Khó phát hiện sớm dị tật
Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em mắc hội chứng đầu nhỏ không chỉ chậm phát triển trí tuệ mà còn vận động khó khăn, co giật, khó ăn uống…
Khi người mẹ bị mắc virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ trẻ mắc dị tật này là từ 1-10%. Tại Brazil (châu Mỹ) - nước có dịch bệnh do virus Zika đứng đầu thế giới đã có hơn 1,5 triệu ca mắc và gần 4.000 trẻ mắc bệnh đầu nhỏ bị nghi ngờ có liên quan đến việc mẹ bị nhiễm virus Zika.
Hiện, Bộ Y tế đang miễn phí cho các ca xét nghiệm máu “tìm” virus Zika. Tuy nhiên, chỉ những ca do bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh và chỉ định xét nghiệm mới được miễn phí”.
TS Phu cho biết, thai nhi bị dị tật do virus Rubella (khi mẹ mắc Rubella) có thể phát hiện ở những tuần đầu của thai kỳ bằng phương pháp siêu âm. Khi đó, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nên giữ hay đình chỉ thai nghén đối với thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, đối với dị tật đầu nhỏ chỉ có thể phát hiện ở tháng cuối thai kỳ, khi thai đã quá lớn. “Do đó, việc phòng ngừa, dự phòng virus Zika cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ hoặc phụ nữ đang dự định có thai là rất quan trọng” – TS Phu cho biết.
TS Phu phân tích, hiện Việt Nam mới phát hiện 9 ca mắc virus Zika (TP.HCM 5 trường hợp; các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi 1 bệnh nhân). Bệnh lại có triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều người chưa thấy được tầm quan trọng trong việc phòng ngừa virus Zika. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh bùng phát, nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh, hàng chục trẻ bị bệnh đầu nhỏ sẽ là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với virus Zika, tuy nhiên không loại trừ còn nhiều ca bệnh chưa phát hiện. “Bệnh do virus Zika có biểu hiện rất nhẹ (sốt, phát ban, mệt mỏi, đau khớp, đỏ mắt) do đó rất dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Thậm chí, nhiều người còn không có biểu hiện bệnh. Bệnh cũng không nặng như sốt xuất huyết mà hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi, người bệnh không đến cơ sở y tế khám nên không phát hiện được” - TS Phu cho biết.
TS Phu đánh giá, hiện nay bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika phát triển mạnh. Do đó, nguy cơ cả hai dịch bệnh này bùng phát là rất lớn.
Không nên hoang mang
TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, ngoài virus Zika, nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh còn có thể do nhiễm trùng, do ký sinh trùng, Rubella, di truyền - tổn thương gen, nhiễm sắc thể và nhiễm độc- chiếu xạ, một số hóa chất.
TS Phu khuyến cáo, các bà mẹ mang thai từ 3 tháng trở xuống hoặc chuẩn bị mang thai phải đề phòng muỗi đốt, không đi đến vùng có dịch. Khi có thai mà có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lại đi qua vùng có dịch hoặc gần gũi người mắc bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn.
Lo sợ về virus Zika, chị Nguyễn Thị M (Cầu Giấy, Hà Nội) mang thai được 5 tuần lúc nào cũng đi tất dày, ban ngày nếu ở nhà thì chị lên giường ở lỳ trong màn vì sợ bị muỗi đốt, lây nhiễm virus Zika. Còn lúc đến cơ quan thì không chỉ toàn thân bôi thuốc chống muỗi mà bên cạnh lúc nào cũng lăm lăm bình xịt muỗi.
Tuần trước, chị bị đau bụng, đi khám, các bác sĩ cho biết chị bị động thai do căng thẳng, khẩn trương quá mức. Không những vậy, chị còn nằng nặc đòi xét nghiệm máu xem mình có nhiễm Zika hay không. “Chẳng nhẽ tôi xin nghỉ ngồi trong màn luôn. Tôi luôn nghe thấy tiếng muỗi vo ve bên tai” - chị M lo lắng.
TS Phu khuyến cáo, người dân không nên quá sợ hãi, hoang mang về virus Zika, tuy nhiên luôn phải nâng cao cảnh giác. Phụ nữ có thai cũng không nên lo hoảng khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng.
“Chỉ những phụ nữ mang thai từ 3 tháng trở xuống mà đi từ vùng có dịch về hoặc tiếp cận với người mắc bệnh mới nên đi khám để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, cũng cần đề phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, không đi vào những vùng có nhiều muỗi, bôi thuốc chống muỗi đốt. Đồng thời thực hiện các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng ở trong nhà và sân vườn xung quanh” – TS Phu nhận định.
TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng cho biết, ngoài virus Zika, nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh còn có thể do nhiễm trùng, do ký sinh trùng, Rubella, di truyền - tổn thương gen, nhiễm sắc thể và nhiễm độc- chiếu xạ, một số hóa chất. Tuy nhiên các ca bệnh này rất ít gặp trong chẩn đoán trước sinh.
TS Cường khuyến cáo, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mà nghi ngờ mắc virus Zika nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Theo TS Cường, phát hiện thai nhi bị dị tật trước 22 tuần tuổi có thể đình chỉ thai nghén, còn nếu trên 32 tuần tuổi thì khá khó khăn.
Bình luận