• Zalo

'Con đường tơ lụa' của những ông trùm ma tuý Tây Bắc

Pháp luậtThứ Hai, 02/09/2013 03:48:00 +07:00Google News

Các ông trùm thường gọi đây là “con đường tơ lụa” của hoạt động buôn bán ma túy Mộc Châu (Sơn La).

Biết chúng tôi đã thất bại trong việc tiếp cận quê hương ông trùm ma túy Tàng Keangnam vì sự nguy hiểm cận kề, một trinh sát đi cùng đã động viên và hứa giúp nhóm phóng viên chinh phục đỉnh Pha Luông- nơi được ví như “con đường tơ lụa” trong lĩnh vực vận chuyển ma túy.

Hoạt động ngừng trệ sau ngày ông trùm bị bắt

Nếu như khu vực “Tam giác vàng” (nằm trên bờ sông Mê Kông thuộc địa phận thành phố Chiang Rai- một tỉnh biên giới miền Bắc Thái Lan, giáp với cả Lào, Myanma) được biết đến như là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, thì ở Mộc Châu (Sơn La, Việt Nam) các địa danh Vân Hồ, Lóng Luông, Lóng Sập cũng được biết đến như “thủ phủ” về ma túy khu vực Tây Bắc.

Địa hình cao, hiểm trở, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già khiến cao nguyên Mộc Châu trở thành vùng “đất vàng” đối với các hoạt động của tội phạm ma túy. Phần lớn các vụ vận chuyển ma túy qua "thánh địa ma túy Mộc Châu" có số lượng lớn, nên các đối tượng đều mang vũ khí “nóng”, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng đến cùng khi bị phát hiện.

Đỉnh Pha Luông có thể coi là nóc nhà của cao nguyên Mộc Châu, nằm cách 2 xã Chiềng Xuân và Tân Xuân không xa. Nơi đây quanh năm mây mù bao phủ, đường lên rất khó khăn, hiểm trở, tiềm ẩn nhiều rủi ro, người lạ khó có thể xâm nhập. Có lẽ vì thế nên đỉnh núi này được trùm ma túy Tráng A Tàng (Tàng Keangnam) và các ông trùm ma túy ở Mộc Châu chọn làm điểm giao nhận hàng.

Mỗi đêm, lại xuất hiện những vết chân vượt biên mang “cái chết trắng” vào nội địa. Tại những con đường mòn lên đến đỉnh núi đều có “chim lợn” bám theo, nếu thấy nghi ngờ chúng sẽ báo cho những tên vận chuyển ma túy ém hàng. Trinh sát cũng cho biết, khi lên đến Pha Luông thì mua ma túy dễ như mua rau dưới miền xuôi.

Từ đỉnh Pha Luông sẽ có những con đường mòn xuyên núi, sang đất Lào. Con đường này ngày trước là đường lên núi của người dân bản địa, nhưng lâu nay không sử dụng nữa, nên cỏ cây rậm rạp che kín lối đi, con đường mòn cheo leo trên sườn núi đôi khi chỉ đủ đặt bàn chân.

Nguồn ma túy được tuồn từ Lào qua đỉnh Pha Luông về Tân Xuân, Chiềng Xuân, theo những con đường mòn nhỏ hẹp này tỏa ra các hướng như: Lũng Xá, Tà Dê, Pa Háng và các đường tiểu ngạch khác.


Các ông trùm thường gọi đây là “con đường tơ lụa” của hoạt động buôn bán ma túy Mộc Châu. Các lực lượng phòng chống ma túy đã mật phục nhiều lần nhưng tội phạm ma túy vô cùng tinh vi, cộng với địa bàn rộng nên việc bắt giữ rất khó khăn. Đặc biệt, từ ngày Tráng A Tàng bị bắt giữ, hoạt động vận chuyển trái phép ma túy tại khu vực này hầu như ngừng trệ, các ông trùm nằm im nghe ngóng động tĩnh.

Được biết, để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, các đối tượng ở những bản sát biên giới sẽ tính toán thời gian cụ thể để việc vận chuyển trót lọt. Thông thường, chúng xuất phát từ các bản dân tộc giáp biên giới Lào - Việt và căn giờ di chuyển đến địa phận Việt Nam khoảng nửa đêm.

