Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch 55 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincom) trên sàn UPCoM với mã VVN. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên vẫn chưa được công bố, trong khi giá trị sổ sách của công ty mẹ tại thời điểm chốt danh sách lưu ký chứng khoán vào khoảng 12.500 đồng một cổ phiếu.
Vinaincon được thành lập vào năm 1998, trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây lắp thuộc Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Hóa chất, Tổng công ty Thép… Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp này chủ yếu trên lĩnh vực xây lắp, tư vấn thiết kế và giám sát điều hành thi công.
Vốn điều lệ của công ty hiện tại là 550 tỷ đồng và chưa tăng thêm từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần vào cuối năm 2011. Bộ Công Thương vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 82,75% vốn điều lệ.
Vinaincon niêm yết trong bối cảnh tình hình kinh doanh sa sút. Khoảng ba năm trở lại đây, tổng doanh thu của công ty liên tục giật lùi, từ 6.277 tỷ đồng của năm 2015 xuống còn 5.859 tỷ vào năm ngoái.
Sáu tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.795 tỷ đồng. Kết quả hoạt động bết bát khiến khoản lỗ lũy kế tính đến hết quý II xấp xỉ 800 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm mạnh xuống dưới 10 tỷ đồng.
Dù vậy, ban lãnh đạo công ty cho rằng, hiệu quả hoạt động giai đoạn này đã được cải thiện đáng kể nhờ kiểm soát tốt các chi phí đầu vào và quản lý doanh nghiệp. Do đặc thù của hoạt động xây lắp, các khoản doanh thu đều hạch toán vào quý cuối năm nên công ty hoàn toàn có khả năng đạt kế hoạch đề ra, tức thu 3.990 tỷ đồng và lỗ xấp xỉ 113 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến Vinaincon đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức âm đến từ việc phải hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn, công ty con do đơn vị này sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.
Do đi vào hoạt động ngay thời điểm tiêu thụ khó khăn, tình hình tài chính của công ty con liên tiếp gặp khó khăn. Theo báo cáo tài chính mới công bố, khoản lỗ lũy kế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này lên đến 1.060 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay là “dừng lại” ở mức lỗ xấp xỉ 200 tỷ đồng.
Video: Chủ doanh nghiệp từng tặng xe ông Nguyễn Xuân Anh là ai?
Công ty này cũng liên quan đến khoản nợ dài hạn trị giá 1.729 tỷ đồng mà Vinaincon vay từ Bộ Tài chính theo hợp đồng ứng vốn trả nợ nước ngoài từ quỹ tích lũy và thanh toán tiền mua máy mọc và thiết bị cho dự án nhà máy xi măng. Đây là một phần trong những cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ đối với dự án này, bên cạnh các khoản vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, vay thương mại… lên đến 95% tổng mức đầu tư, tương đương 3.046 tỷ đồng.
Bộ Tài chính từng đánh giá doanh nghiệp này không còn khả năng trả nợ nên đề xuất 3 phương án là phá sản theo quy định, chuyển về đặt dưới sản quản lý của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) hoặc chuyển toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinaincon cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, do điều kiện thực tế không phù hợp nên đến nay các phương án này vẫn còn bỏ ngỏ.
Cuối năm 2016, Thủ tướng đã chấp thuận cho tái cơ cấu nợ vay dài hạn của Xi măng Quang Sơn. Theo đó, công ty được khoanh nợ đến hết năm nay và bắt đầu trả nợ từ năm 2018 đến năm 2032. Điều này góp phần vơi nhẹ gánh nặng cho công ty mẹ Vinaincon, khi thời điểm giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán đã cận kề.
Bình luận