Fedor Orlov trải qua bốn cuộc chiến tranh. Đầu tiên là chiến tranh Nga-Nhật, với cương vị một chiến sĩ binh nhì. Trong Thế chiến I, Orlov chiến đấu với cương vị một tiểu đội trưởng, cấp bậc hạ sĩ quan. Bị năm vết thương nhưng không thật nặng nên Orlov không phải xuất ngũ. Trong thời kỳ nội chiến, ông chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân và là một trong những chiến sĩ Hồng quân đầu tiên được trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Orlov bị 18 vết thương, và đáng buồn, sức khỏe ông bị ảnh hưởng.
Trở về sau chiến tranh, Orlov đột quỵ và bị liệt. Dự báo của các bác sĩ khá bi quan. Orlov không nghĩ rằng có thể đứng lên được, nhưng người vợ Maria gieo vào ông niềm tin là mọi thứ rồi sẽ ổn. Và điều kỳ diệu xảy ra - sau một vài năm, chứng liệt bắt đầu thoái lui và Orlov lại có thể đứng lên được. Tuy nhiên, các kế hoạch vào Học viện quân sự học và phát triển sự nghiệp trong quân đội bị buộc phải quên đi. Sau đó, Orlov tìm được công việc tại một nhà máy sản xuất súng pháo.
Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra, Orlov tròn 63 tuổi. Nhưng ông không ngần ngại đến Ủy ban quân sự xin nhập ngũ. Lúc đầu, ông bị từ chối vì tuổi tác, nhưng vẫn kiên quyết xin nên cuối cùng ông được chấp nhận cho nhập ngũ, với cấp bậc binh nhì. Trong điều kiện vô cùng thiếu các sĩ quan có trình độ, với kinh nghiệm quý báu của mình, đầu tiên ông chỉ huy dân quân, sau đó chỉ huy một đại đội trinh sát.
Từ binh nhì, chỉ trong một năm, Orlov trở thành người chỉ huy sư đoàn. Chính Orlov đã thành lập Sư đoàn bộ binh số 160 mà ông được giao nhiệm vụ chỉ huy. Thế hệ cán bộ chiến sĩ đầu tiên của sư đoàn này thể hiện mình một cách anh hùng trong các trận chiến ở ngoại ô Matxcơva, nhưng sư đoàn bị hủy diệt gần như hoàn toàn trong trận Vyazemsky. Xây dựng một sư đoàn mới từ con số không và đưa ra chiến trường là một công việc tổ chức rất khó khăn, mà Orlov giải quyết thành công.
Năm 1942, Orlov bị thêm hai vết thương nặng nữa, nâng tổng số vết thương lên con số 25 trong sự nghiệp đeo lon đeo sao của mình. Nhưng Orlov sống sót và trở lại đội ngũ một lần nữa. Ông đã rời quân ngũ sau chiến tranh, năm 1946, với cấp bậc Đại tá. Tuy nhiên, chiến tranh đã buộc ông phải trả giá quá đắt. Ba cậu con trai, một cô con gái của ông đều tham gia chiến tranh. Hai con trai đã hy sinh khi mang quân hàm đại úy và đại tá. Con trai thứ 3 đi đến hết cuộc chiến và tham gia giải phóng Berlin.
Năm 1944, phu nhân của vị sư đoàn trưởng đã quyên góp gây quỹ; nhờ tất cả tiền tiết kiệm của gia đình, và tiền quyên góp được, một phiên bản đặc biệt của xe tăng T-34 đã được chế tạo. Người ta gọi cỗ xe tăng đó "Mẹ-Tổ Quốc" và chiếc xe tăng đã trở thành một huyền thoại thực sự. Trong một năm chiến tranh, chiếc xe tăng phi thường với kíp xe giàu kinh nghiệm đã tiêu diệt 17 đơn vị pháo binh, 9 xe tăng và 18 xe ôtô của quân phát xít.
Đã tiến gần đến hang ổ cuối cùng của phát xít Đức, tiêu diệt tất cả mọi quân địch trên đường tiến công, nhưng tại vùng cận Posdam, "Mẹ-Tổ Quốc" đã bị hai quả đạn chống tăng hạ gục. Kíp xe anh dũng hy sinh, xe tăng không thể phục hồi. Nhưng nhiều năm sau, nó vẫn được sửa chữa để làm tượng đài kỷ niệm. Hiện nay, "Mẹ-Tổ Quốc đang được trưng bày tại một bảo tàng quân sự ở Kotelniki.
Những người anh hùng thực sự trong chiến tranh của chúng ta không yêu cầu và cũng không rùm beng về các chiến tích của mình, không đòi hỏi bất cứ một phần thưởng nào. Người chồng anh hùng, không tiếc sức, không quản ngại hy sinh. Người vợ anh hùng, người không chỉ nâng đỡ chồng sau một cơn đột quỵ, mà còn giúp chiến trường bằng những thứ nhỏ nhất mà mình có, cho dù đấy chỉ là vật chất. Chiến thắng Vĩ đại của chúng ta đã được chính bàn tay của những anh hùng như vậy làm nên.
Bình luận