• Zalo

Con nghiện hung hăng gây án, dân Sài Gòn bất an

Thời sựThứ Năm, 17/07/2014 07:43:00 +07:00Google News

(VTC News) – Số người nghiện ma túy ở TP.HCM đang gia tăng trong khu dân cư làm bùng phát tệ nạn cướp giật, trộm cắp… khiến người dân bất an.

(VTC News) – Số người nghiện ma túy ở TP.HCM đang gia tăng trong khu dân cư làm bùng phát tệ nạn cướp giật, trộm cắp… khiến người dân bất an.

Nghiện ngập gia tăng
Những vấn đề trên đã được ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP thừa nhận tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP khóa VIII đang diễn ra. Theo ông Dũng, hiện thành phố đang quản lý khoảng hơn 8.600 đối tượng nghiện tại các trung tâm, chưa kể 3.200 đối tượng đang được cộng đồng quản lý.

Một con nghiện ngang nhiên chích ma túy trên cầu vượt An Sương (quận 12) 
Nghiêm trọng hơn, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ có khoảng 4.500 người nghiện được trả về cộng động và không có người nào được đưa về trại cai nghiện.
Tại địa bàn quận 8 và quận 9, người dân rất lo lắng trong việc các đối tượng tái nghiện khi được cơ quan chức năng trả về địa phương đã gây ra hàng loạt vụ cướp giật, đâm chém người táo tợn…
Thời gian gần đây, theo phản ánh của một số người dân, phóng viên VTC News đã ghi nhận tình trạng con nghiện ngang nhiên hút, chích ma túy ở chân cầu vượt An Sương (quận 12). Thậm chí những đối tượng nghiện ngập còn táo tợn băng ra đường dùng kim tiêm chứa đầy máu đe dọa nhiều người xin tiền khiến người dân rất bất an.
Đề cập đến vấn nạn trên, đại biểu HĐND TP Từ Minh Thiện cho rằng, tình trạng các đối tượng nghiện tồn tại trong khu dân cư hiện nay là hết sức nguy hiểm. Trong khi tỷ lệ người nghiện đưa vào trường trại không thấm tháp gì, thậm chí từ nay đến cuối năm, thành phố cả triệu dân lại không có người nào được đưa vào trại cai nghiện đúng là hết sức lo ngại.

Kim tiêm nằm rải rác trong khu vực các khu dân cư ở Sài Gòn 
Đồng quan điểm, đại biểu HĐND TP Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đặt câu hỏi: “Nếu hàng nghìn người trở về cộng đồng và không người nghiện nào phải vào trại thì việc quản lý của chính quyền địa phương sẽ ra sao? Liệu có đảm bảo ANTT được hay không?”. 
Cũng theo bà Hạnh, thực tế, qua tiếp xúc với cử tri thì họ rất lo ngại và bức xúc về quản lý người nghiện trong khu dân cư, bởi người dân cho rằng, tình trạng cướp giật, tội phạm gia tăng cũng một phần do các đối tượng trở về với cộng đồng.
Còn nhiều lỗ hổng trong quy định
Trước tình trạng trên, một số đại biểu HĐND TP chỉ rõ, thực tế, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn về quy trình xử lý đối tượng nghiện để đưa đi cai nghiện tập trung khiến địa phương lúng túng. 
Trước băn khoăn trên, ông Trần Trung Dũng nêu rõ, theo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật xử lý vi phạm hành chính của Chính phủ trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực từ tháng 1/2014, từ nay đến cuối năm, thành phố có khoảng 4.500 đối tượng nghiện đang cai ở các trung tâm được trở về địa phương do đã đủ thời hạn cai nghiện tập trung. Điều đáng nói, từ nay đến cuối năm sẽ không có người nghiện nào được đưa vào trường trại.

 Một đường dây ma túy lớn nhất Sài Gòn từ trước đến nay mới bị Công an quận Bình Thạnh triệt phá
Trước nghịch lý trên, ông Dũng lý giải, cũng theo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật xử lý vi phạm hành chính của Chính phủ, người nghiện có nguy cơ phạm tội thì phải có bản án của tòa án mới có thể đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng hiện quy định này lại thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc. 
Chưa kể trước khi đưa con nghiện vào cai nghiện ở các trung tâm thì phải cai nghiện tại cộng đồng từ 3 đến 6 tháng. Nếu tiếp tục tái nghiện thì lập thủ tục trình tòa án địa phương ra quyết định đưa đi cai bắt buộc. Do đó, khi phát hiện người nghiện, cơ quan chức năng chỉ có thể tuyên truyền, răn đe, lập biên bản… và trả họ về cộng đồng.
“Số người nghiện bên ngoài cộng đồng hiện rất lớn, không đưa vào trường trại thì lại gia tăng, kéo theo nguy cơ tiềm ẩn tội phạm rất cao”, ông Dũng lo lắng.
Chưa hết, đối với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định, theo quy định thì phải xác định nơi cư trú trong vòng 15 ngày và trong thời gian này giao cho các tổ chức xã hội quản lý nhưng lại không quy định rõ cơ quan nào nên chưa thể áp dụng. 
Ngoài ra, việc xác định người nghiện cũng không phải dễ vì khi xác định người nghiện và tình trạng nghiện thì đội ngũ y sỹ, bác sĩ… phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện do cơ quan có thẩm quyền cấp.  Hiện nay, các địa phương triển khai rất chậm và thủ tục cấp giấy chứng nhận còn chậm hơn. 
Theo Ủy ban phòng chống AIDS thành phố, để thực hiện tốt công tác phòng chống và điều trị tốt cho người nghiện ma túy, thành phố đang mở rộng và xã hội hóa việc điều trị nghiện ma túy bằng methadone ở tất cả các quận, huyện với 10 cơ sở điều trị và 15 điểm phát thuốc. Tính đến quý II vừa qua, đã có 1.555 người tham gia điều trị nghiện bằng methadone trên khắp địa bàn thành phố. 

Tuấn Hưng – Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn