Đây là một trong những phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra tại cuộc họp thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát với diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Bộ này, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Kéo theo là nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô… trong khi thu nhập, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, có tới 17,6 triệu người đã bị giảm thu nhập do dịch bệnh này. Thu nhập thấp kéo theo khó khăn trong việc kích thích tiêu dùng trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm lao động từ 15-54 tuổi chiếm tới 30,7% tổng số thất nghiệp.
Theo Bộ KH&ĐT, các biện pháp phải hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa lao động. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ đề xuất nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.
Trong đó, tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất đến hết năm 2020.
Bộ này cũng cho rằng cần gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Biện pháp này bao gồm cả kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi trong khoảng thời gian từ 23/1 đến hết năm 2020.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn về các chính sách đã ban hành, kết quả đạt được, hạn chế và đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Cùng với báo cáo này, Bộ sẽ đề xuất những chính sách mới, quy định cụ thể nguồn lực từ đâu, thời gian áp dụng, phương thức thực hiện…
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng cho rằng các bộ ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp để dựng bức tranh tổng thể thì mới đưa ra được các chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh chính sách lần 2 này phải bao quát toàn diện đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, chính sách phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. “Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định.
Bình luận