* Tiếp tục cập nhật...20h09: Trang VNE cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Việt Nam có thể tiếp cận hiện trường lúc 22-23h đêm nay. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đánh giá vệt nghi dầu loang kéo dài tới 15-20 km, khả năng cao là có liên quan tới chiếc máy bay mất tích. "Cần vài tiếng để lực lượng tìm kiếm cứu hộ của Việt Nam tiếp cận được nơi có vệt nghi dầu loang", ông nói.
Thứ trưởng Tiêu cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo công tác tìm kiếm trong suốt đêm nay, cho đến khi nào có kết quả".
Nơi xuất hiện vệt nghi vấn dầu loang được đánh dấu đỏ ở góc trái bên dưới bản đồ. Ảnh: Bá Đô/VNE
19h35: Hãng hàng không Malaysia Airlines ra thông cáo cho rằng các đội tìm kiếm và cứu hộ Malaysia, Singapore và Vietnam vẫn chưa thể tìm thấy máy bay mất tích.
Hiện việc tìm kiếm trên biển vẫn tiến hành trong khi việc tìm kiếm từ trên không sẽ tiếp tục vào ban ngày.
Đến 19h10: Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục hàng không, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đang trực tiếp chỉ huy việc tìm kiếm bằng cách các phương tiện của VN trên gần vùng biển máy bay Malaysia Airlines MH370 bị mất tích.
Dự kiến 6h30 2 tàu Cảnh sát biển vùng 4 tiếp cận vùng biển máy bay rơi.
18h30: Theo Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng 4, dự kiến 2 tàu đầu tiên của Cảnh sát biển Vùng 4 tiếp cận vùng biển máy bay rơi là CSB 2001 và CSB 2002.
Ngay khu tới vùng biển này, 2 tàu sẽ triển khai ngay các hoạt động tìm kiếm trong phạm vi hơn 130 km2. Theo đó, các tàu sẽ sử dụng camera hồng ngoại và camera quan sát đêm cùng nhiều trang thiết bị hiện đại khác để tìm kiếm máy bay bị nạn. Trên các tàu này hiện có đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn như là xuồng cao tốc, phao cứu sinh; các thiết bị vật tư y tế.
18h27: Theo hãng tin AP, nhà phân tích hàng không Shukor Yusof thuộc hãng nghiên cứu thị trường Mỹ S&P Capital IQ cho biết: “Máy bay mất tích hiện tại không thể bay trên không bởi vì nó đã hết nhiên liệu. Nó có thể trên mặt đất hoặc trên biển”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đang chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: Tuấn Phùng/TTO
Hơn 18h: Máy bay AN26 chuẩn bị quay về vì trời tối gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Trong khi đó, 3 tàu Hải quân, cảnh sát biển và tàu Sar 413 đang tiến ra hiện trường.
17h20: Máy bay AN26 tìm thấy dấu hiệu nghi là vệt dầu thứ hai, cách đảo Thổ Chu 150km.
Khoảng 16h26, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được tin báo từ máy bay AN26 của Hải quân báo về, đã phát hiện vệt dầu loang dài khoảng 20km tại khu vực tìm kiếm, nghi là của máy bay gặp nạn.
Máy bay AN26 xin phép hạ độ cao để tìm kiếm tập trung những dấu hiệu khác. Tọa độ xác định vết đầu là: 0755N - 103852E.
|
Vệt nghi dầu loang tìm thấy nằm ở góc trên bên trái vùng Việt Nam khoanh vùng nghi vấn máy bay rơi. |
Ngoài máy bay AN26, Việt Nam đã điều động 7 máy bay và 9 tàu. Ngoài ra, hệ thống đài thông tin duyên hải đã được huy động phát tín hiệu bằng cả ba thứ tiếng Anh, Việt, Trung tới các tàu thuyền qua khu vực để nếu có thông tin sẽ báo về các đơn vị cứu nạn.
Hiện đã có hai tàu bay của Hải quân Việt Nam lên đường ra khu vực tìm kiếm, một tàu cứu nạn của Viet Nam MRCC.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, đã thiết lập khu vực vùng biển khả năng may bay rơi khoảng 10.000km2.
Người thân và các cơ quan chức năng ở sân bay Bắc Kinh
16h30:Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 4, cho TNO biết, tàu Cảnh sát biển số hiệu 2004 của Cảnh sát biển Vùng 4, xuất phát từ An Thới, Phú Quốc (Kiên Giang) đã được 9 giờ đồng hồ.
Hiện tàu đang cách khu vực máy bay bị mất tích khoảng 80 hải lý. Trong suốt quá trình tìm kiếm, ứng cứu, vẫn chưa phát hiện được tung tích của chiếc may bay Boieng 777.
16h26: Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Andrew Herdman, Tổng giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, cho biết ông bị sốc hoàn toàn khi biết tin máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines có một hệ thống thông tin liên lạc rất tinh vi và tân tiến lại có thể mất tín hiệu liên lạc một cách đơn giản như vậy.
“Điều này cực kỳ bất thường vì Boeing 777-200 là máy bay thuộc hàng an toàn nhất thế giới”, theo ông Herdman.
16h15:Theo Daily Mail, Bộ Giao thông Malaysia cho biết, đến thời điểm này chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã kéo dài 14 giờ nhưng vẫn thể phát hiện máy bay mất tích.
16h: Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết: “Hiện các lực lượng đang triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, nhưng chưa có thông tin gì về kết quả”.
Ông Thanh cho biết thêm, máy bay đã bị mất tín hiệu trước khi đến điểm chuyển giao sang các cơ quan không lưu của Việt Nam nên họ chưa thể trả lời được về các nguyên nhân khiến nó bị mất tín hiệu.
15h55:Hai trực thăng Mi 171 số hiệu 02 và 04 tạm thời đáp xuống sân bay Cà Mau, rút ngắn khoảng cách tiếp cận với vùng máy bay Boieng 777 bị mất liên lạc (theo TTO).
15h50:Reuters cho biết, thân nhân của những người trên chiếc phi cơ Malaysia Airlines mất tích đang trải qua những cảm xúc giận dữ, đau khổ tại một khách sạn ở Bắc Kinh, chờ đợi thông tin mà họ sợ sẽ là một thảm họa.
|
Người phụ nữ có chồng là hành khách trên chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines định rời khách sạn ở Bắc Kinh sau khi tỏ thái độ oán trách hãng hàng không. Ảnh: Reuters |
15h45: Một trong hai chiếc đang thực hiện tìm kiếm trong vùng nghi vấn. Sau đó, máy bay sẽ vòng về sân bay Cần Thơ tiếp nhiên liệu và máy bay thứ hai cất cánh.
Hai chiếc máy bay Việt Nam thuộc dòng AN-26, là máy bay vận tải của Bộ Quốc Phòng. Do lợi thế bay được tầm thấp hơn, loại máy bay này phù hợp cho công tác tìm kiếm. Song máy bay chỉ hoạt động được 30 phút liên tục, và phải quay về để tiếp nhiên liệu.
15h40: Ông Nguyễn Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5, xác nhận với TNO: trong vòng 5 phút nữa Hải Quân vùng 5 cho 2 tàu xuất phát đi cứu hộ cứu nạn vụ máy bay của Malaysia bị rơi. Trong đó, có 1 tàu vận tải và 1 tàu chuyên cứu nạn cứu hộ.
Ông Phát cũng bác tin đồn máy bay trên rơi gần vị trí đảo Hòn Chuối của Cà Mau. Ông Phát khẳng định vị trí máy bay gặp nạn cách đảo Thổ Chu trên 150 hải lý.
15h30: Trao đổi với phóng viên VTC News, Tiến sỹ Bùi Văn Võ – Trưởng phòng quản lý hoạt động bay (Cục hàng không Việt Nam) cho biết: “Máy bay sẽ bị mất tín hiệu nếu người ta tắt đi hoặc là do hỏng một bộ phận nào đó”.
Tuy nhiên, ông Võ thừa nhận, do máy bay đó chưa liên lạc với các cơ quan không lưu của Việt Nam nên rất khó để dự đoán các nguyên nhân khiến nó bị mất tín hiệu, chưa kể đến giờ vẫn chưa tìm thấy nó.
15h30: Theo TNO, tàu Sar 413 của Trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 3 từ Vũng Tàu đã nhận lệnh xuất phát tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích.
15h15: Tờ Daily Mail (Anh) dẫn lời các chuyên gia an toàn hàng không Anh dự đoán có thể máy bay mất liên lạc với mặt đất và mất tích do động cơ hư hỏng nghiêm trọng, phi công buộc phải chuyển hướng để tránh một máy bay khác hoặc máy bay phát nổ.
