Tuyên bố mới nhất này của Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cho thấy thái độ không nhượng bộ của nước này trong việc kết nạp thành viên NATO, bất chấp các nỗ lực của NATO nhằm xoa dịu mâu thuẫn nội bộ.
Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, cố vấn an ninh cấp cao kiêm người phát ngôn của Tổng thống Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin nhắc lại rằng tiến trình xem xét việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan phụ thuộc vào việc hai nước này phản ứng ra sao trước những yêu cầu của Ankara. Ông khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không thấy bị giới hạn về thời gian ra quyết định, như tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của NATO. Điều quan trọng là Thụy Điển và Phần Lan phải đưa ra một cách công khai, rõ ràng và cụ thể các biện pháp sẽ thực hiện để chống khủng bố.
Yêu cầu mà ông Kalin nhắc đến đó là Phần Lan và Thụy Điển phải thực hiện “các bước đi cụ thể” như ngừng hỗ trợ cho các nhóm mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố, dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với nước này cũng như trục xuất các nghi phạm mà nước này đang truy nã. Đây cũng là điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra nếu hai nước Bắc Ấu muốn nhận được cái gật đầu của Ankara khi muốn gia nhập NATO bởi việc kết nạp thêm thành viên NATO diễn ra theo nguyên tắc đồng thuận tức phải được từng nước trong số 30 thành viên phê chuẩn.
Trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, tuần qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến Wasington gặp Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm thúc đẩy hồ sơ xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc kết nạp thành viên đối với Phần Lan và Thuỵ Điển là không thay đổi:
"Cả hai quốc gia nên nói rõ rằng, họ đã ngừng hỗ trợ khủng bố, rằng họ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và họ sẵn sàng thể hiện sự đoàn kết với đồng minh”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh “đáng giá” và hy vọng sẽ đạt được tiến triển trong việc mở rộng NATO trong Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào cuối tháng này:
"Khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại, như mọi khi chúng tôi ngồi xuống để làm rõ về sự khác biệt giữa các bên nhằm tìm ra lối thoát. Tôi không thể nói rõ là bằng cách nào và khi nào chúng tôi đạt được sự đồng thuận nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề này giống như các vấn đề khác trước đây”.
Phần Lan và Thụy Điển hôm 15/5 nộp đơn xin gia nhập NATO. Hồ sơ đăng ký trở thành thành viên của hai nước này đã được Mỹ và các đồng minh NATO châu Âu hoan nghênh. Tuy nhiên, trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến trong tuần tới, Tổng thư ký NATO Stoltenberg sẽ tổ chức cuộc họp với các quan chức cấp cao của Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels để thảo luận về việc kết nạp thành viên NATO.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ngày 29 - 30/6 tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Đây được cho là cơ hội để các thành viên NATO đạt được sự đồng thuận trong việc kết nạp thành viên mới.
Bình luận