Sau khi đã vào được Việt Nam, chúng sẽ tỏa ra nhiều hướng hoặc ém hàng tại các lán trên đỉnh Pha Luông, giao hàng xong chúng quay về trời cũng vừa sáng. Các đối tượng trong đường dây buôn ma túy khi vận chuyển thường đi 10-15 người, chia thành 3 tốp.

Trong đó, tốp đầu có nhiệm vụ dẫn đường và thám thính, tốp thứ 2 trực tiếp mang theo “hàng”, còn tốp cuối đi đoản hậu, bảo vệ cũng như ứng cứu trong những trường hợp khẩn cấp. Khi ma túy được vận chuyển đến điểm tập kết, đội tiền trạm ra ám hiệu chứ không bao giờ dùng các phương tiện như điện thoại, bộ đàm để tránh bị theo dõi. Ám hiệu do các mối hàng quy định với nhau từ trước, thay đổi liên tục, khi đúng ám hiệu, mật khẩu thì việc giao hàng mới diễn ra.

“Ăn” đạn nếu bị phát hiện


Trước khi lên núi, trinh sát khuyên chúng tôi nên đóng giả là khách du lịch hoặc là giáo viên cắm bản ở tỉnh khác lên đây chơi; không được leo lên đến đỉnh chỗ các lán ma túy, vì các đầu nậu chỉ cần thấy người lạ là nổ súng; khi cảm thấy nguy hiểm phải báo ngay cho lực lượng biên phòng kịp thời ứng cứu...

Khi ma túy được vận chuyển đến điểm tập kết, đội tiền trạm ra ám hiệu chứ không bao giờ dùng các phương tiện như điện thoại, bộ đàm để tránh bị theo dõi. Ám hiệu do các mối hàng quy định với nhau từ trước, thay đổi liên tục, khi đúng ám hiệu, mật khẩu thì việc giao hàng mới diễn ra.

Từ bản Cột Mốc (xã Tân Xuân), bắt đầu đi vào con đường rừng cỏ cây phủ kín lối đi, lên đến lưng chừng đỉnh Pha Luông, không khó để chúng tôi bắt gặp đủ các loại vỏ chai nước uống, bò húc, coca cola và các mảnh giấy bạc dùng để hít heroin khi các đối tượng vận chuyển dừng nghỉ chân, bỏ lại bên đường.

Người trinh sát đi cùng cho biết, thời điểm Tráng A Tàng chưa bị bắt, nhiều đêm mưa, vắng người qua lại, các toán vận chuyển ma túy không thèm giao “hàng” trên núi mà liều lĩnh đi từ đường mòn này, vượt qua đường liên xã Tân Xuân, đi sâu vào khu vực xã Xuân Nha, Vân Hồ, Lóng Luông giao ma túy cho các đối tượng người bản địa.

Lên đến đỉnh, chúng tôi thấy có cái hang đá có dấu vết đốt lửa, vỏ lon nước ngọt vứt lung tung khắp dưới nền đất. Bất chấp nguy hiểm, chúng tôi chọn một địa điểm ẩn thân ở mỏm núi gần đó để quan sát khi trời tối.

Khoảng nửa đêm, núi rừng Pha Luông âm u, tĩnh mịch đến lạnh người. Đang mơ màng trong màn sương lạnh chúng tôi thấy mờ mờ màn đêm bóng người xuất hiện trước cửa hang, chúng bàn tán rôm rả và lấy bia lon ra uống…

Để đảm bảo an toàn, người trinh sát quyết định không dẫn chúng tôi lên đỉnh Pha Luông nữa, đến trưa hôm sau, chúng tôi mới dám rời khỏi chỗ ẩn nấp. Đi đường vòng về bản Cột Mốc xã Tân Xuân, trên đường về gặp một cái lán nhỏ ven sườn núi, anh bạn đồng hành cho biết, ban ngày đó chỉ là nơi nghỉ chân của dân bản địa mỗi khi lên núi, nhưng vào những lúc cao điểm, đây là một trong những địa chỉ giao dịch “hàng trắng”.

Người trinh sát cho biết, các đối tượng buôn bán ma túy nơi đây hoạt động rất có tổ chức, bọn chúng được trang bị vũ khí nóng, luôn luôn sẵn sàng nhả đạn để chống trả lực lượng chức năng truy bắt.



Theo GĐ&XH
Bình luận
vtcnews.vn