Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng trong các cuộc đối thoại tại Việt Nam và Philippines, có quan ngại nào về quá trình chuyển giao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ "có vẻ ồn ào" hay không, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'brien cho biết không có quan ngại nào như vậy.
Theo ông O'brien, những gì ông nghe trong các cuộc đối thoại tại các nước châu Á là "họ hiểu ông Donald J. Trump sẽ là Tổng thống Mỹ cho đến ngày 20/1 (ngày nhậm chức của tân Tổng thống) và cho đến trưa hôm đó, họ sẽ tiếp tục làm việc với ông Trump với tư cách là Tổng thống Mỹ. Đó cũng là điều nên làm và là truyền thống của chúng tôi. Đó là luật của chúng tôi".
Cố vấn an ninh Mỹ cho biết thêm: "Sẽ có sự chuyển giao nếu các tòa án không đưa ra phán quyết có lợi cho Tổng thống Trump, và đó sẽ là một quá trình chuyển giao chuyên nghiệp. Nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa hết các biện pháp pháp lý. Chúng tôi là quốc gia dựa trên pháp quyền và Tổng thống đã đưa vụ việc của mình ra tòa vì ông ấy có quyền làm như vậy, với tư cách một công dân Mỹ, và vì vậy những vụ việc đó sẽ được giải quyết. Khi chúng đã được giải quyết và tòa án đưa ra phán quyết, chúng tôi sẽ đi tiếp".
Theo ông O'brien, các đối tác nước ngoài "rất ấn tượng với số người Mỹ đi bỏ phiếu". Họ đã quen thuộc với việc một số quá trình chuyển giao có thể bắt đầu sớm hoặc muộn và không có quan ngại gì. "Tôi nghĩ rằng họ rất ấn tượng trước nền dân chủ Mỹ".
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố đắc cử Tổng thống Mỹ sau khi được các hãng truyền thông lớn gọi tên. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chưa chấp nhận kết quả này. Chiến dịch tranh cử của ông Trump và một số bộ phận quan chức Đảng Cộng hòa đang thực hiện các biện pháp khác nhau bao gồm pháp lý để lật lại kết quả kiểm phiếu ở một số bang quan trọng, đi kèm với các cáo buộc Đảng Dân chủ gian lận phiếu bầu.
Các nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump đến nay chưa tạo được kết quả đáng kể. Dự kiến, các tiểu bang Mỹ sẽ phải công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng trước ngày 8/12.
Bình luận