• Zalo

Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghẹn ngào giây phút tiễn biệt cha

Chính trịThứ Bảy, 15/08/2020 13:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau điếu văn xúc động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện gia đình nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghẹn ngào nói lời cảm ơn.

Video: Tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ cuối cùng

Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế đã quan tâm, chăm sóc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ khi ông lâm trọng bệnh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, đã tổ chức chu đáo lễ quốc tang, đã chia buồn, viếng và tiễn đưa.

"Xin cảm ơn nhân dân đã tạm hoãn các hoạt động vui chơi, giải trí để thực hiện lễ quốc tang", ông nói.

Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xúc động nghẹn ngào khi phải xa người cha, người ông trong gia đình - một người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, sống trọn nghĩa, vẹn tình; trong công việc và cuộc sống luôn lấy chữ tâm làm trọng.

Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghẹn ngào giây phút tiễn biệt cha - 1

Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xúc động nghẹn ngào trong giây phút chia ly. (Ảnh: VOV) 

Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ niềm tự hào và xin hứa sẽ sống đúng như những lời cha đã dạy; Mong ông thanh thản về với cõi vĩnh hằng - nơi đó không còn chiến tranh, luôn ấm tình đồng đội và cha ông đã để lại dấu ấn của những năm tháng cống hiến không mệt mỏi:

"Thưa bố kính yêu!

Con có mấy dòng tâm sự tuy rằng rất muộn khi bố đã ra đi mãi mãi, khi những lời tâm sự với bố trở nên muộn màng.

Con sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố, ký ức tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán, những buổi học hòa trộn với những đợt bom, những buổi tối mắt nhắm, mắt mở hết lên nhà rồi lại xuống hầm.

Chúng con đã quen với những trận mưa bão, tốc mái, bung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngóc ngách trong căn nhà vách đất, vật lộn và chống chọi với bom đạn mưa bão, chỉ có mẹ và 4 bà cháu. Những hiểu biết của con về bố chỉ là chú bộ đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về.

Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao như người lính và lại tiếp tục lên đường với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Tiếp bước bố, hai anh em con nhập ngũ và trở thành người lính, con ra biên giới, ở nhà chỉ có bà, mẹ và chị.

Những năm 1990, bố, con và em mới được về Hà Nội, gia đình mới thực sự sum vầy, đoàn tụ. Nhưng vì là người lính do điều kiện công tác nên chưa có lần nào được tâm sự dài với bố.

Vì là người lính con cũng hiểu sự khó khăn gian khổ của bố và đồng đội. Khi đến thăm thành cổ Quảng Trị, nghe kể về cuộc chiến ở đây con cũng cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày, từng giờ. Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị Thiên nơi nào cũng in đậm dấu chân của bố.

Bố luôn nói với chúng con rằng, được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng ngàn gia đình mất người thân, nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể ngày trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình họ đến tận bây giờ.

Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của nhân dân dù ở bất kỳ cương vị nào. Tổng thời gian được gần gũi và tâm sự cùng bố với con tính ra chưa đến một năm. Tuy nhiên với bấy nhiêu thời gian con cũng học tập được ở bố rất nhiều trong công việc và cuộc sống lấy chữ tâm làm trọng.

Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng qua những việc bố đã làm và những câu chuyện kể, nhận xét của những người đã chiến đấu, công tác với bố con càng tự hào về bố hơn.

Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống như những lời răndạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con.

Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố để trải tro cốt ở 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố.

Do dịch bệnh COVID-19 con không thể kéo dài thời gian tang lễ, ảnh hưởng đến mọi người, chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con. Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng, nơi đó không còn chiến tranh, nơi đó luôn ấm tình đồng đội.

Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến - dấu chân người lính".

Sau khi đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc lời điếu văn tiễn biệt và đại diện gia đình phát biểu cảm ơn, lễ truy điệu kết thúc. Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện gia đình đi vòng quanh linh cữu. Linh cữu nguyên Tổng bí thư sẽ được đặt trên linh xa di chuyển qua một số tuyến phố chính của Thủ đô Hà Nội.

Lúc 14h, lễ an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ được tổ chức tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Đây là nơi an nghỉ của nhiều bậc tiền bối cách mạng.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001); Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã từ trần hồi 2h52 ngày 7/8/2020 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Ông mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông Lê Khả Phiêu với nghi thức Quốc tang.

Ban Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gồm 35 người do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn