Cơn lốc xuất ngoại tìm thứ 'đắt khủng khiếp'

Thời sựThứ Hai, 14/11/2011 08:26:00 +07:00

(VTC News) - Muốn đổi đời, người dân "làng vắng chồng" chấp nhận khổ cực. Họ sau khi ngủ dậy phải lấy giẻ chùi vắt vì hàng trăm con bám vào da thịt...

(VTC News) - Đằng sau những ngôi nhà tiền tỷ mọc lên là máu và nước mắt của bà con làng vắng chồng.

Bỏ làng xuất ngoại tìm trầm

Theo QL1A chạy qua địa phận huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) hỏi về Trúc Ly người ta biết ngay là làng trầm. Chính nơi đây, nhiều thế hệ đã sống chết theo nghiệp trầm, kỳ. Thanh niên mới lớn đến những người ngoài 60 tuổi cũng làm hộ chiếu… luồn rừng xuất ngoại tìm trầm.

Làng Trúc Ly chỉ rộn ràng vào dịp Tết. Còn các ngày trong năm, những căn nhà tiền tỷ đóng cửa, ít người ra vào…Điều này khiến người ta gọi vùng này là làng vắng đàn ông, làng vắng chồng.

Những năm đầu 1980, ở Trúc Ly đã xuất hiện cảnh hàng trăm người bỏ xứ vào rừng tìm trầm… Với họ, vùng đất chưa mưa đã lụt, mùa màng khó khăn thì không thể bám trụ để đổi đời được. Thế là, họ kéo nhau vào rừng tìm trầm.

Năm tháng qua đi, làng Trúc Ly hiếm thấy đàn ông trong những ngày thường. Chủ yếu con trẻ, người già yếu mới ở nhà. Còn lại, cứ lớn lên là cha con, anh em gùi gạo, thuốc men len lỏi vào rừng.

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi gặp anh Lê Quang Hiếu - trưởng thôn Trúc Ly. Anh cho biết, bản thân cũng đã từng xông pha với trầm. Sau khi xuất ngoại, anh về nhà vốn liếng cũng chỉ đủ lận lưng vài ba triệu cất cái nhà tạm mà thôi.

Trầm đã cuốn theo nhiều thế hệ thanh niên làng Trúc Ly.

Anh Hiếu nói, làng này đổi đời cũng nhờ trầm. Khắp 4 xóm có gần 200 người đi trầm. Khi trầm trong nước cạn kiệt, con dân vùng Trúc Ly làm hộ chiếu sang các nước Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… làm phu.

Cơn lốc tìm trầm đã cuốn đi biết bao mảnh đời tươi trẻ của đàn ông vùng cát này. Cảnh vợ góa chồng, con côi cha ở Trúc Ly khiến không ít người thương xót.

Không khó gặp cảnh thanh niên mới cưới vợ mấy ngày lại đi trầm. Con cái sinh ra cũng mấy khi gặp cha. Họa chăng, một năm mỗi gia đình Trúc Ly mới đoàn tụ đôi lần. Những ánh mắt mừng tủi chưa dứt, họ lại đi...

Ông Phạm Văn Tâm, một phu trầm có tiếng đất Trúc Ly kể: "Chúng tôi như ong rừng tìm hoa. Đến khu vực rừng già, chúng tôi dừng chân, làm lán. Cứ thế, anh em phu trầm đi từ vùng này sang vùng khác, có nhiều lúc bị lạc sang nước khác.

Không ít người tìm trầm tại rừng của Lào lại lạc sang rừng của Thái Lan nên bị bắt giam. Đến khi được thả ra, họ lại tìm cách qua chỗ khu rừng đó tìm trầm, lại bị bắt...".

Hai phu trầm kể lại những giây phút kinh hãi khi đối diện với cái chết...

Hiện nay, giới trầm kỳ Trúc Ly đang đổ xô “đánh” rừng Malaysia. Năm 2010, sau khi phát hiện rừng ở Malaysia có nhiều trầm, những đại gia trầm ở xã Hàm Ninh, Gia Ninh, huyện Quảng Ninh thầu đường dây đưa "công nhân" trầm sang càn quét.

