• Zalo

Con 5,6 tuổi đã dậy thì, cha mẹ không hề biết thủ phạm trong chính phòng bếp

Tin tứcThứ Tư, 06/07/2022 07:15:08 +07:00Google News

Các chuyên gia cảnh báo thói quen dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý.

Tại hội thảo về Dậy thì sớm do Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tổ chức, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, thống kê giai đoạn tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).

Con 5,6 tuổi đã dậy thì, cha mẹ không hề biết thủ phạm trong chính phòng bếp - 1

Trẻ dậy thì sớm có thể hạn chế phát triển chiều cao, rối loạn tâm lý. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Hằng, tỷ lệ dậy thì sớm dao động 1/10.000-1/5.000, dậy thì sớm ở nữ thường cao hơn nam. Các báo cáo gần đây tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy, tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ đang tăng lên rõ rệt. Nhiều trẻ tới khám có biểu hiện dậy thì sớm khi mới 5, 6 tuổi.

ThS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường trước 8 tuổi ở bé gái (có kinh nguyệt trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai.

Trẻ dậy thì sớm có thể hạn chế phát triển chiều cao, rối loạn tâm lý. Nhiều nghiên cứu cũng cho biết trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục và mãn kinh sớm do dậy thì sớm.

Thạc sĩ Quỳnh cho biết nguyên nhân gây dậy thì sớm đã được chỉ ra do các bệnh lý và các yếu tố tới từ đời sống hàng ngày. Đó là các chất gây rối loạn nhân tạo như thuốc hóa chất bảo vệ thực vật, chất trong các sản phẩm nhựa BPA, phthalate.

Nếu trẻ vô tình uống sữa bình nhựa có chứa BPA, chất này vào cơ thể sẽ tăng gây dậy thì sớm.

Chất phthalates nằm trong các sản phẩm đồ nhựa. Hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh dục nam, tăng béo phì ở trẻ em và góp phần gây bệnh tim mạch.

Thạc sĩ Quỳnh cho biết hiện các gia đình sử dụng đồ nhựa khá phổ biến vì tính tiện dụng của nó. Để phòng dậy thì sớm cho con, khi cha mẹ cho trẻ sử dụng đồ nhựa như các đồ cắn núm của trẻ nhỏ, hộp đựng đồ ăn xem có thành phần chất này hay không. 

Ngoài ra, phthalates cũng có ở mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm. Trước khi dùng cho trẻ cha mẹ nên xem sản phẩm có thành phần này hay không.

Trước đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles (Mỹ) cho biết đã theo dõi một nhóm phụ nữ mang thai và con của họ suốt 13 năm. Họ đo nồng độ ba nhóm hóa chất gồm phthalates (hay dùng cho nước hoa), paraben (chất bảo quản mỹ phẩm) và phenol (nguyên liệu xà phòng) trong nước tiểu. 

Kết quả, phụ nữ có nhiều phthalate hoặc phenol trong nước tiểu dễ sinh ra con dậy thì sớm. Trẻ gái có nồng độ paraben trong nước tiểu cao cũng phát triển nhanh hơn bạn đồng lứa.

Ngoài ra, các chất tự nhiên gây rối loạn nội tiết như progesteron có trong sữa đậu nành có thể gây dậy thì sớm nhưng hàm lượng bao nhiêu gây dậy thì sớm thì chưa có khuyến cáo nhưng để phòng dậy thì sớm cho trẻ, BS Quỳnh khuyến cáo không nên uống sữa đậu nành hàng ngày, thi thoảng mới uống.

Ngoài ra, bác sĩ Quỳnh cũng cho biết trẻ béo phì nguy cơ dậy thì sớm rất lớn. Đây là nguyên nhân được chứng minh rõ ràng. Khi trẻ béo mô mỡ tiết ra leptin làm cho trục hạ đồi tuyến yên, tuyến sinh dục tiết ra sớm kích thích gây dậy thì sớm.

Vì vậy, bạn nên phòng trẻ béo phì thừa cân từ sớm. Hạn chế trẻ ăn thức ăn nhanh, đồ ăn thừa năng lượng, cho trẻ luyện tập thể thao phù hợp. Con dậy thì sớm hay không chính là cách nuôi con làm sao để bé không bị béo phì.

Theo thạc sĩ Quỳnh, đa phần trẻ dậy thì sớm ở bệnh viện Nhi đồng 2, béo phì chiếm hơn 50% nên cha mẹ đừng để con béo phì.

PGS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng cho biết ở Việt Nam hiện nay, các sản phầm đồ nhựa vẫn chưa được kiểm định chặt chẽ, tốt hay xấu, an toàn hay không đều tùy thuộc nhà sản xuất.

Trên các đồ dùng bằng nhựa cũng chưa ghi rõ thành phần và những khuyến cáo khi sử dụng. Chẳng hạn, các hộp (dùng để đựng cơm hộp) hiện nay chủ yếu được sản xuất từ nhựa kém chất lượng.

Chúng có thể dùng để đựng thức ăn nhưng phải là đồ nguội, chứ không phải cơm nóng, canh nóng như chúng ta vẫn đang dùng…

Vì việc sản xuất các đồ nhựa đựng  thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, có các chỉ số cảnh báo rõ ràng cho người sử dụng.

(Nguồn: Infonet)
Bình luận
vtcnews.vn