• Zalo

Còn cơ hội cho thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sau đe dọa tăng thuế của ông Trump?

Thế giớiThứ Tư, 08/05/2019 11:21:00 +07:00Google News

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có tiếp tục leo thang hay không phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến trong vòng đàm phán tại Washington 2 ngày tới.

Không như lo ngại của giới quan sát, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 7/5 thông báo, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ vẫn thực hiện chuyến thăm Mỹ hai ngày để tham gia vòng đàm phán lần này. Theo kế hoạch, hôm nay (8/5) tại Washington, Mỹ, bắt đầu diễn ra vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau 5 tháng "ngừng bắn", cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bất ngờ có dấu hiệu bị phá vỡ sau khi Tổng thống Mỹ hôm 5/5 cảnh báo có thể sẽ áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD ở mức 25%, thay vì mức 10% như thời điểm hiện tại vào ngày 10/5 tới. 

Tuyên bố này khiến tất cả đều bất ngờ bởi không lâu trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn tỏ ra lạc quan khi cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đi tới 1 “thỏa thuận” trong 2 vòng đàm phán “quyết định” tại Bắc Kinh tuần trước và Wasnghington sắp tới.

Lý giải về lời đe dọa của Tổng thống, hôm 6/5, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng trong tuần vừa qua, Mỹ nhận thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết trong đàm phán trước đó và điều này sẽ làm thay đổi một cách căn bản thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất được 90% các điều khoản. Đây là điều Mỹ không thể chấp nhận. 

Theo một số nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc thay đổi cam kết của mình do nước này không muốn nhượng bộ quá nhiều và trở nên lép vé trên bàn đàm phán với Mỹ. Mỹ muốn Trung Quốc phải thay đổi các hành vi liên quan tới chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường, bãi bỏ trợ cấp công nghiệp và tăng mua hàng hóa Mỹ, nhưng điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới các chính sách kinh tế mà Bắc Kinh thực thi nhiều năm qua. 

trump

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Forbes)

Giới quan sát lo ngại Trung Quốc có thể sẽ đáp trả mạnh mẽ Mỹ, đặt dấu chấm hết cho các cuộc thương lượng bằng việc hủy bỏ vòng đàm phán ở Washington vào ngày 9-10/5 tới. Rất may, Bắc Kinh xác nhận phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu vẫn sẽ khởi hành đi Mỹ theo như lịch trình dự kiến. 

Đây được xem là bước nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh, cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới đang thực sự muốn tiến tới một thỏa thuận với Mỹ để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng 1 năm qua. 

Nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ chỉ hạ mình đến vậy. Họ khó có thể nhượng bộ thêm khi ngồi xuống bàn đàm phán sắp tới. Washington đang cho thấy tham vọng buộc Trung Quốc phải cải cách cơ bản các chính sách hiện nay cũng như cấu trúc nền kinh tế, nhưng đây có thể là lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh không muốn bị động vào. 

"Trung Quốc đang gần đến giới hạn cuối cùng của mình và nếu Tổng thống Mỹ đưa ra thêm nhiều yêu sách, Trung Quốc khó có thể chấp nhận", ông Trương Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải phân tích. 

Nhiều chuyên gia thậm chí còn đưa ra cái nhìn bi quan hơn khi cho rằng kể cả Phó Thủ tướng Trung Quốc tới Mỹ, cả 2 bên vẫn sẽ không thể tìm được tiếng nói chung bởi không ai muốn nhượng bộ thêm nữa. Kịch bản này nếu xảy ra có thể sẽ biến đe dọa của Tổng thống Trump thành sự thật, điều có thể thổi bùng lên cuộc chiến thương mại vốn đã có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể trong vài tháng qua. 

"Động thái của Tổng thống Trump tạo thêm bất ổn cho các cuộc đàm phán vốn đang trong giai đoạn nước rút giờ lại đối mặt với nguy cơ kéo dài có thể là tới sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020”, ông Michael Hirson, Giám đốc châu Á tại công ty tư vấn Eurasia Group nhận định.

Một số ý kiến lạc quan hơn khi cho rằng lời cảnh báo của Tổng thống Trump có thể chỉ là chiến thuật đàm phán của nhà lãnh đạo Mỹ, thúc ép Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ vào phút chót khi mà mọi thứ tưởng như đã đi tới thỏa thuận. 

“Chúng ta đã nhượng bộ trước đó, hoãn việc tăng thuế từ 10% lên 25%. Nhưng nhượng bộ đó sẽ không kéo dài mãi mãi nếu đàm phán không hiệu quả", Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho hay. 

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, nếu những gì Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 5/5 chỉ là "đòn gió" thì nó có thể sẽ phản tác dụng. 

"Như những gì đã thấy cách đây 1 năm, Bắc Kinh sẵn sàng rời đi nếu Washington áp dụng những chiến lược thương lượng họ không thích", chuyên gia Tai Hui tới từ quỹ JPMorgan Asset Management phân tích. 

Ngân hàng Goldman Sachs thì cho rằng tất cả các diễn biến tới đây sẽ phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc. Theo ngân hàng này, nếu Bắc Kinh nhượng bộ, Tổng thống Trump sẽ không tăng thuế nhưng khả năng đạt được thỏa thuận vào ngày 10/5 vẫn còn đang bỏ ngỏ. 

Trong khi đó, đại diện của công ty JPMorgan Chase, một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới nhận định, cảnh báo của Tổng thống Trump không phải chỉ là lời nói suông mà phản ánh sự tức giận của ông trước diễn biến chậm chạp của đàm phán Mỹ-Trung cũng như việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng ổn định trong quý I/2019 bất chấp xuất khẩu sang Mỹ giảm.

Vì vậy, trừ khi ông Trump "hạ hỏa" nhờ những nhượng bộ mà ông cảm thấy chấp nhận được từ Bắc Kinh vào 2 ngày tới, nếu không việc tăng thuế sẽ diễn ra, kéo theo những diễn biến không thể đoán định trong cuộc tranh chấp thương mại tưởng như đã có dấu hiệu "xuôi chiều mát mái" giữa 2 quốc gia. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn