(VTC News) – Do người Việt sản xuất và mang đậm hương vị Việt, bánh mì Lee’s Sandwiches nhanh chóng trở thành số 1 tại Mỹ.
Bánh mỳ Việt nổi danh ở Mỹ
Bánh mỳ Việt Nam được bạn bè quốc tế là một trong những “siêu phẩm” ẩm thực cần phải thưởng thức một lần trong đời. Bánh mỳ Việt là sự kết hợp hoàn hảo giữa “vỏ” bánh, nhân bánh – bao gồm thịt, rau, gia vị,… với những hương vị rất đặc trưng.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bánh mỳ Việt thành công ở trở Tây. Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét thị trường bánh mỳ Việt hiện đang diễn biến rất tốt, không chỉ ở Mỹ mà ở cả châu Âu.
Ở góc độ bình dân tại Mỹ, bánh mỳ Việt có tiềm năng cạnh tranh rất tốt với các xe bán dạo cố định, tức các vendor thuê chỗ cố định ở góc đường hay vỉa hè tại Vegas cho đến Manhattan hay Washington DC. Bên cạnh đó, bánh mỳ Việt hoàn toàn có thể song hành với các quầy bánh Taco của Mexico.
Lee’s Sandwiches, bánh mỳ Việt nổi danh trên đất Mỹ |
Tạp chí Forbes từng đăng bài nhận định về các xu hướng mới ảnh hưởng đến thế giới. Trong đó, bánh mỳ kẹp thịt kiểu Việt Nam được Forbes đưa vào nhóm 20 xu hướng ảnh hưởng đến thế giới. Thậm chí, tạp chí danh tiếng này còn dùng đúng chữ tiếng Việt “banh mi”, chứ không sử dụng tiếng Anh.
Trong các sản phẩm bánh mỳ tại Mỹ, Lee’s Sandwiches của một gia đình Việt được đánh giá là thương hiệu nổi bật nhất, thành công. Ông Lê Văn Ba và con trai Lê Chiêu là những người “thai nghén” và khai sinh ra chuỗi bánh mỳ này.
Năm 1979, khi còn đang là sinh viên năm 3, ông Lê Chiêu rời Việt Nam tới Mỹ. Năm 1980, ông định cư tại thành phố San Jose. Ban đầu, do chưa giao tiếp được bằng tiếng Anh nên cuộc sống của ông khá vất vả. Ông kiếm sống bằng nghề mổ thịt tại các cơ sở chế biến thịt. Tại đây, ông kiếm 8 USD cho mỗi giờ làm việc.
Năm 1981, thấy công việc bán dạo thức ăn trên xe tải có vẻ ăn nên làm ra, ông Chiêu tậu một chiếc xe tải và bắt đầu khởi nghiệp. Một năm sau, cùng với em trai Henry Lê, ông Chiêu thành lập công ty Công ty Lee Bros. Tuy nhiên, Công ty Lee Bros hầu như chỉ hoạt động trong tuần. Vậy là vào cuối tuần, cha của anh em họ Lê dùng xe tải đi bán bánh mỳ kiểu Việt Nam.
Công việc tiến triển quá nhanh khiến họ quyết tâm mở một cửa hàng Lee’s Sandwiches đầu tiên. Kể từ đó, Lee’s Sandwiches không ngừng phát triển và mở rộng hoạt động.
Đến nay, Lee’s Sandwiches trở thành một trong các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng nhất nước Mỹ với hơn 500 xe bán thức ăn nhanh cùng hàng chục cửa hàng thông qua nhượng quyền thương hiệu.
Không chỉ có vậy, Lee’s Sandwiches còn bán thêm nhiều thức uống mang đậm hương vị Việt như sữa đậu nành, cà phê sữa,…
Ông Quang đánh giá thành công từ chuỗi bánh mỳ Lee’s Sandwishes đã góp phần đưa nhận thức món ăn Bánh mỳ Việt ra thị trường dòng chính của Mỹ, giúp người Mỹ da trắng biết đến tên gọi “bánh mỳ” hay “Cà phê sữa đá’ chứ không dùng những từ tiếng Anh như trước đây.
Hơn thế, công ty đã chính thức ra mắt dòng sản phẩm cà phê đóng chai nhãn hiệu Lee’s Coffee. Sản phẩn này hiện đã có mặt trong hệ thống các đại siêu thị Costco lan toả ra khắp thế giới, cụ thể là hợp đồng phân phối gần đây tại 10 đại siêu thị Costco Đài Loan.
Lận đận đường về Việt Nam
Khi gặt hái được thành công rực rỡ tại Mỹ, ông Lê Văn Chiêu nỗ lực tìm đường về quê hương. Tuy nhiên, sản phẩm đầu tiên ông Chiêu chọn không phải Lee’s Sandwishes mà là Lee’s Coffee. Có lẽ ông Chiêu mong muốn Lee’s Coffee sẽ mở đường cho Lee’s Sandwishes.
Lee’s Coffee chưa thành công khi về Việt Nam |
Ông Chiêu tham vọng, sau đó, chuỗi cà phê Lee's Coffee sẽ xuất hiện tại Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan... Cũng giống như chuỗi bánh mỳ Lee’s Sandwiches, ông Chiêu chuẩn bị tâm lý khởi động “cơn sốt” nhượng quyền cho Lee's Coffee.
Lee's Coffee tại Mỹ có giá 2,5 USD/ly. Về trung tâm Tp.HCM, một ly Lee's Coffee chỉ còn là 39.000 đồng. Theo giới thiệu, toàn bộ cà phê tại Lee's Coffee ở Việt Nam được mang về từ nhà máy chế biến ở Mỹ với hương vị trộn lẫn giữa "gu" cà phê đậm đặc của người Việt Nam.
Mặc dù dành 2 năm và rất nhiều tâm huyết cho công tác chuẩn bị mở chuỗi nhà hàng tại Việt Nam nhưng có vẻ ông Chiêu không được may mắn. Sau những ồn ào ban đầu, Lee's Coffee dần đi vào quên lãng.
Bây giờ, tại Tp.HCM, nơi mà ông Chiêu kỳ vọng là điểm khởi đầu cho chuỗi Lee's Coffee tại Việt Nam đã vắng bóng Lee's Coffee. Có lẽ ông Chiêu đã sai lầm chiến lược khi đưa Lee's Coffee về Việt Nam trong thời điểm các cửa hàng ăn nhanh, các tiệm cà phê nổi tiếng đã tràn ngập Việt Nam.
Dù vậy, động thái “về quê” của ông Chiêu vẫn được giới kinh doanh đánh giá cao. Có thể ông không may mắn trong lần đầu tiên nhưng biết đâu những nỗ lực sau này có thể sẽ mang lại cho ông nhiều “trái ngọt” như Lee’s Sandwishes.
Bảo Linh
Bình luận