Chị Thuỳ Linh (Quận Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị đang có kế hoạch "săn" tour du lịch giá rẻ nhưng thấy có nhiều thông tin xung quanh các vụ lừa đảo liên quan đến những gói combo khuyến mại nên vẫn còn nghi ngại.
"Tôi nghe tin gần đây nhiều người bị lừa đặt combo du lịch giá rẻ, tiền chuyển trước mà đến ngày đi công ty biến mất hoặc chất lượng tour kém nên cũng khá nghi ngại. Làm thế nào để phòng tránh những tình trạng này?", chị Thuỳ Linh nói.
Hiện đang là mùa cao điểm du lịch trong năm. Sau đợt COVID-19 bị hạn chế, người dân càng muốn đi nghỉ dưỡng hơn. Các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ cũng nhanh chóng tung hàng loạt khuyến mại để kích cầu du lịch nội địa, sau những thiệt hại nặng nề bởi đại dịch. Do vậy, để tìm tour du lịch giá rẻ thời điểm này không khó.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những đơn vị làm ăn chân chính thì không ít công ty "ma" lợi dụng chính sách kích cầu này để bẫy người tiêu dùng, đánh vào tâm lý thích giá rẻ của phần đông khách hàng.
Những quảng cáo giá rẻ chỉ từ 50-70% so với thông thường hoặc combo giá chỉ từ 2 đến 4 triệu đồng đã bao gồm vé máy bay và khách sạn 4-5 sao... luôn khiến khách hàng bị thu hút. Kết quả, không ít người bị "sập bẫy" nếu không tìm hiểu cẩn trọng. Nhẹ thì phải sử dụng những tour du lịch kém chất lượng, còn nặng hơn thì tiền mất tật oan, mà điển hình là vụ phòng vé Anh Anh ở Hà Nội bán combo du lịch nghỉ dưỡng với giá rẻ bất ngờ, sau đó người chủ ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn.
Được biết, với thông tin quảng cáo combo du lịch giá rẻ bất ngờ, phòng vé Anh Anh đã thu hút được hàng trăm cộng tác viên và đã thu tiền của nhiều khách hàng. Số tiền chủ phòng vé Anh Anh đã thu của khách hàng vào khoảng 10 tỷ đồng. Để tạo niềm tin cho những cộng tác viên bán combo du lịch giá rẻ, Phòng vé Anh Anh đã tổ chức cho nhiều đoàn khách đi du lịch với giá rất rẻ, tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên fanpage Facebook có tên "Phòng vé Anh Anh".
Để tránh sập bẫy những công ty lừa đảo như Anh Anh, lời khuyên của các đơn vị lữ hành là mọi người nên thận trọng khi tham khảo ý kiến đánh giá từ cộng đồng du lịch qua các page, hoặc những người đã lựa chọn dịch vụ. Ngay khi có luồng thông tin hai chiều, khách hàng cần kiểm tra lại kỹ càng hơn. Sau đó nhờ tư vấn, báo giá và sau cùng chọn đơn vị tổ chức tour phù hợp.
Nếu là voucher du lịch thì bạn hãy tìm đến những công ty du lịch uy tín có đầy đủ thông tin minh bạch trên các website hay những trang thương mại điện tử chuyên bán voucher.
Với combo giá rẻ, hầu hết những vụ lừa đảo không chỉ do người bán dùng thủ đoạn tinh vi, đánh trúng tâm lý ham rẻ của khách hàng, mà còn do người mua chủ quan không tìm hiểu thông tin về đại lý/cá nhân bán những combo giá rẻ đó có đáng tin cậy không. Các công ty lữ hành lớn và uy tín thường có các chi nhánh/đại lý ủy quyền, khách hàng có thể mua combo qua các kênh này.
Tuy nhiên, để an toàn nhất thì lời khuyên chung của các chuyên gia dành cho khách hàng là không nên tham giá rẻ bất thường, hãy tìm mua dịch vụ của các công ty uy tín, những thương hiệu đã khẳng định trên thị trường mà mình biết rõ.
Trong công văn mới đây gửi sở quản lý du lịch các địa phương, Tổng cục Du lịch đánh giá chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đã xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết với khách hàng. Thậm chí, cơ sở lưu trú không đảm bảo đúng chất lượng dịch vụ như hạng sao được công nhận.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp còn thu hút khách hàng thông qua giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách.
Do đó, Tổng cục Du lịch đề nghị sở quản lý du lịch các địa phương rà soát hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành nhằm xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, hoặc cung cấp các dịch vụ kém chất lượng.
Bình luận