So với đầu tháng 6, giá vàng đã tăng hơn 2 triêu đồng. Trong ngày 24/6, giá vàng đã tăng với tốc độ lớn nhất trong lịch sử. Những biến động gần đây cho thấy, thị trường vàng không còn được ổn định như trong thời gian trước đó.
Bước ngoặt đảo lộn thị trường
Sau một thời gian ổn định ở mức 33-34 triệu đồng/lượng, lần đầu tiên trong một năm qua, giá vàng đã trở lại ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. Thậm chí có lúc trong phiên giao dịch 24/6 (giờ Việt Nam) đã lên tới gần 36 triệu đồng/lượng. So với hồi đầu tháng 6, giá vàng khoảng 33,5 triệu/lượng và giá thấp nhất trong tháng 6 xuống sát 33 triệu thì vàng đã tăng hơn 2 triệu đồng.
Biến động giá vàng lần này còn mạnh hơn hồi tháng 8/2015 khi mà thế giới trải qua cú sốc tỷ giá tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này điều chỉnh cho phép đồng NDT giảm tổng cộng 5%.
Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn sau khi giới đầu tư nhận được thông tin người dân nước Anh quyết định chọn rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit), giá vàng đã tăng dữ dội, hơn 8% nếu tính theo đồng USD và khoảng 22% nếu tính theo đồng Bảng Anh, lên mức cao nhất trong 2 năm.
Trong phiên, có lúc vàng lên tới 1.360 USD/ounce (so với mức 1.315,6 USD chốt tuần) khiến cho thị trường tài chính của nước Anh, châu Âu và của châu Á bị tác động mạnh.
Nếu quy đổi ra tiền Việt, mức tăng tổng cộng trong khoảng thời gian ngắn từ sáng tới trưa ngày 24/6 (giờ Việt Nam) lên tới 1,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước bán ra có lúc lên tới gần 36 triệu đồng/lượng.
“Trong phiên giao dịch 24/6 (trên thị trường châu Á), vàng đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử từ trước đến nay nếu so với đồng Bảng Anh. Nó cho thấy sự hoảng loạn trên các thị trường tài chính và đây là một dạng khủng hoảng”, Adrian Ash, trưởng bộ phận nghiên cứu vàng của BullionVault chia sẻ.
Hầu hết các DN kinh doanh vàng trên thế giới như Royal Mint đều cho biết nhu cầu mua vàng tăng vọt. Số người vào trang mua trực tuyến tăng gấp 5 lần, số tài khoản mở mới tăng gấp 3 lần.
Telegraph trích báo cáo của Goolge cho biết, từ khóa “buy gold” (mua vàng) được tìm kiếm trên Google tăng 500% sau khi có kết quả Brexit.
“Các NĐT đã đổ xô đến với vàng trong khoảng thời gian giao dịch trên thị trường châu Á, trong bối cảnh đồng Bảng Anh xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm. Vàng có thể lên tới 1.400 USD”, James Butterfill, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư của ETF Securities nhận định.
Hiện giá vàng tiếp tục được duy trì ở mức cao và được dự báo tiêp tục tăng mạnh.
Theo một khảo sát của Kitconews, hầu hết các nhà phân tích và NĐT lớn đều dự đoán vàng sẽ tiếp tục tăng giá sau sự kiện Brexit. Có tới 73% chuyên gia được khảo sát trên Wall Street cho rằng vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, 62% trên Main Street có nhận định như vậy.
Còn nhiều biến động
“Kể từ tháng 3/2015, vàng đã biến động như là một đồng tiền, không còn là một loại hàng hóa thuần túy và nó đã diễn biến đúng như vậy sau sự kiện Brexit”, Richard Baker, biên tập viên của tờ Eureka Miner Report nói.
“Sau sự kiện Brexit, tất cả những bất ổn lộ diện (trong quá trình 2 năm nước Anh rút ra khỏi EU) sẽ được phản ánh vào các thị trường. Lực đẩy mới sẽ kéo giá vàng lên cao hơn nữa”, Richard Baker nhận định.
Bên cạnh dó, nhiều người lo ngại, việc Anh rời EU có thể dẫn tới sự tan rã của EU và cả đồng euro. Nếu điều này xảy ra, rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu là vô cùng lớn. Vàng khi đó sẽ là lựa chọn số 1.
Nhà môi giới hàng hóa Daniel Pavilonis của hãng RJO Futures thì cho rằng, vàng sẽ còn tăng mạnh, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu không những không tăng được mà còn có thể chìm sâu hơn nữa vào vùng lãi suất âm.
“Các NĐT sẽ còn đổ thêm tiền vào vàng nếu có thêm một đồng tiền nữa ra khỏi hệ thống. Đồng USD có thể mạnh lên (nhờ vào sự hồi phục của kinh tế nước này và Fed tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất) nhưng vàng sẽ còn lên cao nữa”, Pavilonis dự báo.
Tỷ phú Soro, người từng tiên đoán và đánh cược vào nhiều cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, trước cuộc trưng cầu dân ý của người Anh cũng đã mua một khối lượng lớn vàng, trị giá 264 triệu USD. Năm 1992, ông đã kiếm được 1,5 tỷ Bảng Anh trong 1 ngày nhờ thương vụ bán khổng đồng tiền nước này.
Trong một dự báo gần dây, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với "những bất ổn lớn" khi nước Anh rời EU. Fed cho biết, sẽ thận trọng với các kế hoạch tăng lãi suất. Điều này có nghĩa rằng, vàng sẽ chưa chịu áp lực giảm do USD tăng giá.
Trên thực tế, hậu quả Brexit chưa thể lường trước hết được. Người ta lo ngại Brexit có thể tạo ra hiệu ứng domino ở châu Âu. Chính trị gia các nước EU đã từng nhắc tới Swexit, Frexit, Dutxit, Itexit, Departugal, Czechout, Oustria, Finish, Byegium… để nói tới khả năng Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Italy... rời EU.
Trong Brexit được đánh giá là ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu, thì Trung Quốc và Nga được cho sẽ hưởng lợi từ quá trình này. Hai ngày sau cuộc trưng cầu, người Anh dường như đã nhận ra những hậu quả khôn lường. Đã có tới gần 3 triệu người ký tên vào đơn gửi quốc hội nước này đề nghị bỏ phiếu lại. Những diễn biến này cho thấy, các thị trường tài chính, trong đó có vàng có thể đối mặt với một thời kỳ đầy sóng gió, biến động trước mắt.
Một điều đáng lưu ý với giới đầu tư, Brexit đưa anh tách khỏi Eu thì trung tâm tài chính Luân Đôn với đâò não giai dịch vàng, ngoại tệ, hàng hóa số 1 thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ.
Bình luận