• Zalo

Con ruồi trong chai nước ngọt: Không nên bao biện cho hành vi không lương thiện

Bạn đọc viếtThứ Tư, 14/10/2015 08:12:00 +07:00Google News

Con ruồi trong chai nước ngọt: Nhiều người cho rằng không nên bao biện cho hành vi không lương thiện của ông Minh trong vụ Con ruồi trong chai nước ngọt

(VTC News) – Người tố cáo có ruồi trong chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát, ông Võ Văn Minh có thể sẽ bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù, liệu việc xử ông Minh đã đúng người – đúng tội trên xét trên các quy định của luật pháp?

Ngày 13/10, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc ông Võ Văn Minh, người tố cáo một sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có ruồi Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố điều tra, bắt tạm giam về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Có người có ý kiến là ông Minh có dấu hiệu phạm tội rõ ràng, có ý kiến cho rằng đó chỉ là thỏa thuận dân sự về tiết lộ thông tin, không đáng truy tố, có ý kiến cho rằng, phía Tân Hiệp Phát sai…, bẫy người tiêu dùng. Nhưng dù ỳ kiến khác nhau thế nào, thiết nghĩ, cũng nên căn cứ, xem xét trên các quy định của luật pháp.

Một trong những quan điểm chính cho rằng, việc khởi tố, bắt giữ ông Minh là không hợp lý vì đây hoàn toàn là thỏa thuận dân sự, không có dấu hiệu hình sự.

Phía Tập đoàn Tân Hiệp Phát - với tư cách là một người bị hại không thể là pháp nhân khi không có dấu hiệu bị áp lực. Nhưng thực tế, phía bị hại trong một vụ án hình sự không chỉ là cá nhân.

Con ruồi trong chai nước ngọt: Liệu mức truy tố 20 năm tù đối với ông Minh có đúng tội?
Con ruồi trong chai nước ngọt: Liệu mức truy tố 20 năm tù đối với ông Minh có đúng tội? 

Ở đây, dù chưa thể khẳng định ông Võ Văn Minh tác động đến nắp chai nước ngọt để đưa dị vật-con ruồi vào nhưng với hành vi tống tiền khá rõ: yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng, rồi hạ xuống 500 triệu đồng và đe dọa nếu không đáp ứng sẽ công bố cho báo chí, in tờ rơi để hạ thấp uy tín của doanh nghiệp, rõ ràng là một hành vi có tính chất tống tiền, hay theo pháp luật, được gọi là hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Nếu như ngay từ đầu, ông Võ Văn Minh thông tin sự việc chơ cơ quan báo chí, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng…hay kể cả doanh nghiệp- Tập đoàn Tân Hiệp Phát mà không có việc đòi tiền bồi thường lớn như vậy thì đó là việc làm bình thường, đáng biểu dương để bảo vệ sức khỏe của cá nhân, sức khỏe của cộng đồng.

Đặt tình huống, trong chai nước có con ruồi thật, theo tôi, ông Minh hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại. Khi đó, thủ tục yêu cầu là thương lượng, trung gian hòa giải hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự và thiệt hại mà công ty phải bồi thường là mức thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở chứng cứ mà người bị hại cung cấp. Nếu anh Minh lựa chọn cách ứng xử đó thì phù hợp với pháp luật và pháp luật khuyến khích, pháp luật bảo vệ.

Nhưng ông Võ Văn Minh không làm như vậy mà có hành vi đe dọa, đòi tiền doanh nghiêp ở mức khá lớn có tính chất lén nút, uy hiếp …nhằm mục đích tư lợi, có thể nói, đó là hành vi không lương thiện, vi phạm luật pháp là hành vi không đáng được bảo vệ, và cần phải xử lý theo quy định.  Luật pháp hiện nay đã quy định rõ ràng việc cố gắng chiếm đoạt tài sản hoặc cưỡng bức, uy hiếp người khác để chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể xử lý bằng luật hình sự.

Hành vi của ông Minh đã có dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự. Nên việc cơ quan điều tra khởi tố và bắt giam ông Minh, là hoàn toàn có căn cứ.

Trong các quy định về bồi thường thiệt hại hiện nay, quy định của pháp luật nêu rõ chỉ bồi thường những thiệt hại thực tế xảy ra, có chứng từ.  

Giả dụ từ khi mới xảy ra sự việc, ông Võ Văn Minh thống kê rõ những thiệt hại của mình và yêu cầu công ty phải bồi thường những thiệt hại đó mà không có tính chất đe dọa. Nếu Tân Hiệp Phát không bồi thường theo đúng yêu cầu thì anh này khởi kiện đến tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì hành vi này là phù hợp với quy định pháp luật và pháp luật cho phép. Còn việc Tòa án có chấp nhận xử lý Tân Hiệp Phát phải bồi thường cho ông Minh hay không thì sẽ căn cứ trên các chứng cơ mà ông Minh đưa ra.

Cho nên, ngay cả kết quả giám định của các cơ quan giám định có thể khác nhau nhưng việc làm có dấu hiệu tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của ông Võ Văn Minh cũng đã hình thành. Và những việc làm như ông Minh, nếu không bị xử lý ở mức nhất định thì những người khác sẽ cho rằng, nếu họ phát hiện sản phẩm lỗi của doanh nghiệp là có thể có tiền bằng cách đe dọa, uy hiếp… mà không sao cả. Thì đây là điều không nên khuyến khích.

Tất nhiên, về phía Tân Hiệp Phát, cách xử lý của tập đoàn này trong vụ việc con ruồi trong chai nước ngọt cũng có những điểm không ổn.

Nếu như ngay từ đầu, khi ông Võ Văn Minh đưa chai nước có ruồi tới, nếu như Tập đoàn này chắc chắn vào khả năng đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong dây chuyền sản xuất của mình, không thể để dị vật lọt vào thì Tân Hiệp Phát hoàn toàn có thể từ chối không đàm phán với ông Võ Văn Minh và yêu cầu ông tới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng: các hiệp hội, báo chí…thậm chí ra tòa để bảo vệ quyền lợi nếu ông cho rằng bị xâm hại.
Nhưng việc Tân Hiệp Phát lại cho nhân viên tiếp xúc với ông Minh và sau này ông Minh bị khởi tố, bắt tạm giam thì không thể tránh khỏi có những ý kiến cho rằng, Tân Hiệp Phát có những hành xử không đúng.

Cho dù, cơ quan bảo vệ pháp luật không thể xử lý Tập đoàn này vì chưa rõ căn cứ Tân Hiệp Phát phạm luật thì tập đoàn này thực tế đã và đang phải trả giá nhất định cho những sai lầm trong ứng xử với khách hàng của mình.

Hà Anh
Bình luận
vtcnews.vn