• Zalo

Con trai ông Nguyễn Bá Thanh phản đối đề xuất tăng học phí

Thời sựThứ Sáu, 12/08/2016 14:34:00 +07:00Google News

Không đồng tình với việc tăng học phí năm học 2016 – 2017 tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng đặt vấn đề: “Chúng ta thu thuế để làm gì?”

Tăng học phí để đảm bảo thực hiện theo Nghị định 86/CP

Như tin đã đưa, chiều 11/8, kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã bế mạc sau 3 ngày làm việc. Trước khi bế mạc, kỳ họp đã xem xét biểu quyết đối với 8 dự thảo Nghị quyết của HĐND TP, trong đó có Nghị quyết về việc quy định mức thu, quản lý, sử dụng một số loại học phí trên địa bàn Đà Nẵng năm học 2016 – 2017.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có Tờ trình số 6397/TTr-UBND ngày 26/7 cho hay, qua 4 năm học, từ năm học 2012 – 2013 đến năm học 2015 – 2016, Đà Nẵng không tăng học phí đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập. Nay căn cứ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng đề nghị tăng học phí bằng mức học phí hiện hành nhân với chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân năm 2012 – 2016.

 Ông Nguyễn Bá Cảnh phát biểu tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX (Ảnh: HC)

Theo ông Lê Trung Chinh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng), mức tăng học phí chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn mức tối thiểu quy định tại Nghị định 86/CP. Nếu thực hiện thì tổng thu học phí sẽ tăng từ 47 tỉ lên khoảng 51 tỉ đồng.

Từ tháng 9/2015, các chức danh bảo vệ, cấp dưỡng... của giáo dục mầm non không còn được hưởng lương từ ngân sách. Vì vậy, nếu vẫn áp dụng mức học phí cũ thì các trường mầm non sẽ gặp khó khăn trong việc chi lương cho các đối tượng này.

Riêng với cấp THCS, ông Lê Trung Chinh cho hay, ngày 5/8, tại hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xin ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo ngành GD-ĐT nghiên cứu về học phí theo hướng miễn học phí cấp THCS giống như miễn học phí đối với cấp tiểu học. Vì vậy ông đề nghị Đà Nẵng không tăng học phí đối với cấp học này để phù hợp với định hướng của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng bày tỏ: “Tôi vẫn ước mong một ngày cả TP chúng ta đừng thu gì hết, có nguồn ngân sách nào lớn tặng luôn cho học sinh chúng ta mấy chục tỉ để các em được đến trường mà không đóng bất kỳ khoản học phí nào.

Tuy nhiên điều đó chưa thể thực hiện được!”. Theo ông, mức học phí mới theo đề xuất chỉ tăng bình quân 10,2%. Vì vậy ông đề nghị HĐND TP Đà Nẵng thống nhất với đề nghị tăng học phí từ năm học tới theo Tờ trình của UBND TP và đảm bảo thực hiện theo Nghị định 86/CP.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng nói rõ thêm, nếu tăng học phí năm học 2016 – 2017 sẽ thu thêm khoảng 4 – 5 tỉ đồng để cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên, công nhân viên chứ không phải để xây dựng cơ sở vật chất.

Sao không bù lại bằng những khoản cần thu khác?

Tuy nhiên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cho rằng theo Nghị định 86/CP thì từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm do Bộ KH-ĐT thông báo.

Nhưng đến nay Bộ KH-ĐT chưa có thông báo về chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm cũng như chưa hướng dẫn cho các địa phương áp dụng chỉ số giá tiêu dùng để tính tăng mức học phí đảm bảo tính thống nhất.

Mặt khác, Ban này nhận thấy việc tăng học phí như trên không làm giảm đầu tư từ ngân sách cho ngành giáo dục nhưng sẽ tạo áp lực cho người dân. Chủ trương của lãnh đạo TP hiện nay là bắt đầu triển khai xây dựng “TP 4 an", trong đó có “an sinh xã hội”.

Vì vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy chưa cần thiết phải tăng mức học phí đối với toàn bộ học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập mà chỉ tăng học phí đối với một số cấp học ở vùng 2, vùng 3, vùng 4 hiện còn thấp hơn mức tối thiểu theo Nghị định 86/CP.

Video: Người dân xếp hàng viếng mộ ông Nguyễn Bá Thanh

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê và bà Phan Thị Thúy Linh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục giữ nguyên quan điểm như báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và đề nghị chờ đến Bộ KH-ĐT có thông báo về chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm cũng như có hướng dẫn về áp dụng chỉ số giá tiêu dùng để tính tăng mức học phí.  

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nêu quan điểm: “Tôi thấy Chính phủ cũng đã có định hướng tiến đến miễn học phí THCS nên chúng ta không nhất thiết phải thực hiện tuyệt đối theo Nghị định 86/CP.

Nếu địa phương mình quan tâm tới thế hệ trẻ thì cần thiết đối với cấp mẫu giáo, mầm non cũng không thu học phí. Còn với một số vị trí không được hưởng lương theo quy định mới thì ngân sách TP có thể xem xét bố trí cho các trường mầm non!”.

Ông Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đề xuất không thu học phí như ước mong của Giám đốc Sở GD-ĐT, để học sinh TP không phải nộp bất cứ khoản phí nào để được đến trường.

Ông đặt vấn đề: “Chúng ta kêu gọi toàn dân tích cực đóng thuế và trong 6 tháng đầu năm nay TP chúng ta đã thu thuế đạt cao nhất từ trước đến nay. Chúng ta thu thuế để làm gì? Thu thuế là để mang lại phúc lợi xã hội. Phúc lợi xã hội là gì? Là được chăm sóc y tế, được đi học...”.

Con trai ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) nói thêm: “Tôi thấy ở nhiều nước, học sinh đến trường không phải nộp một khoản nào, được chữa bệnh miễn phí. Đất nước chúng ta cũng cần làm những vấn đề phúc lợi xã hội như thế.

Nếu tăng học phí chỉ thu thêm 4 – 5 tỉ đồng, không giải quyết được vấn đề gì. Tại sao mình không bù lại bằng những khoản cần thu khác, chẳng hạn nhà hàng, khách sạn... vẫn còn thất thu thuế rất nhiều? Nên tôi đề nghị giữ nguyên mức học phí cũ và tiến tới xóa luôn mức phí đó chứ không có tăng lên!”.

Sau một hồi cân nhắc, đại đa số đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết thống nhất không tăng học phí năm học 2016 – 2017 tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập mà chỉ điều chỉnh đối với một số cấp học ở một số vùng lên bằng mức tối thiểu theo quy định tại Nghị định 86/CP.

(Nguồn: Infonet)
Bình luận
vtcnews.vn