đã đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ các giải pháp hữu ích của mình. Đến nay (tháng 4.2013), ông đã có 29  đơn đăng ký Giải pháp hữu ích. Ông cũng là người đã từng thắng kiện về việc xâm phạm bản quyền ở thị trường Nhật Bản và Mỹ vào năm 2003 và năm 2004.

6. Trường Đại học nộp nhiều đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích nhất tại Việt Nam

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tiếng Anh: Hanoi University of Science and Technology, viết tắt là HUST) là trường đại học kỹ thuật đa ngành, được thành lập tại Hà Nội ngày 15 tháng 10 năm 1956. Trường là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, là trường đại học trọng điểm quốc gia ở Việt Nam. Trường đã đào tạo hàng vạn kỹ sư phục vụ cho các ngành công nghiệp và khoa học kĩ thuật của Việt Nam.

Nhà trường đã từng bước tăng cường quy mô đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho nền kinh tế nhiều thành phần bằng cách đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở thêm nhiều chuyên ngành mới. Tính đến tháng 4 năm 2013, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có tới 75 đơn đăng ký Sáng chế và Giải pháp hữu ích.

7. Viện nghiên cứu nộp nhiều đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích nhất tại Việt Nam

Được thành lập năm 1941 với tên gọi là Viện Nghiên cứu Cao su Đông Dương (I'Institut des Recherchers sur le Caoutchouc en Indochine - IRCI), Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (Rubber Research Institute of Vietnam - RRIV) đã trải qua nhiều thăng trầm trong chiến tranh cho đến khi hoạt động nghiên cứu khoa học được tái lập vào năm 1975. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam là bộ phận nghiên cứu - triển khai của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Nhiệm vụ xuyên suốt của RRIV đối với ngành cao su Việt Nam là tăng cường tính cạnh tranh và tính bền vững của công nghiệp cao su Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá, thông qua các chương trình trọng điểm về nghiên cứu - phát triển và chuyển giao công nghệ. Chính vì nhiệm vụ đó, hiện tại RRIV đã đăng ký 15 bằng Sáng chế và Giải pháp hữu ích nhằm phát triển tốt nhất cho cây cao su và các sản phẩm liên quan đến cao su.

8. Cá nhân Việt Nam đầu tiên đăng ký quốc tế sáng chế qua hệ thống PCT

Huỳnh Công Nhân vốn là cựu học sinh trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Một lần tình cờ anh đọc được trên Internet về hoa sấy khô ở nước ngoài. Với máy sấy công nghệ cao, mỗi mẻ hoa được sấy 10 - 14 ngày. Giá thành mỗi hoa khoảng 0,6 USD. Anh nghĩ đến sự bất hợp lý về thời gian cũng như giá thành. Chẳng hạn nếu lỡ cúp điện một vài tiếng đồng hồ thì xem như mẻ hoa đó bị bỏ.

Kết quả sau bốn năm trời thử nghiệm, một mẻ hoa được sấy chỉ trong sáu tiếng đồng hồ - giảm thời lượng 50 lần. Giá thành mỗi hoa thấp hơn 20% so với nước ngoài. Không chỉ vậy, thời gian giữ màu và độ bền của hoa là tám tháng đến một năm, trong khi nước ngoài chỉ 2-3 tháng là bạc màu.

Và đây cũng là sáng chế được anh đăng ký quốc tế qua hệ thống PCT và trở thành cá nhân – người Việt Nam đầu tiên đăng ký quốc tế sáng chế qua hệ thống PCT.


9. Nhà sư đầu tiên là tác giả sáng chế được cấp bằng tại Việt Nam

Thượng tọa Thích Huệ Đăng (sinh năm 1940), hiện là Giảng viên Cao đẳng Chuyên khoa Phật học, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thượng tọa còn được biết đến là một nhà trồng hoa lan nổi tiếng và là một trong những người có công lớn trong việc phát triển nhân bản vô tính giống sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt.

Theo tài liệu khoa học, Sâm Ngọc Linh tự nhiên thường mọc và phát triển dưới tán rừng ở độ cao 1.200 m đến 2.100 m so với mực nước biển. Thượng tọa Thích Huệ Đăng bắt đầu nhân giống và trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô vào cuối năm 2008, từ một củ sâm lấy từ núi Ngọc Linh.

Hiện tại, công ty do nhà sư làm giám đốc đã sản xuất được khoảng 1 triệu cây giống sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô. Một phần số giống này được trồng tại Đà Lạt cho kết quả tốt. Tháng 10 năm 2012, qui trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô được cấp bằng sáng chế và ông cũng trở thành Nhà sư đầu tiên là tác giả sáng chế được cấp bằng tại Việt Nam.

10. Tác giả sáng chế có nhiều sáng chế áp dụng cho quá trình phát triển cây lúa

Tiến sĩ Lê Văn Tri sinh năm 1952, hiện sinh sống tại Hà Nội, là người miệt mài sáng chế rồi thành lập các doanh nghiệp khoa học để vừa làm giàu, vừa giúp ích cho xã hội.

Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học - phân bón Fitohoocmon; Chủ tịch Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam.

 

Năm 1975, sau khi tốt nghiệp ngành Vi sinh ở Đại học Tổng hợp Kisinhop (Liên Xô cũ), về nước Ông nhận công tác tại Phòng nghiên cứu Vi Sinh (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Năm 1988, Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây cũng là điều kiện quan trọng để ông có những nghiên cứu và tạo ra những bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học sau này.

Về sau, Ông đã cùng với một số nhà nghiên cứu khác có cùng chí hướng thành lập doanh nghiệp nghiên cứu khoa học. Công ty ngày càng lớn mạnh, là nền tảng để việc nghiên cứu khoa học ngày càng đi vào chiều sâu.

Hiện nay, TS. Lê Văn Tri có gần 20 bằng sáng chế trong lĩnh vực sinh học từ năm 1991 đến nay như, trong đó có 10 bằng sáng chế áp dụng cho cây lúa như: Chế phẩm tăng năng suất lúa, Quy trình sản xuất mạ khay công nghiệp; Phương pháp xử lý rạ tại ruộng; Phương pháp ngâm ủ hạt lúa tươi mới thu hoạch…

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn