"Tại sao con tôi học hết 4 năm "đại học mẫu giáo" mà vẫn không biết đọc, biết viết?". Bé học gì ở mầm non nhỉ?
Những bài học làm người đầu tiên
Qua các bài đồng dao, bài thơ, bài hát có tiết tấu vui tươi, ngộ nghĩnh, tình cảm, bé thích và nhớ nhanh. Ði học mẫu, bé có dịp làm quen với ngôn ngữ văn học, nghệ thuật.
Một số phụ huynh hỏi: "Tại sao con tôi học hết 4 năm "đại học mẫu giáo" mà vẫn không biết đọc, biết viết?". Xin thưa: Ngày ngày, bé đến trường mẫu giáo không phải để ngồi nghe cô giảng bài như học sinh phổ thông, mà là để vui chơi cùng các bạn, để tham gia các hoạt động khác nhau. Bé học làm người: Bé biết có cô Tiên hiền từ, ông Bụt luôn xuất hiện kịp thời giúp đỡ trẻ em ngoan; có mụ phù thuỷ hay con yêu tinh đáng ghét lúc nào cũng rình rập chờ đợi cơ hội làm điều ác. Qua chuyện kể, bé biết cái thiện và cái ác, tình cảm đạo đức và tình cảm thẩm mỹ.
Sức mạnh của giáo dục tập thể
Ở trường mầm non, bé còn học cách hoà đồng với các bạn, biết giữ yên lặng trong giờ ngủ trưa, biết cảm ơn, xin lỗi. Trước khi ăn, bé rửa tay sạch, biết giơ tay xin phát biểu. Chơi xong: tự cất đồ chơi lên kệ. Cô còn dạy cho bé tự phục vụ, tự xúc cơm ăn, uống nước xong úp cốc xuống. Cô nói gì là bé nghe ngay, không cần đánh, la vì xung quanh có bao nhiêu bạn cũng đang nghe lời cô, bé mà không nghe, các bạn cười. Sức mạnh giáo dục tập thể là vậy.
Bé đang loay hoay dưới đất nhào nặn cục đất, hoạt động nghệ thuật đấy. Với trẻ ở lứa tuổi mầm non, hoạt động nghệ thuật đồng nghĩa với sự thể nghiệm cảm giác: đất sét dẻo bao nhiêu thì nặn được, vòng cổ tay cầm bút sao cho khéo để ra hình tròn... Thông qua tạo hình, trẻ em học lập kế hoạch hành động: quyết định sẽ làm gì, dùng vật liệu nào, sắp xếp các chi tiết ra sao... Lúc vào lớp một, bé đã có các kiến thức cơ bản, bé háo hức học hỏi, ham tìm tòi, và điều quan trọng nhất là bé tự tin, biết lắng nghe cô và làm theo, biết tập trung chú ý. Bấy nhiêu thôi là cha mẹ có thể yên tâm cho bé vào lớp một.
Một số bé được học trước chương trình lớp một, khi bước vào trường phổ thông trong những tháng đầu có thể hơn bạn mình ở chỗ biết một số chữ, một số con tính, nhưng do không được chuẩn bị trước về mặt tâm lý và thể chất nên mau chóng tụt hậu sau các bạn. Trẻ có thể sinh ra chủ quan khi phải học lại cái đã biết, nên chểnh mảng, chán học. Tệ hại hơn là thói quen học sai phương pháp đã cản trở việc tiếp thu điều cô dạy, để lại những thói quen xấu trong hoạt động trí tuệ của các bé. Sửa sai, phá bỏ một thói quen bao giờ cũng khó hơn hình thành thói quen mới.
Cha mẹ có thể làm gì hỗ trợ cô giáo dục con cái?
Giữ nếp sinh hoạt như ở trường mầm non: cho con ăn, ngủ đúng giờ, vệ sinh cá nhân tốt. Không làm hộ trẻ, để trẻ lớn lên là những người tự lập, tự tin, sáng tạo, yêu lao động. Thường xuyên trò chuyện với con bạn: hỏi con đi học có vui không, nghe con hát, đọc thơ, kể chuyện (khuyến khích con nói năng mạch lạc, mạnh dạn, làm cho con thêm mến thầy, yêu bạn...) Tranh thủ lúc đưa đón con để trao đổi với cô về sinh hoạt trong ngày của con bạn, cùng cô tạo mọi điều kiện phát triển trẻ em.
Theo Mangthai
Bình luận