Chuyện tìm trầm cũng có chủ thầu dắt lối. Những người có của để dành thì bỏ ra làm hộ chiếu, khai thác được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Người nào chưa có tiền sẽ được chủ thầu ứng tiền mua thức ăn, dụng cụ sinh hoạt rồi trả dần.

Giới trầm, kỳ ở Việt Nam luôn đánh giá cao kinh nghiệm khai thác trầm của người dân Trúc Ly. Vì thế, những chủ thầu cũng ưu ái tuyển chọn dân Trúc Ly mang sang Malaysia tìm trầm.

Ly kỳ chuyện tìm trầm ở xứ người

Phu trầm Hoàng Văn Thân (SN 1992), trú tại xóm 4, thôn Trúc Ly kể rằng, chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Malaysia anh mang về nhà gần chục triệu. Cơn lốc trầm lại cuốn hút, anh Thân dự tính khoảng trong tuần sau tiếp tục làm hộ chiếu sang Malaysia đánh trầm.

Để sang được Malaysia, dân trầm Trúc Ly chỉ cần làm hộ chiếu du lịch 1 tháng. Tuy nhiên, lượng thời gian hợp pháp trên chỉ đủ cho phu trầm đi tới rừng, còn thời gian tìm kiếm có khi lên đến 1 năm. Vì thế, họ trở thành “người rừng” sống chui lủi vì sợ bị bắt.
 
Trước khi “xuất ngoại”, người dân Trúc Ly bỏ ra khoảng 1-2 triệu đồng mua các loại thuốc từ đau bụng, sốt rét đến dạ dày, bong gân... Đồng thời lận lưng vài triệu đến vài chục triệu đồng làm lộ phí.

Thông thường, muốn qua Malaysia, dân trầm Trúc Ly đi theo đường bộ hoặc đường hàng không. Điều này phụ thuộc vào kinh tế từng người và đường dây của chủ trầm. Thậm chí, để sang được Malaysia, một số người phải quá cảnh vào Campuchia, Thái Lan… rồi luồn rừng sang Malaysia.  

Thân kể: “Sau khi đến thủ đô Kuala Lumpur, dân trầm sẽ được người của chủ trầm đưa tới bố trí ăn ở tại các khu nhà trọ nằm sát bìa rừng. Mỗi người sẽ nộp 12 triệu đồng.

Nếu chưa đủ được chủ trầm cho ứng trước mua lương thực, đồ sinh hoạt trong 45 ngày. Nghỉ ngơi tại nhà trọ vài ngày sẽ được người của chủ trầm lái xe chở vào rừng để tìm trầm”.

Cảnh tìm trầm của hàng chục phu ở trên rừng. Ảnh tư liệu

Người làng trầm Trúc Ly đi theo từng đoàn. Cứ 3-4 người chia thành một tốp. Sau khi vào rừng họ dựng lán thay phiên nhau tìm trầm, nấu ăn.
 
Không biết rừng rộng bao nhiêu cây số vuông, nhưng vì muốn đổi đời, phu trầm phải chấp nhận bám rừng, mặc cho muỗi, vắt hành hạ. Nhiều người sau khi ngủ dậy phải lấy giẻ chùi vắt vì hàng trăm con bám vào da thịt.

Khi lương thực cạn kiệt, phu trầm gọi điện với người chủ trầm để được đưa ra khỏi rừng về đồng bằng mua đồ ăn, thức uống dùng trong khoảng thời gian 45 ngày rồi tiếp tục quay trở lại rừng.

Lương thực dân trầm Trúc Ly mang theo là thịt muối và cá khô. Thịt heo muối chỉ ăn được 20 ngày, những ngày còn lại họ ăn cơm với cá khô mang theo. Phải uống nước suối, thậm chí đến những vùng khô cằn họ phải chặt thân cây nứa để lấy nước uống. Muốn về nước, phu trầm cũng phải chui rúc trong những khu ổ chuột, chờ xe của chủ thầu điều đến rồi theo xe về Việt Nam.

* còn nữa...

Trần Viết Long

Bình luận
vtcnews.vn