• Zalo

Coi bỏ phiếu tín nhiệm như ‘thượng phương bảo kiếm'

Thời sựThứ Ba, 05/06/2012 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Theo ĐB Phùng Văn Hùng: "coi bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh QH bầu hoặc phê chuẩn như "thượng phương bảo kiếm", rút khi nào cần thiết".

(VTC News) – Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ĐB Phùng Văn Hùng cho rằng: “Chúng ta phải coi đây như "thượng phương bảo kiếm" của Quốc hội, chúng ta rút khi nào cần thiết”.

Nên bỏ phiếu tín nhiệm “từ Bộ trưởng trở lên”

Thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày 4/6, trong đó có vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong Đề án, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) thẳng thắn bày tỏ không đồng ý quan điểm tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm.

ĐBQH Phùng Văn Hùng (Ảnh: TNO) 
Theo ĐB Hùng, “phải coi đây như "thượng phương bảo kiếm" của Quốc hội, chúng ta rút khi nào cần thiết. Mặc dù chúng ta đã có "thượng phương bảo kiếm" nhưng nhiều người so sánh rằng ở trong bao Quốc hội chưa bao giờ rút thì lần này Quốc hội đã quyết tâm để thực hiện sử dụng "thượng phương bảo kiếm" của mình”.

ĐB Phùng Văn Hùng đề nghị chỉ bỏ phiếu khi cần thiết và tại mỗi kỳ họp sẽ xin ý kiến ĐBQH đối tượng nào cần được bỏ phiếu.

ĐB Hùng cũng ủng hộ quan điểm nên bỏ phiếu từ Bộ trưởng trở lên vì Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức với mỗi cơ quan, chúng ta không nên tổ chức bỏ phiếu tất cả các đối tượng được Quốc hội phê chuẩn hoặc bầu.

Đồng tình, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhìn nhận, việc lấy ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm Quốc hội bầu, phê chuẩn thì số lượng quá đông, do vậy, “trước mắt thực hiện ở các vị có chức hàm, chức vụ phó chủ nhiệm trở lên, là thành viên Chính phủ”.

ĐB Hoàng gợi ý, bước đầu có thể chọn lọc để lấy phiếu tín nhiệm ngay là những vấn đề xã hội đang bức xúc hay cán bộ có những sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng và xã hội, dư luận đang đặt ra. Theo đó, làm trước việc này xem như bước đi để khi thấy đủ độ vững chắc thì thực hiện theo bước rộng rãi.

Cũng đưa ý kiến về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh, “nếu người đứng đầu mà không chuẩn thì rất khó, nên lấy tín nhiệm hàng năm, chỉ lấy một lần và lấy chức danh từ Bộ trưởng trở lên, những vị trí nhạy bén liên quan đến rất nhiều công việc của đất nước”.

ĐB An đề nghị, “chủ trương có rồi, Quốc hội có, Nghị quyết 4 có, bây giờ ta phải làm thế nào cho nó không hình thức, dân đang chờ, dân đang ngóng từng ngày, công tác cán bộ nếu không làm được tốt và không giải quyết tốt thì sẽ rất khó làm được những vấn đề khác có hiệu quả hơn, sẽ ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của dân”.

Nhìn nhận ở góc độ khác về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm trong Đề án, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, chỉ đề cập bỏ phiếu tín nhiệm là chưa phù hợp, như vậy gắn tín nhiệm với vi phạm vào một. “Tôi đề nghị có hai loại hình bỏ phiếu, một là lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, hai là bỏ phiếu tín nhiệm đối với trường hợp có vấn đề, có vi phạm” – ĐB Út nói.

Còn ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lo ngại, nếu không tổ chức tốt thì quanh năm chỉ lo chuyện tín nhiệm mà không ai dám làm gì cả. Theo đó, phải thận trọng và phải lựa chọn, không phải cứ chức danh nào Quốc hội bầu thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. “Có thể chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, có những trường hợp vi phạm thì chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm, chuyện đó là bình thường”.

Về nội dung này, tại kỳ họp thứ tư sắp tới, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét Quy chế thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, khi đó sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cụ thể.

Chất vấn “không cho” chuẩn bị trước

Thảo luận về nội dung khác trong Đề án, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) góp ý, việc giải quyết của hậu chất vấn làm chưa tốt, giải quyết của hậu giám sát làm chưa tốt, chính vì vậy, có nhiều kiến nghị chưa được giải quyết kịp thời, nên cử tri có ý kiến về việc có kiến nghị rồi, Quốc hội giám sát rồi nhưng không được tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đó.

ĐBQH Bùi Thị An (Ảnh: TTXVN) 
“Tôi thấy cần phải có những quy định trong đề án rõ hơn, quy trình rõ hơn, trách nhiệm rõ hơn về giải quyết hậu giám sát và hậu kiến nghị” – ĐB Sinh đề nghị.

Cũng liên quan đến chất vấn, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lên tiếng, nên tăng cường cho chất vấn trực tiếp và cho đối thoại trao đổi 2 bên, không nên chuẩn bị trước, không nên các Bộ trưởng cứ chuẩn bị sẵn bài đọc, có thể ĐBQH sẽ chất vấn trực tiếp trong quá trình Bộ trưởng xuất hiện vấn đề mới lại chất vấn tiếp.

“Tôi tin các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí tư lệnh ngành có đủ năng lực và những số liệu để trả lời ĐBQH, cứ chuẩn bị trước nhiều khi không hiệu quả” – ĐB An nói.

ĐB này cũng đề nghị sau mỗi kỳ chất vấn có biên bản hoặc nghị quyết để ra vấn đề về chất vấn, đến đầu kỳ họp tới đề nghị trả lời làm được đến đâu? còn vấn đề gì tồn tại?

Thảo luận về nội dung quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn, “Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng nhất là thực sự có quyết định ngân sách hay không?”. Một số ý kiến cho rằng, quy trình quyết định ngân sách nhà nước hiện nay không hợp lý, mang nặng tính hình thức, Quốc hội chủ yếu hợp thức hóa đề nghị về dự toán ngân sách nhà nước của Chính phủ…

Nội dung này, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, sẽ tiếp thu để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm để Quốc hội thực hiện tốt hơn việc quyết định ngân sách nhà nước và các dự án, công trình quan trọng Quốc gia, để các cơ quan của Quốc hội thực hiện tốt hoạt động thẩm tra và giám sát ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn