• Zalo

Coi thường tính mạng, nhập thiết bị y tế ‘rác’

Sức khỏeThứ Năm, 16/01/2014 09:27:00 +07:00Google News

(VTC News) – 2 công ty này coi thường tính mạng người bệnh, nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng.

(VTC News) – Bộ Y tế vừa có báo cáo khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về sai phạm của 2 công ty nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng.


Coi thường tính mạng


Mới đây, cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan này đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án liên quan tới 2 lô hàng nhập thiết bị y tế cũ mà cơ quan này phát hiện và bắt giữ mới đây.

Thiết bị y tế 'rác' đội lốt hàng mới 100%.
Sau khi vụ án được khởi tố, sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra mở rộng. 
Hai vụ bắt giữ liên tiếp liên quan tới 2 lô hàng được xác định là các thiết bị y tế cũ nhưng công ty đã khai là hàng mới 100%.

Vụ bắt giữ gần nhất là vào ngày 3/1/2014. Sau quá trình thu thập thông tin tình báo và trinh sát, đội kiểm soát hải quan khu vực miền Bắc (Tổng cục Hải quan) đã bắt giữ lô thiết bị y tế cũ tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) do Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A Việt Nam nhập khẩu.

Theo khai báo tại cơ quan hải quan, số hàng nhập về là máy sinh hóa tự động, nhãn hiệu Hitachi 917, chất lượng mới 100%, có xuất xứ từ Nhật Bản, được Công ty A.N.N.A Việt Nam mua từ Công ty FAMECO (Pháp).

Tuy nhiên, qua kiểm tra và giám định, chiếc máy đã qua sử dụng và thực tế công ty ở Nhật Bản đã ngừng sản xuất dòng máy này từ năm 2005 – 2006.

Trước đó không lâu, ngày 16/12/2013, cơ quan này cũng bắt giữ nhiều lô thiết bị y tế cũ của Công ty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (trụ sở tại số 19, ngõ 218/2 Trần Duy Hưng, Hà Nội).

Thủ đoạn cũng tương tự, doanh nghiệp nhập khẩu khai báo lô hàng gồm 2 máy xét nghiệm sinh hóa tự động (hiệu Hitachi 911, mới 100%, hãng sản xuất là DIAMOND, Mỹ) nhưng khi kiểm tra thực tế, Hải quan phát hiện công ty này nhập về nhiều loại máy móc hoàn toàn khác với khai báo gồm: máy scan phim, máy nội soi, X-quang, các linh kiện máy in, màn hình…

Tiến hành giám định cho thấy các thiết bị có tình trạng bị trầy xước, bụi bẩn bám dày, có biểu hiện oxy hóa, là hàng đã qua sử dụng.

Do đó, toàn bộ lô hàng của 2 công ty trên đều thuộc diện bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Đáng nói, 2 dòng máy hiệu Hitachi 917 và 911 được sản xuất cách đây khoảng 15 năm, hiện không được sản xuất ở Nhật Bản. Còn các công ty như DIAMOND, FAMECO, M-Cat… chỉ chuyên thu gom máy cũ, sửa chữa lại, làm mới bên ngoài, không hề sản xuất máy mới.

Với chất lượng máy như vậy, liệu các kết quả xét nghiệm cũng kết quả chẩn  đoán có bị lệch lạc. Phải chăng, vì lợi nhuận mà các công ty này đã coi thường tính mạng người  dân?

Bộ Y tế đề xuất gì?


Về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Y  tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo: “Sau khi nhận được thông tin về vụ việc nêu trên, Bộ Y tế đã rà soát lại hồ sơ liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu  thiết bị y tế (TTBYT) nói chung và cho Công ty TNHH kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân và Công ty TNHH thương mại và kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A.

Qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Bộ Y tế, bước đầu có thể thấy quy trình, thủ tục cấp phép nhập khẩu cho hai công ty trên đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật với nội dung giấy phép nhập khẩu TTBYT cấp cho doanh nhiệp nhập khẩu là thiết bị mới 100%, sản xuất năm 2012 theo hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp.

Như vậy, việc hai công ty nêu trên mở tờ khai hải quan xin nhập khẩu thiết bị mới 100%, nhưng thực tế lại nhập thiết bị đã qua sử dụng là hành vi gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi và có tính chất nghiêm trọng do sẽ ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân”.

Bà Tiến
cho biết đã khẩn trương làm việc với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an (A83) cũng như các cơ quan thông tin đại chúng để giải trình làm rõ. Đồng thời, Bộ này cung cấp các thông tin để tránh sự hiểu lầm không đúng về nội dung cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác nhau có thẩm quyền liên quan đến công tác quản lý xuất, nhập khẩu TTBYT.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế và đề nghị phối hợp với Bộ Y tế để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm.

Bộ này cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.


» Sức tàn phá ghê rợn của ma túy đá
» Xem rượu bia tàn phá cơ thể con người
» Cùng ăn những thực phẩm này, bạn sẽ 'gặp họa'


Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn