• Zalo

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cây thuốc lá thơm và 2.000 USD

Kinh tếChủ Nhật, 18/03/2018 08:28:00 +07:00Google News

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từ 1998 đến 2003, nhìn nhận ông Khải là người hết lòng vì nước vì dân, nghiêm khắc với nạn chạy chức chạy quyền.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần tại TP.Hồ Chí Minh ngày 17/3/2018, hưởng thọ 85 tuổi, khiến nhiều người tiếc thương.

A

 Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3/2018 tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Reuters)

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao, đã ghi lại dấu ấn đậm nét ở chặng đường đầu của công cuộc đổi mới. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.

Một lòng vì dân, một đời vì nước

Là người có thời gian làm việc lâu năm với ông Phan Văn Khải trong vai trò Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, ông Trần Đức Nguyên đánh giá cố Thủ tướng là người “không ham mê quyền lực” và “lúc nào trong đầu óc cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân”.

“Lúc nào trong đầu óc ông ấy cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân. Ngay cả khi đi nước ngoài, ông ấy luôn tìm hiểu người ta làm ra làm sao để học hỏi, tìm cách áp dụng vào nước mình”, ông Nguyên nói.

Với cái tâm như vậy ông Phan Văn Khải có thái độ ham học hỏi rất đáng kinh ngạc. Không chỉ học từ bạn bè quốc tế, học người tiền nhiệm mà trong rất nhiều quyết sách, ông Khải đã luôn luôn lắng nghe tư vấn của giới chuyên gia rồi mới quyết định áp dụng hay dừng.

“Ông Khải được học nhiều nhưng cách hiểu về tài chính tiền tệ, kinh tế thị trường, ông thừa nhận mình yếu, không phải thế mạnh, bởi ông được học kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong khi kinh tế thị trường là của tư bản. Chính vì vậy, ông sử dụng và lắng nghe các chuyên gia. Lắng nghe anh em tư vấn chính sách đó để áp dụng nên ông có nhiều quyết định có tầm nhìn xa, cao về sau này”, ông Nguyên kể.

“Bản thân ông Khải là con người không ham quyền lực, không ham lợi ích riêng. Ông ấy luôn ý thức được đứng ở vị trí này cũng là rất cao rồi”, ông Nguyên nói tiếp.

Là người tư vấn về chính sách, ông Nguyên đã sát cánh với cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong gần 6 năm nên không chỉ “tiếp cận” cố Thủ tướng về mọi mặt công việc mà còn nắm rõ cả chuyện gia đình và tâm tư tình cảm.

Ông Nguyên kể: “Ông Khải có một gia đình bình thường như nhiều gia đình Việt Nam khác. Ông Khải có hai người con, con trai ông làm trong ngành công an, còn người con gái yêu và lấy một anh thợ mộc, sinh được cháu gái rất ngoan.

Ông Khải rất thương và dành nhiều tình cảm cho các con, cháu. Hồi còn công tác ngoài Hà Nội, cứ mỗi lần xong việc, ông ấy lại gọi điện thoại để được nói chuyện với cháu ngoại, cảm xúc của chúng tôi đó không phải là Thủ tướng mà là một người ông yêu và nhớ cháu!”.

Ông Nguyên kể tiếp: “Có một chuyện cho thấy tính cách của ông Khải. Đó là khi ông Khải lên làm Thủ tướng, ông đã khuyên con trai dừng góp vốn cùng bạn bè để làm doanh nghiệp. Ông Khải rất muốn giữ cho con, cho gia đình bởi ông không muốn người ngoài nghĩ con làm doanh nghiệp là để núp bóng hoặc sống bằng hình ảnh của người bố là Thủ tướng”.

Video: Phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Phan Văn Khải

“Khi về hưu, ông Khải huy động các nhà hảo tâm xây dựng một ngôi đình làng khang trang. Trước cách mạng, đây là căn cứ hoạt động bí mật. Trong đình ấy, có một đài liệt sĩ rất lớn, bên cạnh lại có một ngôi miếu nhỏ thờ 10 người theo đạo chết oan. Nơi đó trở thành điểm hương khói của những người thân thích với người chết oan và bà con quanh vùng. Họ có nơi nhang khói, vừa giải nỗi oan khuất, vừa xóa bỏ hận thù và hàn gắn vết thương chiến tranh, đoàn kết dân tộc sau cuộc chiến tranh”, ông Nguyên kể tiếp.

“Ông Khải không nói nhiều, ông thích chuyện thiết thực. Ông Khải khi về hưu rồi vẫn còn huy động được các nơi xây dựng trường học ở địa phương”, ông Nguyên nhớ lại.

Dưới nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, không chỉ đối nội mà chính sách đối ngoại cũng có nhiều thay đổi. Ông Phan Văn Khải đã rất khéo léo trong việc tạo dựng cho Việt Nam những người bạn tốt, vực dậy lại các mối quan hệ, giúp Việt Nam thay đổi từ chiến trường, thành thị trường.

Ông Nguyên nhớ lại: “Điều tôi ấn tượng là ông Khải đi đâu cũng có bạn và họ rất thân tình”.

“Ông Khải trực tiếp có đóng góp, nối lại quan hệ bình thường của 3 tổ chức quốc tế với Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bản thân ông Khải đi đàm phán để thực hiện quan hệ thương mại Việt Nam - châu Âu”.

"Ông Khải cũng chủ trương thúc đẩy việc tìm hài cốt của lính Mỹ mất tích. Tiếp sau đó, những người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam thường xuyên quay trở lại và trong cuộc gặp với ông, họ nói rằng, họ thấy lạ là người Việt Nam đều không tỏ thái độ căm thù gì đối với người Mỹ ngay sau cuộc chiến tương tàn".

“Khi ông Khải về hưu, tôi nhớ ông Koizumi (cựu Thủ tướng Nhật) và con gái rất hay sang Việt Nam để thăm gia đình ông Khải. Không chỉ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhật mà khi sang Mỹ những năm đầu tiên sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam và ký hiệp định BTA, ông Khải cũng tạo được thiện cảm rất tốt với nhiều người”, ông Trần Đức Nguyên kể.

Nghiêm khắc với nạn chạy chức, chạy quyền

Vẫn theo ông Nguyên, cố Thủ tướng Phan Văn Khải có chỗ đứng trong lịch sử không chỉ nhờ tài năng chèo lái nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, kiểm soát thành công lạm phát, bội chi ngân sách và nợ công; mà còn rất nghiêm khắc với chuyện “phong bì, phong bao”.

A1

Ông Trần Đức Nguyên - Trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từ 1998 đến 2003. Ảnh: N.T 

Ông Nguyên kể lại một kỉ niệm khiến ông nhớ nhất. Câu chuyện liên quan đến thói quen hút thuốc của hai ông và chiếc bao thơ trị giá 2000 USD.

Ông Nguyên kể: “Lúc đó, tôi cùng với nguyên Thủ tướng hay hút thuốc lá. Ngày nọ, có người tặng ông Khải một cây thuốc lá thơm. Gặp tôi, ông ấy nói, cái này là của người ta tặng tôi, tôi thấy hai anh em mình đều hút thuốc, tôi nhớ đến ông nên tôi tặng”.

“Đến khi về, tôi mở cây thuốc lá ra thì phát hiện người tặng quà gói rất kỹ bên trong đó 2.000 USD. Vào năm đó, số tiền này lớn lắm. Tôi liền nhờ thư ký riêng của ông Khải gửi trả toàn bộ số thuốc lá và tiền nói trên cho ông Khải. Thủ tướng Khải sau đó đã cảnh báo đối tượng này một cách công khai”, ông Nguyên nói.

Vẫn theo ông Nguyên, đó chưa phải là lần đầu. Trước đó, một doanh nghiệp vào dịp Tết có gửi phong bì mừng năm mới đến Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Khải sau đó đã yêu cầu phải xem xét rõ nhân vật này để nghiêm trị.

“Ở thời kỳ ấy đã có chuyện chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng với tôi, tôi tin thời anh Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và anh Khải (cố Thủ tướng Phan Văn Khải), chuyện chạy chức với các anh là không có”, ông Trần Đức Nguyên nói.

H.Hưng
Bình luận
vtcnews.vn