• Zalo

Còn nhiều rào cản trong xây dựng đô thị thông minh tại các địa phương

Chuyển đổi sốThứ Tư, 13/12/2023 11:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại những thành phố lớn như Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, Hà Nội cũng đang có những khó khăn, rào cản nhất định trong quá trình xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM).

Rào cản phổ biến tại các đô thị lớn trong xây dựng ĐTTM

Theo ông Trần Ngọc Linh – chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng, việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam tới nay vẫn đang gặp một số khó khăn, tồn tại, bao gồm các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho ĐTTM và còn nhiều hạn chế về nguồn lực, dữ liệu.

Cơ chế nguồn lực cho phát triển ĐTTM còn thiếu, chưa có hình thức liên kết, kết nối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển ĐTTM nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa. Tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng ĐTTM còn chưa cao.

Nguyên nhân tình trạng kể trên bắt nguồn từ việc chưa có nhiều thực tiễn tốt để làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây dựng ĐTTM, việc triển khai vẫn đang thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng CNTT.

Hiện nay, vẫn chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích ĐTTM, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực, chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý ĐTTM còn hạn chế về số lượng. Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về ĐTTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, đây vẫn là vấn đề rất mới và không dễ tiếp cận không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới, do đó cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện thí điểm và áp dụng.

Ông Trần Ngọc Linh – chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng.

Ông Trần Ngọc Linh – chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng.

Thực tiễn, về phát triển ĐTTM, Hà Nội đang là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước với 3 khu Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City, và Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, công cuộc xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đã đang có những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, Hà Nội lại cũng đang phải chịu áp lực lớn về xây dựng TPTM để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô.

Thành phố phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…

Báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số: Dữ liệu vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối; độ chính xác chưa cao; mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu chưa được chú trọng đầu tư bài bản… Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế xã hội mới.

Tương tự câu chuyện của Hà Nội là Đà Nẵng. Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, mục tiêu xây dựng TPTM của Đà Nẵng là đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng ĐTTM, kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Hiện nay, Đà Nẵng cũng đã xây dựng được mạng đô thị thành phố (mạng MAN) với 450 km cáp quang ngầm, kết nối 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận đoàn thể từ thành phố đến xã, phường, phát triển được mạng wifi công cộng với 300 thiết bị phát wifi chuyên dụng miễn phí trên địa bàn; 1000 điểm wifi của các doanh nghiệp triển khai miễn phí tại các khu vực sân bay, nhà ga, bệnh viện, trung tâm y tế, nhà văn hóa thôn…Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh tại Đà Nẵng đạt 95%, tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng là 98,8%.

Tháng 7/2023, thành phố cũng ra mắt ứng dụng Danang Chain Testnest với 7 dones. Hệ thống camera giám sát giao thông thông minh với 300 camera AI, 18 thiết bị đo tốc độ chuyên dụng giám sát hành trình cũng phát huy hiệu quả, thực hiện xử phạt 8000 trường hợp vi phạm hàng năm. Đà Nẵng cũng xây dựng thành công hệ thống giám sát đỗ xe thông minh (Danang Parking) trên 80 tuyến đường và 25 bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố, kết nối chia sẻ dữ liệu trung tâm với 7 quận huyện trên địa bàn..

Riêng cổng dữ liệu mở của thành phố với 930 bộ dữ liệu, đã có hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng; hơn 4,6 triệu lượt truy cập để tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin; hơn 1,2 triệu lượt gọi dịch vụ từ các ứng dụng để tra cứu các thông tin như điểm thi tốt nghiệp THCS và THPT, phương tiện giao thông vi phạm, giá đất đô thị, văn bản quy phạm pháp luật, khách sạn, cơ sở lưu trú….

Đáng lưu ý, cũng đã có tới hơn 10 cơ quan, địa phương các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã đăng ký sử dụng cổng dữ liệu mở Đà Nẵng.

Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai thành công ĐTTM hàng đầu cả nước nhưng cũng đang gặp một số vướng mắc trong việc khai thác dữ liệu mở.

Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai thành công ĐTTM hàng đầu cả nước nhưng cũng đang gặp một số vướng mắc trong việc khai thác dữ liệu mở.

Mặc dù vậy, theo đại diện sở TT&TT Đà Nẵng, quá trình CĐS và xây dựng ĐTTM cũng đang tồn tại những vướng mắc nhất định bao gồm thiếu các văn bản pháp luật chuyên ngành đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (áp dụng công nghệ số, chia sẻ dữ liệu số); khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam.

Đặc biệt, vẫn còn thiếu các hướng dẫn về mức độ mở của dữ liệu, các chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan nhà nước, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu số cũng như thiếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng dữ liệu mở để tạo ra sản phẩm mới.

Phát triển ĐTTM không phải là một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng

Theo cáo cáo Bộ Xây dựng năm 2022, hiện nay Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện. Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Nhấn mạnh về vai trò của việc phát triển ĐTTTM, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,...

Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố. Phát triển ĐTTM chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Các địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Các đơn vị liên quan cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023.

Hiện nay, việc xây dựng ĐTTM tại Việt Nam đang diễn ra theo 3 xu hướng chính. Thứ nhất là xây dựng TPTM hướng trọng tâm vào người dân và doanh nghiệp. Điển hình theo xu hướng này bao gồm việc triển khai Hệ thống giám sát giám sát quan trắc môi trường của TP. Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề.

Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố. Ứng dụng Huế-S của tỉnh Thừa Thiên Huế với định vị là siêu ứng dụng, được tích hợp các dịch vụ của chính quyền cho người dân và doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát, phản ánh các vấn đề phát sinh với tỉ lệ phản ánh được giải quyết rất nhanh chóng, kịp thời đạt trên 95% đã góp phần rất tích cực giải quyết nhiều vấn đề xã hội của tỉnh và thành phố trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục thậm chí cả tín dụng đen…

Xu hướng thứ hai là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất, tạo nên bộ não của ĐTTM. Để phát triển TPTM, bền vững, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất và xuyên suốt với: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh; Danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa; Cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch, hiệu quả.

Về xu hướng này, theo ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất – Bộ não của ĐTTM. “Trong một đô thị thông minh, dữ liệu, thông tin, tri thức đều có thể và cần được ghi lại dưới dạng dữ liệu số. Năng lực dữ liệu chính là năng lực thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin và tri thức, quyết định mức độ thông minh của đô thị. Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững trong dài hạn dù có bất cứ sự thay đổi về cơ chế quản lý, nhà cũng cấp giải pháp, hay các chỉ tiêu phát triển”.

Xu hướng thứ 3 là phát triển các Khu công nghiệp thông minh. Việt Nam đang là điểm đến rất hấp dẫn của các ông lớn trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao như: thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính, chip bán dẫn...

Với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về Net Zero năm 2050, yêu cầu của hội nhập và các đối tác, bên cạnh việc chuẩn bị và thay đổi hạ tầng để đáp ứng nhu cầu, để thu hút các nhà đầu tư trong nước vàc quốc tế, các địa phương…, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cũng đang bước vào một cuộc đua mới: phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn