Vừa giận vừa thương vì con quá yếu đuối
Chị Khánh Mai (Đống Đa, Hà Nội) vừa có bài viết trên mạng xã hội về chuyện con đi học bị bạn bắt nạt. Chị kể: Ngày nào tan học, nhìn Bi thất thểu ra khỏi cổng trường, rơm rớm nước mắt nhìn mẹ, tai bầm đỏ, chị Mai lại thấy vừa giận vừa thương con. Giá như con chị đừng quá yếu đuối, hiền lành như thế thì đã không bị các bạn trong lớp bắt nạt. Năm nay Bi lên lớp 2, vì gia đình chuyển nơi ở nên con cũng phải chuyển trường. Các bạn ở lớp đều đã quen nhau từ năm học trước, chỉ có mình con là học sinh mới nên có 1 bạn trong lớp thường xuyên "sai vặt", nếu không ưng ý sẽ véo tai con.
Chị Mai tâm sự, Bi cũng cao lớn nhưng hiền lành quá, lại ít nói. Một mặt, chị dặn con: “Bạn trêu con, bắt nạt con thì con phải biết đánh lại chứ, đánh thật đau vào lần sau bạn sẽ không dám nữa”. Mặt khác, chị đã phải lên gặp ban giám hiệu trường để than phiền và nhờ cô chú ý đến bé hơn.
Cũng cùng cảnh ngộ, chị Thùy Anh (Hà Đông) tâm sự rằng, thời gian đầu bé Nhím đi học lớp 1, cô giáo khen bé hiền lành, ngoan ngoãn, Nhím cũng hào hứng đi học nên chị rất mừng. Nhưng sau một thời gian, Nhím bỗng dưng không muốn đến lớp, lúc nào cũng ủ rũ, trông có vẻ sợ sệt. Đến một hôm trong lúc tắm cho con, chị phát hiện vết cắn ở cánh tay bé, bình tĩnh hỏi han một hồi mới biết con bị bạn cắn ở lớp mỗi khi bạn xin kẹo mà con không có.
Chị không mách cô giáo vì nghĩ rằng cái chính là phải rèn cho con tự ứng xử trong các tình huống ở trường, vì có những lúc bé phải phản ứng ngay, chứ chờ cô tới phân xử thì đã muộn. Một mặt chị nói chuyện với con nhiều hơn, thuộc tên các bạn cùng lớp con và biết cả tính cách, bạn nào hiền, bạn nào dữ. Chị dành thời gian cùng Nhím xem những bộ phim hoạt hình có nhân vật chính dũng cảm chiến đấu lại với kẻ ác hoặc quái vật. Xem xong chị phân tích cho Nhím: “Con thấy hoàng tử có dũng cảm không? Con hãy học tập hoàng tử nhé, nếu các bạn bắt nạt, con đừng đứng chịu trận. Hãy nhìn thẳng vào mắt các bạn, nói dõng dạc: “Tớ không đùa đâu đấy, cậu còn như thế tớ sẽ mách cô giáo, mách bố mẹ cậu. Nếu bạn vẫn tiếp tục thì con đi tìm cô giáo để cô phân xử.”
Rất may sau đó, nhờ áp dụng đúng cách mẹ chỉ, bé Nhím đã tự tin hơn và vui vẻ đi học trở lại.
Dạy con thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ bị bắt nạt khi đi học không phải là hiện tượng hiếm gặp, tuy nhiên nếu trẻ không được quan tâm, giúp đỡ kịp thời sẽ hình thành tính tự ti, sợ hãi đến trường, bé không thể hòa đồng với các bạn, dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả học tập và tương lai của con. Vì thế phụ huynh cần có sự quan tâm sát sao tới con để nhận biết tình trạng bé bị bắt nạt, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách giúp trẻ đối phó.
Không nên dạy bé phản kháng bằng cách đánh lại khi bị bắt nạt. Ảnh minh họa.
Nhiều người khi thấy con bị bắt nạt thường dạy con phản kháng bằng cách đánh lại. Điều này là không nên, bởi nó sẽ hình thành trong trẻ quan niệm rằng bạo lực có thể giải quyết được mọi vấn đề, rất nguy hiểm.
Một số phụ huynh lại nghĩ đến việc chuyển trường hoặc chuyển lớp cho con để tránh bị bắt nạt. Tuy nhiên cách làm này cũng không hoàn hảo, bởi điều đó sẽ dạy con luôn chạy trốn mỗi khi gặp khó khăn.
Vậy bạn nên dạy con đối phó như thế nào khi bị bắt nạt?
Trước hết hãy luôn lắng nghe để cho con thấy bố mẹ là chỗ dựa vững chắc và đáng tin tưởng. Hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến con bị bắt nạt để có hướng giải quyết tốt nhất. Bạn có thể tới gặp giáo viên chủ nhiệm để thông báo về việc con bị bắt nạt và đề nghị giáo viên có những biện pháp cụ thể.
Ngoài ra, bạn có thể gặp trực tiếp phụ huynh của học sinh thường bắt nạt con để trao đổi và có giải pháp từ cả hai phía.
Cha mẹ không nên dạy con phản kháng bằng cách đánh lại. Mà hãy hướng dẫn bé tự vệ bằng cách thể hiện sự dũng cảm và cương quyết của mình. Dạy bé nhìn thẳng vào mặt các bạn và nói lớn “Không được bắt nạt tớ. Nếu bạn làm vậy mình sẽ mách cô và bố mẹ bạn ngay lập tức”.
Bố mẹ nên thường xuyên quan tâm, hỏi thăm tình hình của con ở trường. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, có nhiều bé vì xấu hổ và sợ hãi nên không dám kể với bố mẹ về việc mình bị bắt nạt. Do đó, phụ huynh cần theo sát con, nếu bé có những biểu hiện bất thường nên chủ động hỏi han một cách nhẹ nhàng.
Việc lắng nghe và động viên hỏi thăm con không chỉ có lợi trong trường hợp trẻ bị bắt nạt mà còn có lợi trong mọi vấn đề mà con gặp phải. Điều này cũng giúp trẻ biết được cha mẹ luôn ở bên cạnh, luôn lắng nghe và hiểu con.
Bình luận