• Zalo

Con vào lớp 1: Bán lỗ 4 căn hộ để mua 1 ngôi nhà

Giáo dụcThứ Ba, 05/08/2014 11:56:00 +07:00Google News

Chị Huyền phải chấp nhận bán lỗ 4 căn nhà để đổi mua 1 ngôi nhà cho gần với trường học mới của con chị.

Chị Huyền phải chấp nhận bán lỗ 4 căn nhà để đổi mua 1 ngôi nhà cho gần với trường học mới của con chị.

Có con vào lớp 1 năm nay, chị D.T. Huyền (quận Đống Đa) quyết định bán nhà để tìm mua một điểm mới gần trường tiện đưa đón các con.

con vào lớp 1
Để con được vào những trường đúng sở nguyện của bố mẹ, có không ít những hy sinh ở phía sau 
Theo chị Huyền, ngôi nhà mới mà anh chị vừa mua hiện chị cách trường học 70-80m. Trong khi nhà cũ cách trường khoảng 3-4 km.

Và để làm được vậy, anh chị đã phải chấp nhận bán 4 căn chung cư để có được địa điểm mới này. Thậm chí, còn phải chấp nhận bán lỗ cả 4 căn. “Mới bán được 1-2 tháng thì giá của những khu chung cư đó lại tăng lên liên tục.

Tính ra, có những trường hợp mà nếu đến thời điểm này gia đình đã lỗ 300-400 triệu đồng. Thực ra, trước khi bán mình cũng tính được những khu chung cư ấy nếu để chỉ có lãi nhưng cần bán ngay để kịp nhập hộ khẩu”, chị Huyền nhẩm tính.

Tuy nhiên, chị Huyền và chồng cũng không dám mạo hiểm “nấn ná” bởi nếu mua nhà, nhập hộ khẩu tầm tháng 6, tháng 7 năm nay thì cũng lo sẽ thiệt hơn trong việc xét ưu tiên cho con vào trường.

Nhưng rồi chị Huyền cũng tự trấn an: “Điều mình quan tâm đầu tiên là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con khi đi học. Chọn mua nhà gần trường thì con cũng có thể đi bộ đi học, tiện cho bố mẹ những hôm quá bận mà cũng cảm giác yên tâm hơn cho các bé”

Ngoài ra, theo chị Huyền, ở Hà Nội, ngoài việc hộ khẩu đúng tuyến, con mới được vào những trường công lập, giờ lại có thêm quy định, dù đúng tuyến nhưng vẫn phải xét tuyển chỉ tiêu.  

“Các trường tiểu học nằm trên địa bàn các quận khác không rõ quy định như thế nào. Nhưng ở trường Nam Thành Công thì ghi rõ trên thông báo là những trường hợp hộ khẩu nhập về năm 2014 sẽ xếp sau xét tuyển. Điều này khiến không ít phụ huynh lo sốt vó. Tôi đã từng nghe nhiều mẹ kể để chạy được được suất xếp trên đã phải vội vã “chạy” mất hơn hàng chục triệu đồng”, chị Huyền cho biết.

Áp lực bị cô “chê” con chưa biết gì
con vào lớp 1
Vì quá bận công việc nên chị T.H.Yến đành phải giao phó cho bà ngoại việc đưa đón con đi học. Tuy nhiên, chỉ sau mấy hôm đầu tập trung ở trường tiểu học Đại Kim (Hà Nội), thì chị đã được nghe những thông tin không lấy làm vui từ cô giáo chủ nhiệm qua lời kể của bà.  

Quan điểm của chị Yến là không cho trẻ học trước chương trình và chỉ vào lớp 1 mới để con học thật sự. Vì vậy, chị không cho con học trước toán hay tập viết, chỉ cho học thêm ngoại ngữ như một hoạt động ngoại khóa. Nhưng dường như điều này lại làm bé “chậm” hơn so với các bạn trong lớp.

Kể chuyện với chúng tôi, chị Yến không giấu được bức xúc: “Cô giáo bảo bé chưa biết gì. Đánh vần không biết, đọc chữ không biết, viết nét không biết, viết số cũng chưa. Bây giờ đòi gia đình phải dạy cháu. Cháu nó mà biết ngay, không cần dạy thì tôi đã không đưa tới cho cô giáo làm gì”.

Chị Yến tiếp tục: “Đến nhà cô giáo học chỉ từ 1-2 tiếng, mình cũng không biết cô dạy cho bé những cái gì. Nhưng cô cho tài liệu về và bắt chúng tôi phải dạy con. Chắc phải đến nói thẳng với cô là nhà nước không khuyến khích cho trẻ học trước chương trình. Con mình ít nhất cũng đã nhận biết được mặt chữ”.

Chị Yến cho rằng, khi vào lớp 1, các cô phải là người dẫn dắt uốn nắn các bé viết từng nét chữ một. “Nhưng các cô làm thế này, tôi không thể hiểu được chương trình học của nhà trường, tiêu chuẩn mà Bộ GDĐT đề ra là cái gì?”

Lấy lại bình tĩnh, chị Yến cho rằng, việc về nhà dạy con như cô giáo yêu cầu là điều đương nhiên, ai cũng làm bởi bậc làm cha làm mẹ nào cũng thương con. Có điều trẻ đi học lớp 1 thì bắt đầu học viết học đánh vần, học những phép tính cộng trừ đơn giản.

“Một năm đầu chỉ học có nhiêu đó thôi, nếu gia đình cho trẻ học trước, trẻ biết rồi thì không hiểu cô và trò sẽ làm gì với nhau trên lớp trong quãng thời gian một năm đó?  Gia đình chỉ mong muốn các cô cần có tâm với học sinh, nhất là giáo viên lớp 1. Bởi ở giai đoạn mới vào này, trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, cần hơn hết những uốn nắn của các cô hơn là sự chỉ trích, chê bai.

Những câu chuyện của chị Yến, chị Huyền là số ít trong vô vàn những câu chuyện, nỗi niềm của các bậc phụ huynh có con bước vào lớp 1. Nhưng trên hết cả những bức xúc hay lo âu đó cũng là một tình yêu thương vô bờ, chỉ mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho các con.

Theo Thanh Hùng/Infonet.
Bình luận
vtcnews.vn