Mới đây, sự việc một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công đến mức phải nhập viện đã khiến cho nhiều người rất bức xúc. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có đến hơn 20 vụ việc gây mất trật tự, an ninh bệnh viện.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 4 vụ việc xảy ra ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Việc người nhà bệnh nhân bức xúc, gây rối, hành hung các bác sĩ tại bệnh viện không còn là vấn đề mới.
Tuy nhiên, chỉ đến khi bác sĩ L.Q.D - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội, trưởng kíp trực ngày 16/4 bị bố của một bệnh nhi hành hung một cách dã man đến mức phải vào viện, khâu 7 mũi, thì vấn đề này mới thực sự "bùng nổ", khiến cho nhiều người tức giận, bức xúc, trong đó có nhiều y, bác sĩ.
Còn ai dám cứu người?
Theo BS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông vô cùng xót xa trước hình ảnh đồng nghiệp trẻ của mình với áo blouse trắng dính đầy máu, đang mê man bất tỉnh và phải điều trị trong viện.
Ông không biết sau vụ việc này, vị bác sĩ trẻ kia còn giữ được tấm lòng nhiệt huyết với nghề, còn dám đứng ra để tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân đang rất cần anh nữa hay không.
"Các bạn thử tưởng tượng chính mình là bác sĩ đang trực tiếp đón một "thượng đế" có khuôn mặt luôn hoài nghi, sẵn sàng sửng cồ gây gổ, liệu bạn có đủ dũng cảm để mỉm cười, ân cần hỏi han và kịp thời chữa trị?.
Vậy mà, chúng tôi luôn phải cố như vậy, luôn nhẹ nhàng để giảm bớt những cái đầu bốc hoả, luôn tỉnh táo để không lao vào những cuộc tranh cãi bất tận vì mất niềm tin và cũng luôn thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bệnh tật mà không ai tránh khỏi khi nhập viện.
Vậy nhưng, tai hoạ vẫn giáng bất ngờ xuống đầu chúng tôi với cả nghĩa đen và nghĩa bóng", BS Hiếu bức xúc.
Theo thông tin từ BS Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện, viện đã kết hợp với công an xã để xử lý sự việc. Trong trường hợp này, có thể sẽ tiến hành khởi tố và truy cứu hình sự đối với với đối tượng có hành vi hành hung bác sĩ.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp, bác sĩ là nạn nhân của thói côn đồ, của sự nóng nảy trên mức cần thiết của người nhà bệnh nhân.
Video: Kinh hãi hàng loạt vụ lao vào bệnh viện hành hung bác sĩ
Theo TS.BS Võ Xuân Sơn, người khởi xướng và thành lập website chống bạo hành y tế, các cơ quan công quyền gần như không quan tâm đến chuyện này. "Ngoài một vài cán bộ quản lí y tế, tôi chưa nhận được bất cứ ý kiến ủng hộ cho việc chống bạo hành y tế nào từ các cán bộ hay các cơ quan chức năng có liên quan", ông nói thêm.
Vì đâu nên nỗi?
Ai cũng hiểu, khi đưa bệnh nhân vào viện, người nhà thường mang theo tâm trạng lo lắng, bồn chồn, bất an. Đôi khi, những vụ việc đáng tiếc thường bắt nguồn từ sự kém hiểu biết cùng với tâm trạng nóng nảy, mất kiểm soát khi không được các bác sĩ giải thích rõ về tình trạng sức khỏe của người nhà mình.
Nhiều bác sĩ thấy bệnh nhân sốt ruột, hỏi han nhiều thì cũng thể hiện thái độ bực bội, trả lời cụt lủn, khiến cho người nhà bệnh nhân càng trở nên "bốc hỏa".
Theo BS. Nguyễn Lân Dũng, chắc hẳn sau sự việc này, sẽ có nhiều ý kiến của mọi người cho rằng, "Không có lửa sao có khói", "đáng đời" hay "chắc tại đòi phong bì...". Điều này đến từ niềm tin bị sụt giảm nghiêm trọng của người dân đối với ngành y tế, dẫn đến tình trạng, họ ngày càng thờ ơ, bày tỏ thái độ nghi ngờ trước những trường hợp nạn nhân là nhân viên y tế.
Dẫu biết rằng, không thể vơ đũa cả nắm, nói rằng tất cả những người đang hành nghề y, bốc thuốc cứu người đều là những kẻ vòi vĩnh, quan liêu, vô trách nhiệm... nhưng có một sự thật rằng, ở đâu đó, vẫn còn những hành động phi "từ mẫu".
"Những con sâu làm rầu nồi canh" đang gây ra một sự chán nản, mệt mỏi, thậm chí là thù ghét với những người đáng ra phải được cả xã hội trọng vọng, vì công việc của họ là đang cứu người.
Không phải xử lý kẻ hành hung là đã xong
Không ai cổ súy và bênh vực cho những kẻ côn đồ, hành hung người khác một cách dã man như vậy. Tuy nhiên, dù có đưa những kẻ ấy vào vòng lao lý, bắt hắn phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về những gì mình gây ra, thì những bác sĩ khác liệu có được bảo vệ không?
Có ai dám chắc rằng, niềm tin của người dân sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn sau những vụ việc như thế này, và liệu những trường hợp đáng tiếc này sẽ chấm dứt hay vẫn tiếp tục diễn ra?
Sự thất vọng, mất niềm tin của dân chúng đối với những hành động phi "từ mẫu", cộng với sự hung hăng, hành xử côn đồ đã khiến cho nhiều bác sĩ bị thương một cách oan uổng. Thiết nghĩ, nghiêm khắc xử lý những kẻ có hành vi sai trái như vậy là đương nhiên.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải có những biện pháp bảo vệ những người bác sĩ chân chính. Và người bảo vệ họ tốt nhất, không ai khác chính là những người dân.
Bình luận