• Zalo

Con trai của 'cha đẻ khoán Mười': Những ngày cuối đời trên giường bệnh, cha tôi vẫn lo dân bị đói

Thời sựThứ Bảy, 08/06/2019 11:30:00 +07:00Google News

Con trai của ông Kim Ngọc - “cha đẻ của khoán hộ” kể về nỗi đau đáu với đất nước, với nhân dân của cha mình trong những năm tháng cuối đời.

Ông Kim Ngọc (tên thật là Kim Văn Nguộc) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ nhỏ ông không được học hành, phải đi làm tá điền cho nhà địa chủ.

Nhưng nhờ tư chất thông minh, lại sớm giác ngộ cách mạng, ông được kết nạp vào Đảng năm 23 tuổi, cùng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa kháng Nhật, từng giữ nhiều chức vụ cao. Đến năm 1959, ông Kim Ngọc trở thành Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Bí thư Kim Ngọc được biết đến là người nghiên cứu, tìm tòi ra chủ trương khoán hộ, giúp nhân dân Vĩnh Phúc thoát khỏi nạn đói giáp hạt và có cuộc sống ổn định hơn.

Khoán hộ sau đó cũng lan ra các tỉnh miền Bắc và được coi là một “cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp”, sau này là tiền đề để Nhà nước ban hành chủ trường khoán mười và đổi mới trong Nông nghiệp, đổi mới đất nước.

Kim ngoc 2 9

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (bên trái) - 'Cha đẻ của khoán mười' là người cán bộ tư duy sáng tạo, táo bạo, dũng cảm, thương dân. (Ảnh tư liệu)

Một ngày cuối tháng 5, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ông Kim Ngọc (1979-2019), chúng tôi tìm về nơi gắn bó với "cha đẻ của khoán mười" trong những năm tháng cuối đời để nghe kể những kỷ niệm về ông.

Căn nhà cấp 4 nằm trong trung tâm thành phố Vĩnh Yên, gần khu đồi Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, được phân cho gia đình Bí thư Kim Ngọc từ khi ông nghỉ hưu (năm 1977). Nơi đây yên bình như chính cái tên của thành phố, hai bên đường rợp bóng tán cây cổ thụ, không khí trong lành, mát mẻ, phảng phất mùi hương hoa.

Bước chân vào ngôi nhà, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là một bầu không khí đầy ắp những kỷ niệm của ông Kim Ngọc. Một bức tranh đồng lúa chín vàng đặt sau ban thờ, cùng bức tượng đồng đúc chân dung của ông: trầm mặc, suy tư và nghiêm nghị.

Các kỷ vật được xếp ngay ngắn, gọn gàng, đóng trong tủ kính nghiêm trang. Xung quanh là những bức ảnh gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng, gắn với những kỷ niệm khó quên của một người lãnh đạo sáng suốt, dũng cảm.

Tiếp đón chúng tôi, một người đàn ông ngoài 60 tuổi với mái tóc bạc trắng nhưng dáng đi nhanh nhẹn, hình ảnh khiến những ai từng quen hay nghiên cứu về ông Kim Ngọc chắc hẳn sẽ cảm thấy được gợi nhớ phần nào.

Đó là ông Kim Nam, con trai thứ của ông Kim Ngọc, người được coi là thừa hưởng nhiều nét giống cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhất trong số 6 anh chị em.

kim-ngoc1 11

Giấy tờ, tài liệu về Bí thư Kim Ngọc còn lưu giữ trong căn nhà ở Vĩnh Yên.

Trong căn phòng tĩnh lặng, nơi ông Kim Ngọc từng sinh sống từ khi về hưu đến khi qua đời, thắp nén nhang tưởng nhớ cha mình, ông Kim Nam kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cuộc đời và những năm tháng thăng trầm của ông Kim Ngọc từ thuở làm cách mạng cho đến lúc lâm chung.

Ông Nam kể, dù là lãnh đạo đứng đầu một tỉnh nhưng với các con, ông Kim Ngọc vẫn là một người cha dung dị, hết lòng yêu thương vợ con.

“Đối với chúng tôi, dù bận rộn với công việc, nhưng cha chưa khi nào thiếu quan tâm, chăm sóc mẹ và anh chị em chúng tôi. Ông dành tình cảm, trách nhiệm đối với vợ con mình cũng giống như bao người cha khác, không vì ông là Bí thư Tỉnh ủy mà có gì khác biệt”, ông Nam kể.

“Ông yêu thương các con bình đẳng, không phân biệt, nhưng có lẽ, với những người con có hoàn cảnh khó khăn hơn, ông cũng bù đắp bằng nhiều tình thương hơn, và tôi là một trong số đó”, ông Nam chia sẻ thêm.

Kể về điều khiến ông nhớ nhất về người cha của mình, ông Kim Nam nhớ lại thời điểm ông quyết định đi bộ đội và vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

“Tôi còn nhớ ngày mình quyết tâm đi bộ đội, là sau khi tôi học xong lớp 10. Trước khi đi, cha tôi dặn dò rất nhiều thứ và hỏi tôi rằng: “Con có tình nguyện đi không?” Tôi đáp: “Con xin tình nguyện, không phải vì lý do nào khác cả”. Cha tôi nói tiếp: “Như vậy, con phải phấn đấu bằng ý chí và nghị lực của mình, không nên dựa vào bố và phải cố gắng phát huy truyền thống của gia đình, phải chiến đấu để xứng đáng với hai từ “chiến sĩ”.

Con là đứa con trai duy nhất ra chiến trường, trên đường đi chiến đấu, có rất nhiều cái không lường trước được, bố mẹ luôn nhớ và lo lắng cho con”, ông Kim Nam xúc động kể.

Ông Nam nói rồi trầm tư nhớ về những kỷ niệm thân thuộc với người cha quá cố.

kim-ngo-2 11

Ông Kim Nam, con trai cố Bí thư Vĩnh Phúc Kim Ngọc.

Sau ngày giải phóng, ông Nam ở lại miền Nam 1 năm trước khi ra Bắc nhận công tác mới. Suốt quãng thời gian này, những lá thư động viên, khích lệ từ gia đình và những lời dặn dò của cha chính là động lực để ông hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Nam kể, dù là người đứng đầu một tỉnh, nhưng ông Kim Ngọc không bao giờ lợi dụng việc đó để ưu ái điều gì cho các con. Bản thân anh chị em ông cũng luôn tự ý thức, không bao giờ dựa dẫm, ỷ lại vào cha mình.

“Các anh chị em chúng tôi đều không ai nghĩ rằng mình là con của Bí thư Tỉnh ủy mà được ưu ái gì đó. Điều đó có lẽ được hình thành trong chúng tôi ngay từ nhỏ qua những bài học về cha”, ông Nam nói.

Nhắc về những kỷ niệm thời thơ ấu gắn với cha mình, ông Kim Nam không thể quên những dịp khi Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc và làm việc với ông Kim Ngọc.

“Năm 1961 và 1963, tôi đều được đi cùng cha ra đón Bác Hồ về thăm Vĩnh Phú (được nhập từ 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ -PV). Hồi ấy tôi còn nhỏ, cứ chạy lon ton quanh Bác. Nhưng nội dung làm việc tôi không hiểu và không được biết.

Bây giờ nhớ lại, chắc cả tỉnh mới có mình tôi được đi đón Bác, vinh dự và tự hào lắm!”, ông Nam nhớ lại.

kim-ngoc3 13

 Vợ chồng Bí thư Kim Ngọc. (Ảnh chụp tư liệu)

Khi được hỏi về khoán hộ - chủ trương làm nên tên tuổi ông Kim Ngọc cũng chính là chủ trương khiến cha mình từng phải làm kiểm điểm, phê bình trước Đảng, ông Kim Nam lắng giọng:

“Thời điểm chủ trương khoán hộ của Vĩnh Phúc bị Trung ương đình chỉ, tôi tuy chưa trưởng thành nhưng cũng cảm nhận được bầu không khí rất nặng nề và căng thẳng.

 
Nằm trên giường bệnh nhưng ông canh cánh nỗi lo nông dân bị đói, trăn trở với vận mệnh của đất nước cho đến khi nhắm mắt.

Ông Kim Nam - Con trai cố Bí thư Kim Ngọc

Có bữa cha tôi mải suy nghĩ đến cơm cũng không ăn, ông đi lại trong căn nhà cấp 4 và trong cụ có gì đó rất buồn. Sau đó, cũng có nhiều bạn bè công tác, bà con nông dân, họ hàng đến hỏi thăm.

Họ cũng có chút ái ngại, băn khoăn về việc này. Nhưng ông cũng trấn an họ và nói rằng cái gì lợi cho nước, lợi cho dân thì cụ sẽ làm, làm theo đường lối của Đảng”.

Sau này, ông Kim Ngọc cũng không nhắc đến chuyện này nữa. Với ông, chủ trương của Đảng thế nào, thì ông chấp hành như vậy. Nhưng không vì thế mà ông bớt quan tâm, lo lắng cho người dân.

Những năm tháng cuối đời, sau khi nghỉ hưu (1977-1979), mặc dù phải chiến đấu với bệnh tật, nhưng ông Kim Ngọc lúc nào cũng lo cho người nông dân, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc khi biên giới phía Bắc bị xâm phạm.

“Những ngày ở bệnh viện, qua báo đài, cha tôi liên tục cập nhật tình hình ở biên giới phía Bắc, đó là những ngày căng thẳng và ác liệt nhất của cuộc chiến. Nằm trên giường bệnh nhưng ông canh cánh nỗi lo nông dân bị đói, trăn trở với vận mệnh của đất nước cho đến khi nhắm mắt”, ông Nam kể lại.

kim-ngoc4 13

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đón Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc năm 1963. (Ảnh tư liệu)

Sau này, khi đất nước có nhiều thay đổi, hòa bình được giữ vững, công cuộc đổi mới bắt đầu, những chính sách mới trong nông nghiệp được áp dụng đem lại hiểu quả to lớn mà tiền đề chính là từ chủ trương khoán hộ của Bí thư Kin Ngọc, chắc hẳn ông cùng cảm thấy yên lòng.

“Dù đến nay, chưa có một tài liệu hay công bố chính thực nào đánh giá lại chủ trương của cha tôi thời đó, nhưng thực thế đã chứng mình hiệu quả của chủ trương đó thế nào.

Sau này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngay cả cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong những lần gặp gỡ gia đình tôi cũng đều động viên, khích lệ và dành những lời đánh giá cao cho cha tôi và chủ trương khoán hộ của ông”, ông Nam chia sẻ.

“Để nhận xét về cha mình, người làm con như tôi nói sợ rằng không khách quan, và tôi cũng không dám đánh giá về những việc cha mình đã làm. Tôi chỉ có thể dành hai từ 'tuyệt vời' để nói về ông”, ông Nam bày tỏ.

Dù không trực tiếp đánh giá về cha mình nhưng qua những tài liệu, những cuốn sách ông Nam ưu ái tặng chúng tôi, có thế thấy được tình cảm, sự tôn trọng của người dân Vĩnh Phúc và nhân dân cả nước dành cho Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc lớn thế nào.

Nhắc đến Bí thư Kim Ngọc, người ta luôn nhắc đến người cán bộ gắn bó với nhân dân, đặc biệt là tầng lớp nông dân nghèo khổ, dám vượt qua mọi rào cản để đưa cơm no, áo ấm đến cho người dân trong phạm vi lãnh đạo của mình.

Ông là một hình mẫu lý tưởng của cán bộ cộng sản dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mang tư chất sáng ngời của người lãnh đạo sáng tạo, hết lòng ủng hộ cái mới, không ngừng đổi mới tư duy, phù hợp với lợi ích đất nước, nhân dân và xu thế của thời đại.

Năm 1988, hàng chục tỉnh lâm vào nạn đói, lại không dễ xin viện trợ từ các nước bạn, tình hình rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Lúc đó, khoán mười ra đời (thực chất là khoán hộ) và giải quyết được nạn đói, nhân dân tự túc được về lương thực.

Chỉ sau một năm tự túc lương thực, đến vụ lúa tiếp theo, nước ta có gạo xuất khẩu và đến vụ lúa thứ tư, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Bí thư Kim Ngọc được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và ngày Độc lập (1995). Năm 2009, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Khi nhắc đến Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, nhiều người gọi bằng cái tên thân mật là “cha đẻ của khoán hộ”. Tên Kim Ngọc được đặt cho hai ngôi trường ở xã Bình Định quê ông và cũng là tên của một trong những con đường đẹp nhất thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Xuân Trường - Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn