• Zalo

Công an Hưng Yên triệu tập tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT là không đúng luật

Pháp luậtThứ Ba, 12/09/2017 12:14:00 +07:00Google News

Việc Công an Hưng Yên sử dụng giấy triệu tập đối với tài xế lái xe trả tiền lẻ qua trạm BOT (không có tư cách là người tham gia tố tụng) là không đúng luật.

Tài xế có quyền từ chối, khiếu nại Giấy triệu tập của công an

Trả lời VTC News về việc công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên ra giấy triệu tập một số tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT số 1, Quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, những người sau có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

trieu tap tai xe tra tien le23

 Luật sư Thanh (ảnh nhỏ) cho rằng, công an Hưng Yên sử dụng giấy triệu tập với tài xế là không đúng luật.

Đó là bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

Tuy nhiên, những người trên có tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, nghĩa là chỉ khi khởi tố vụ án thì mới xuất hiện tư cách tố tụng này.

“Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2006/TT-BCA (C11) ngày 12 tháng 1 năm 2006, của Bộ Công an quy định: ‘Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định" – Luật sư Thanh dẫn chứng.

Từ những quan điểm trên, luật sư Thanh cho rằng, việc sử dụng giấy triệu tập đối với tài xế lái xe (không có tư cách là người tham gia tố tụng) là không đúng luật.

Luật sư nói thêm: “Trong trường hợp không phải là đối tượng bị triệu tập nhưng vẫn nhận được giấy triệu tập, người dân có thể khiếu nại tới cơ quan nơi làm việc của người ký giấy triệu tập đối với mình”.

Cùng chung quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc công ty luật Đại Nam - cho biết, việc cơ quan công an chưa đủ căn cứ (hoặc hiểu, vận dụng sai pháp luật) mà đã triệu tập là không đúng.

“Công dân có quyền từ chối thực hiện yêu cầu triệu tập nếu thấy nó không đúng với quy định pháp luật.

Trước khi khởi tố vụ án, cơ quan công an cần phải xác minh xem có dấu hiệu tội phạm không, và giai đoạn này, họ có quyền mời những người liên quan đến để xác minh làm rõ. Tuy nhiên, công dân cũng có quyền không thực hiện nếu có lý do chính đáng” – luật sư Tuấn phân tích.

Video: Chủ đầu tư muốn khép tội gây rối, tài xế trả tiền lẻ nói gì?

Luật sư Lê Văn Kiên, trưởng ban tranh tụng Văn phòng luật Phạm Hồng Hải và Cộng sự cũng bày tỏ: “Công an có quyền triệu tập công dân để làm rõ những vấn đề mà họ nghi vấn và cần phải làm rõ. Về nguyên tắc khi bị triệu tập công dân phải chấp hành và đến làm việc theo giấy triệu tập của Công an. Tuy nhiên, nếu giấy triệu tập hoàn toàn không có căn cứ thì công dân có thể từ chối thực hiện.”

Trả tiền lẻ không phải hành vi “gây rối” để khởi tố

Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết cơ quan công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ hành vi gây rối an ninh trật tự tại trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Ông Hào khẳng định, công an tỉnh đã làm việc với một số lái xe và đang khẩn trương điều tra xem ai là người kích động các lái xe phản đối. Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố về hành vi gây rối, kích động.

Bày tỏ quan điểm về phát ngôn này, luật sư Thanh cho biết, gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi làm náo động trật tự ở nơi công cộng. Chẳng hạn như: Tập trung đông người ở nơi công cộng, gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các, quán ăn, quán giải khái có đông người. v.v…

Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ (hay còn được gọi là "tiền lẻ") để thanh toán tại các trạm thu phí đường bộ, nếu không rơi vào một trong các trường hợp nêu trên, thì không thể được coi là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, nếu người nào đứng ra tổ chức, sắp đặt cho nhiều người khác sử dụng tiền lẻ để thanh toán tại các trạm thu phí thì không thể coi đó là việc làm bình thường mà cần phải xem đó là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn