• Zalo

Có thể thay thế 'tử hình' bằng 'chung thân suốt đời'

Pháp luậtThứ Hai, 12/05/2014 02:28:00 +07:00Google News

Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành, xây dựng sửa đổi Bộ luật Hình sự để trình Chính phủ vào quý IV/2014.

Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành, xây dựng sửa đổi Bộ luật Hình sự để trình Chính phủ vào quý IV/2014. Trong lần sửa đổi này có một số định hướng rất đáng chú ý.

Phóng viên có trao đổi với TS Trần Văn Dũng (Vụ Pháp luật Hình sự và Hành chính - Bộ Tư pháp) để tìm hiểu rõ hơn về những nội dung trên.

- Trong dự thảo định hướng sửa đổi bộ luật lần này có nói hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình nhưng liệu có phù hợp với thực tế khi tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tham nhũng vẫn đang có chiều hướng gia tăng thưa ông?

Có thể nói một trong những định hướng lớn lần này là tiếp tục thể chế chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục nghiên cứu để giảm hình phạt tử hình. Từ BLHS 1985 đến nay BLHS 1999 và gần đây nhất là BLHS sửa đổi năm 2009, nhìn chung chúng ta đang giảm dần các loại tội phạm bị áp dụng hình phạt từ hình.

Trong BLHS hiện nay có độ 22 tội danh có khung hình phạt đến mức là tử hình. Điều này phù hợp với chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước và phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Trên thế giới, nhiều nước cũng đã bỏ hình phạt tử hình.


Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành BLHS cho thấy, tình hình tội phạm nhìn chung có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu cần hết sức cân nhắc đến yếu tố này.

Theo dự kiến, xu hướng giảm hình phạt tử hình vẫn được đặt ra. Tuy nhiên, giảm tội nào thì cần có tính toán cụ thể theo xu hướng: Chỉ quy định hình phạt tử hình đối với các tội như: Giết người man rợ, giết người hiếp dâm, giết người cướp tài sản, hoặc các tội có tính chất hủy hoại nòi giống như tội phạm ma túy, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội chống loài người.

- Nếu bỏ án tử hình thì phải tăng hình phạt khác để đảm bảo sự nghiêm khắc của pháp luật?

Trong một số tội phạm nhất định cũng có thể thay hình phạt tử hình bằng hình phạt khác có mức độ nghiêm khắc tương đương, ví dụ hình phạt chung thân hoặc tới đây nhiều chuyên gia đề xuất nghiên cứu hình phạt chung thân suốt đời. Đồng thời cũng phải tăng cường hiệu quả biện pháp tịch thu tài sản hay phạt tiền.

Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội không có nghĩa là làm giảm tính răn đe của BLHS. Việc thay thế hình phạt này bằng các hình phạt có mức độ nghiêm khắc gần tương đương, đồng thời nâng cao hiệu quả các hình phạt hay các biện pháp kinh tế như chúng tội trình bày ở trên sẽ đạt được cả 2 mục tiêu: Vừa trừng trị được người phạm tội đồng thời cũng thu lại được tài sản đã mất. Đó cũng là điều cần được cân nhắc khi xây dựng dự thảo.

- Trong định hướng sửa BLHS có nói khả năng giảm hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ, ông có thể nói rõ hơn?


Qua tổng kết thi hành BLHS cho thấy, tòa án các cấp áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội luôn chiếm một tỷ lệ rất cao. Chính những tác động tiêu cực về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cũng như hiệu quả của công tác giáo dục trong các trại giam còn nhiều bất cập là những nguyên nhân trực tiếp làm cho chúng ta phải cân nhắc lại khả năng áp dụng loại hình phạt này.

Giảm hình phạt tù nghĩa là giảm khả năng áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội theo nghĩa: Loại bỏ hình phạt tù khỏi một số tội phạm hoặc quy định cụ thể hơn điều kiện áp dụng hình phạt tù đối với một số tội phạm.

- Như vậy những loại hình phạt trên sẽ áp dụng như thế nào?


Hiện nay hình phạt tù áp dụng gần hết tất cả với các loại tội phạm. Nếu chúng ta định giảm áp dụng hình phạt tù thì điều đầu tiên cần phải tính đến là rà soát các tội phạm ít nghiêm trọng mà hiện nay đang quy định hình phạt tù theo hướng chỉ giữ lại trong trường hợp thật cần thiết.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, tính đến việc loại bỏ hình phạt tù đối với loại tội nghiêm trọng do vô ý, vì với loại lỗi vô ý, không nhất thiết mọi trường hợp đều phải quy định hình phạt tù. Bên cạnh đó, đối với các tội phạm nghiêm trọng do cố ý có tính chất kinh tế, việc đưa vào các hình phạt có tính chất kinh tế với mức phạt cao để tòa án lựa chọn là cần thiết.

- Việc bỏ áp dụng hình phạt tù đối với một số loại tội phạm sẽ góp phần làm giảm áp lực quá tải tại các nhà tù hiện nay?

Đúng như vậy, thực tế hiện nay theo thống kê của cơ quan chức năng thì tỷ lệ người bị áp dụng hình phạt tù trong tổng số người bị đưa ra truy tố, xét xử hiện nay chiếm một tỷ lệ rất cao. Có thể lý giải ở nhiều góc độ khác nhau như: Hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp không tước tự do còn nhiều hạn chế; tâm lý của thẩm phán cũng muốn thể hiện sự nghiêm khắc với người phạm tội.

Để thực hiện tinh thần nhân đạo, trước tiên chúng ta phải giảm loại hình phạt tù xuống. Để làm được trước hết phải giảm ngay từ những quy định của BLHS. Cũng có thể hiểu góc độ việc áp dụng hình phạt tù trong BLHS sắp tới sẽ kèm theo các điều kiện nhất định để làm sao áp dụng hình phạt tù với những người có hành vi phạm tội một cách tương xứng để tước tự do của họ, tránh việc áp dụng phạt tù có tỷ lệ cao như hiện nay.
Theo số liệu thống kê của năm 2013, cả nước 684 phạm nhân đợi kết án tử hình. Trong đó 682 người thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án của Bộ Công an và 2 trường hợp thuộc trách nhiệm cơ quan thi hành án của quân đội.

Các tội phạm có mức hình phạt tử hình trong BLHS hiện nay là các tội xâm hại đến an ninh quốc gia; tội phạm về chiến tranh, chống loài người, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội giết người, hiếp dâm trẻ em; tội cướp tài sản, tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ…

- Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn