Dự án “giậm chân tại chỗ”
Không giống các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có kết quả kinh doanh khá bết bát, trong những năm qua, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận, dù chưa tương xứng với những lợi thế của một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, lịch sử phát triển lâu năm và có chỗ đứng vững vàng trên thị trường (34% thị phần).
Theo kế hoạch, cuổi năm nay Vicem sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Cùng với Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Vicem được coi là một trong 4 quả “bom tấn” sẽ cổ phần hoá. Tuy nhiên, trước thềm IPO, Vicem đang bộc lộ khá nhiều điểm yếu, đặc biệt ở khả năng quản lý.
Vicem hiện sở hữu nhiều đơn vị thành viên, gồm Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn… Trong một báo cáo hồi đầu năm, StoxPlus, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp thông tin tài chính tại Việt Nam, cho hay Vicem không thể thực hiện vai trò của một doanh nghiệp hàng đầu vì khả năng quản lý yếu kém và đặc biệt, không có khả năng chi phối nhiều quyết định hoạt động của các công ty con bên dưới.
Cùng với đó, thời gian gần đây, Vicem lại “ôm” hàng loạt các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khiến cho sức hấp dẫn của cổ phiếu “ông lớn” này.
Không chỉ thể hiện sự yếu kém về quản trị, báo cáo tài chính 6 tháng đầu 2016 của Vicem cho thấy kết quả kinh doanh không hề ấn tượng. Cụ thể, tính hết tháng 6, tổng vốn của Vicem là hơn 13.292 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu là hơn 13.005 tỷ đồng, vốn khác là hơn 97 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển là hơn 414 tỷ đồng. Điều đáng nói, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vicem trong 6 tháng đầu năm đang âm hơn 226 tỷ đồng.
Điều đặc biệt, trong các điểm trừ của Vicem có khoản đầu tư xây dựng cơ bản dở dang lên tới hơn 849 tỷ đồng. Cụ thể, tính đến hết 30/6, Vicem có số dư tại các Dự án: Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (hơn 750 tỷ đồng), Xây dựng khu tổ hợp Vĩnh Tuy (hơn 60 tỷ đồng), Nhà máy gạch không nung Nghệ An (hơn 36 tỷ đồng), Khảo sát cảng Đông Hồi (hơn 1,8 tỷ đồng), Phần mềm hệ thống công nghệ thông tin quản lý (hơn 380 triệu đồng). So với hồi tháng 1, Vicem đã bớt khoản chi ở hai dự án mua xe ô tô và chi trả lương nhân viên giám sát dựa án gần 3 tỷ đồng.
Trong số các dựa án dang dở của Vicem, chiếm phần lớn là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower). Công trình này được xây dựng trên diện tích 8.476m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại, ở vị trí đẹp trên đường Phạm Hùng, ngay cạnh tòa nhà Keangnam Landmark, Vicem Tower do Vicem làm chủ đầu tư có tổng mức vốn lên đến 2.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn của khu vực, với thiết kế 1 tòa tháp 31 tầng nổi và 4 tầng hầm; diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2.
Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, Vicem Tower chỉ là một toà nhà trơ khung bê tông mà sương gió đã phủ lên đó một lớp rêu mốc.
Những “đứa con hư”
Sở hữu nhiều đơn vị thành viên, trong đó có một số thương hiệu lớn như Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch… song không phải “đứa con” nào của Vicem cũng chăm chỉ làm ăn. Dư luận hẳn vẫn chưa quên cú “đi dây” vốn nhà nước của Vicem tại Vicem Hà Tiên.
Cụ thể, vào tháng 8/3013, Vicem Hà Tiên tổ chức đại hội cổ đông bất thường để biểu quyết thông qua việc tăng vốn, nhằm cấn trừ khoản nợ lên tới hơn 1.200 tỷ đồng đã mất khả năng thanh toán với các doanh nghiệp thành viên khác của Vicem. Toàn bộ 120 triệu cổ phần phát hành thêm, sao đó đã được Vicem ôm trọn.
Không chỉ là việc Vicem lấy tiền nhà nước (dù việc phát hành trên không giao dịch bằng tiền mặt, sau giao dịch Vicem là cổ đông lớn nhất của Vicem Hà Tiên, nắm giữ 253,4 triệu cổ phiếu, tương đương 79,69% vốn điều lệ) mà chính là việc định giá 10.000 đồng cổ phần của Vicem Hà Tiên mà Vicem đã mua liệu có đúng? Trên thực tế, tại cùng thời điểm, các giao dịch cổ phiếu của Vicem Hà Tiên đang chỉ ở mức 5.300 đồng/CP.
Dù được “o bế” khá nhiều từ Vicem song trong những năm qua, tình hình kinh doanh của Vicem Hà Tiên không thực khởi sắc. Trong 3 tháng đầu năm nay, kêt quả kinh doanh của Vicem Hà Tiên khá tệ, giảm 157 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân được Vicem Hà Tiên lý giải là lỗ chênh lệch tỷ giá từ đánh giá số dư vay ngoại tệ thời điểm cuối. Gần nhất, mặc dù thông báo đạt doanh thu trên 7.600 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trên 738 tỷ đồng song hồi tháng 10, Vicem Hà Tiên vẫn xin phát hành thêm gần 63,6 triệu cổ phiếu phiếu mới, tương ứng giá trị phát hành theo mệnh giá 636 tỷ đồng, để trả cho cổ đông.
Không chỉ Vicem Hà Tiên, hồi tháng 7 năm ngoái, Kiểm toán nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán 2014, chỉ rõ hàng loạt doanh nghiệp con của Vicem có số lỗ lũy kế lớn, chẳng hạn Vicem Tam Điệp gần 916 tỉ đồng, Vicem Hải Phòng gần 428 tỉ đồng, Vicem Bút Sơn gần 263 tỉ đồng...
Vicem sắp IPO, liệu đây có là cú hích với “ông lớn” ngành xi măng này?
Bình luận