Ông ta tên là Alexander Kockerbeck. Người ta biết ông sống tại Francfort, nắm rõ mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất về các bí ẩn của ngân sách nước Pháp.
Là nhà phân tích được công ty đánh giá Moody's phân công nghiên cứu về nước Pháp, Kockerbeck và vài đồng nghiệp đã ký một báo cáo dài 20 trang cho biết rằng, từ nay đến tháng 2/2012 họ sẽ đặc biệt chú tâm đến vấn đề nước Pháp, xem xét sự tăng trưởng và vấn đề tài chính công cũng như những tranh cãi chính trị. Rồi sau đó họ sẽ quyết định xem nước Pháp có xứng đáng với hạng AAA không hoặc sẽ nối gót theo Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp.
Kockerbeck là cơn ác mộng của Tổng thống Nicolas Sarkozy từ vài tuần qua. Ông mong muốn vào tháng 5/2012 sẽ đứng trước dân chúng Pháp như là ứng viên duy nhất đáng tin cậy để đối mặt với cơn khủng hoảng, người duy nhất có khả năng giữ hạng cho nước Pháp và giúp nước này duy trì nợ công với lãi suất thấp.
Nhưng chỉ cần một cuộc khảo sát của Công ty Moody's vào tháng 2, lúc đó tất cả sẽ đi tong. Đó là một thảm họa nghiêm trọng không chỉ cho riêng Tổng thống Sarkozy mà cho cả nước Pháp: nước này đang vay với lãi suất rất thấp (khoảng 3% trong 10 năm) nhờ vị trí đứng đầu trong số các quốc gia vững mạnh về tài chính. Nếu bị tụt hạng, sẽ có ngay lập tức hình thức chế tài: lãi suất sẽ tăng vọt. Số liệu đã được tính toán: các nhà kinh tế của Hãng Natixis ước tính rằng chỉ cần tăng 1 điểm, lãi suất sẽ tương đương với 15 tỉ euro trong 7 năm. Công ty Moody's
Đối với dân chúng Pháp, Tổng thống Nicolas Sarkozy luôn tỏ ra nhập nhằng. Vào buổi đầu cuộc khủng hoảng, Tổng thống đã cảnh cáo Thủ tướng François Fillon vì đã dám tuyên bố rằng "chính phủ hiện nay đứng đầu một nhà nước đang phá sản". Tổng thống giải thích rằng, cần phải "nói lên sự thật với dân chúng", nhưng lại không bao giờ nói lên từ "khắc khổ" hay "thắt lưng buộc bụng" trong mỗi lần xuất hiện trước công chúng.
Các biện pháp khẩn cấp được áp dụng vào mùa hè 2011 (thuế trên các loại nước có gaz, thuế về giá trị thặng dư địa ốc…) nhằm duy trì thu nhập từ thuế và đảm bảo các cam kết về mức thâm hụt ngân sách đã mang lại 1 tỉ euro trong năm 2011 và dự đoán là 11 tỉ trong năm 2012.
Thật ra đó chỉ là hạt muối bỏ biển so với thâm hụt ngân sách hàng năm vượt hơn 80 tỉ euro. Đây là một con số nhỏ trong khi lần đầu tiên trong lịch sử, gánh nặng nợ công khoảng 50 tỉ euro sẽ là khoản chi tiêu lớn nhất của quốc gia vào năm 2012, hơn cả ngân sách giáo dục hay quốc phòng. Hơn thế nữa, Chính phủ Pháp cam kết sẽ giảm thâm hụt công xuống 5,7% PIB trong năm nay, 4,5% vào năm tới và 3% vào năm 2013 trong khi đất nước đang chịu suy thoái.
Paris không còn trong tư thế quản trò tại châu Âu. Trước tiên bởi vì Ngân hàng Trung ương châu Âu không chấp nhận bị bội tín trong các hợp đồng nữa. Kế đến vì Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Tổng giám đốc điều hành Christine Lagarde chỉ nghe theo người Mỹ trước tiên.
Sau đó vì đối với người Đức, trò chơi đã trở nên rối ren.
Cách đây vài tuần, nước Pháp trông cậy vào Bộ trưởng Kinh tế Đức Wolfgang Schauble, người thích nước Pháp và khá cởi mở đối với những đề nghị của Pháp liên quan đến cuộc khủng hoảng, để thuyết phục bà Thủ tướng Angela Merkel. Giờ đây Thủ tướng và Bộ trưởng đang xung khắc nhau. Thế là “đội đặc nhiệm” do Tổng thống Nicolas Sarkozy lập ra để giải quyết khủng hoảng phải nghiên cứu mọi chi tiết nhạy cảm trong chính trường Đức để có thể hoàn chỉnh luận cứ của họ.
Trong khi đó tại sảnh của khách sạn Amigo vào ngày 22/10, Thủ tướng Angela Merkel cùng 5 cố vấn gọi rượu vang trắng. Chánh văn phòng Tổng thống Xavier Musca, cố vấn kinh tế của ông Nicolas Sarkozy, đến trao đổi vài câu với phái đoàn Đức. Nhưng tất cả đều hy vọng rằng đến tháng 2, Alexander Kockerbeck sẽ không làm báo cáo nêu ý kiến phải đánh tụt hạng Pháp.
Minh Luân/ An ninh thế giới
Bình luận