Sự quan tâm đặc biệt của ông Lý Quang Diệu đối với Việt Nam được thể hiện ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước và kéo dài cho đến ngày nay.
Ngay trong thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Singapore lúc đó, ông Lý Quang Diệu, đã đi khắp thế giới để nói về cuộc chiến tranh này cũng như về vấn đề của Đông Nam Á nói chung.
Bộ trưởng Cao cấp Singapore Lý Quang Diệu và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp năm 2009. |
Chiến tranh Việt Nam mối quan tâm hàng đầu
“Tôi rất lo lắng về cuộc chiến này và coi nó như vấn đề sống còn của bản thân”, ông Lý Quang Diệu từng chia sẻ.
Phát biểu với các đại biểu tại trường Đại học Havard danh tiếng của Mỹ ngày 20/3/1967, ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh, ông không có quyền yêu cầu nước Mỹ hay người dân Mỹ phải làm gì trong cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng theo ông, lẽ ra Mỹ phải giảm đáng kể quy mô các chiến dịch của mình trong các năm 1954, 1956 và 1961.
Video: Những dấu ấn trong đời ông Lý Quang Diệu
Theo ông Lý Quang Diệu, việc Mỹ kéo dài cuộc chiến tranh đến tận bây giờ (năm 1967) là quá muộn. Ông Lý Quang Diệu cũng lên án Tổng thống Mỹ lúc đó là “tội phạm chiến tranh” và “kẻ điên khùng” vì đã làm leo thang cuộc chiến tại Việt Nam.
Đánh giá về tuyên bố này của ông Lý Quang Diệu, tờ Crimson Havard, nhận định: “Phát biểu của Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đứng đầu quốc đảo nhỏ bé Singapore, cho thấy một ngày nào đấy ông có thể trở thành chính khách hàng đầu trên thế giới. Sự quan tâm của ông dành cho Đông Nam Á.
Sự thành công thần kỳ về kinh tế tại Singapore và tham vọng lớn lao của ông sẽ khiến ông Lý Quang Diệu có tiềm năng trở thành một nhân vật có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế”.
Ông Henry Kissinger, người sau đó là Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1973-1977, nhớ lại: “Ông ấy gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi vì những phân tích sắc bén, khả năng sẵn sàng chống chọi với áp lực và sự dũng cảm để bảo vệ đến cùng quan điểm của mình”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết sổ tang chia buồn khi được tin Ngài Lý Quang Diệu từ trần |
Trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam
Khoảng gần 20 năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, trong một bài phỏng vấn của mình với tạp chí Foreign Affairs tháng 3/1994, ông Lý Quang Diệu cũng đã lý giải về việc tại sao một số quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển đến như vậy.
Ông Lý Quang Diệu khẳng định: “Để trả lời câu hỏi này quả thật không dễ dàng gì. Lý do chính cho việc các quốc gia Đông Á phải mất rất nhiều năm để thúc đẩy quá trình phát triển, theo tôi, là bởi người dân và lãnh đạo các quốc gia Đông Á đều phải nếm trải sự khắc nghiệt và tàn phá của chiến tranh trong khu vực”.
“Sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh không chỉ diễn ra tại Triều Tiên mà còn ở Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Chiến tranh càng kéo dài, đất nước càng khó khăn. Hãy nhìn vào Campuchia và Việt Nam, cuộc chiến ấy đã khiến họ phải thụt lùi nhiều so với thế giới”, ông Lý Quang Diệu nói thêm.
Những kỳ vọng cho tương lai
Gần 15 năm sau, trong chuyến công du đến Việt Nam ngày 20/1/2007 với cương vị là Bộ trưởng Cấp cao của Singapore, ông Lý Quang Diệu đã bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam có thể phát triển nhanh chóng nhờ một thế hệ trẻ năng động và nhiệt tình.
Ông Lý Quang Diệu khẳng định, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã ngày càng lạc quan hơn về triển vọng phát triển của Việt Nam và việc Việt Nam trở thành thành viên WTO chính là nền tảng cho niềm tin này của các doanh nghiệp nước ngoài.
10 tháng sau, trong một bài phát biểu của mình với tờ Telegraph, ông Lý Quang Diệu khen ngợi người Việt Nam là những người sáng dạ, học hỏi nhanh và có thể đóng góp được rất nhiều cho sự phát triển chung của ASEAN.
Trong bài viết của mình trước sự ra đi của Thủ tướng Lý Quang Diệu ngày 23/3, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Ng Teck Hean bày tỏ, ông Lý Quang Diệu là người có niềm tin vững chắc vào ASEAN. Ông là một nhân tố quan trọng trong sự thành lập và tiến trình phát triển của ASEAN.
Cũng chính ông là nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng nên nền tảng vững chắc của mối quan hệ Việt Nam – Singapore.Trong hơn một thập kỉ, ông Lý Quang Diệu đã có rất nhiều cuộc đối thoại sâu sắc và thẳng thắn về những cải tổ trong công cuộc Đổi Mới và việc mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.
Những nguồn đầu tư từ Singapore cũng bắt đầu chảy vào Việt Nam kể từ đó. Chính những mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa ông Lý Quang Diệu và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tạo dựng nên một nền tảng vững chắc và lâu dài cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mối quan hệ Việt Nam- Singapore.
Nội dung trong sổ tang chia buồn với Đại Sứ quán Singapore của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Lời tạ từ của Việt Nam
Được tin ông Lý Quang Diệu qua đời ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới Đại Sứ quán Singapore tại Hà Nội ký sổ tang chia buồn.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết vào sổ tang: “Tôi rất xúc động được tin Ngài Lý Quang Diệu, người cha già của dân tộc Singapore đã từ trần. Thay mặt Chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới Chính phủ và nhân dân Singapore lời chia buồn sâu sắc nhất.
Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau.
Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam.
Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này.
Nguồn: VOV
Bình luận