15h, thêm một chiếc máy bay cũng cất cánh tại Tân Sơn Nhất lên đường ứng cứu.
14h55: Reuters dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Malaysia chiều nay cho biết, nước này chưa tuyên bố máy bay rơi mà vẫn giữ trạng thái mất tích, sau khi một quan chức hải quân cấp cao của Việt Nam dự đoán chiếc Boeing chở 239 người có thể đã rơi xuống biển.
"Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng có thể để xác định vị trí máy bay. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng mọi khả năng đều được xem xét", Bộ trưởng Giao thông Hishamuddin Hussein nói với các phóng viên tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
14h50: Chiếc máy bay AN 26 chuẩn bị cất cánh tại Tân Sơn Nhất.
14h27: Một máy bay của Quân chủng Phòng không Không quân đã được lệnh cất cánh từ Tân Sơn Nhất đi tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất tích.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang bố trí 7 máy bay khác gồm: 1 AN 26, 2 trực thăng Mi 171 (tại Tân Sơn Nhất), 2 Mi 171 (tại Đà Nẵng), 2 trực thăng SUPER của Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Ngoài ra có 9 tàu gồm 5 chiếc của Hải quân ở Phú Quốc, 2 tàu Cảnh sát biển (ở Phú Quốc và Hòn Khoai) cùng 2 tàu cứu hộ, cứu nạn SAR 272 và 413 của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam cũng sẵn sàng đợi lệnh đi tìm kiếm.
Theo kế hoạch TKCN của Cục Hàng không Việt Nam, máy bay AN 26 bay tìm kiếm và các trực thăng sẵn sàng cất cánh khi phát hiện được vị trí máy bay của Malaysia rơi.
>>Người thân quằn quại tuyệt vọng chờ tin tai nạn máy bay
14h15: Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917, Sư đoàn Không quân 370 đang cơ động huấn luyện tại sân bay Cần Thơ cho TNO biết: sau khi nhận lệnh, đã chuẩn bị 3 máy bay và các tổ bay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.
Một phụ nữ có người thân trên chuyến bay bật khóc
13h55: Đại tá Đậu Khải Hoàn, Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Hải Quân vùng (H.Phú Quốc, Kiên Giang) cũng cho TNO biết: Hải quân vùng 5 đã xác định được vị trí máy bay của Hãng hàng không Malaysia bị rơi, vị trí này cách đảo Thổ Chu, H.Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 153 hải lý (gần 300 km).
Được biết, hiện tại Bộ chỉ huy Hải Quân vùng 5 sẵn sàng lực lượng và phương tiện cứu hộ, chờ khi có lệnh là rời căn cứ (tại đảo Phú Quốc) để đi cứu hộ khẩn cấp.
Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị cũng đang trong tư thế sẵn sàng lực lượng, phương tiện; chờ lệnh ứng cứu khẩn cấp. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau có thông báo khẩn cấp, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển cách mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý về phía Tây Nam tham gia cứu nạn.
13h40: AFP cho biết chính quyền Malaysia đã triển khai một máy bay, 2 trực thăng và 4 tàu hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay mất tích. Ngoài ra, chính quyền Philippines tuyên bố gửi 3 tàu tuần tra hải quân và máy bay do thám hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay mất tích.
13h35p: Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, Trung Quốc đã triển khai 2 tàu cứu hộ vào Biển Đông, bắt đầu cuộc tìm kiếm, sau khi mọi nỗ lực liên lạc đều vô vọng.
13h10: Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - thông tin, theo yêu cầu từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Quân chủng Phòng không không quân đã sẵn sàng điều máy bay lên đường tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Vùng tìm kiếm ưu tiên sẽ là nơi cuối cùng máy bay mất tín hiệu.
13h: Tờ
Caixin của Trung Quốc đưa tin, trên máy bay được cho là có nhiều Phật tử trở về Trung Quốc sau khi tham dự một Đại lễ cầu nguyện được tổ chức tại Kuala Lumpur hôm 2/3.
Đại lễ này có sự tham dự của 30.000 Phật tử trên khắp thế giới. Một người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho biết, đã gặp khoảng 100 Phật tử đến từ Bắc Kinh khi tham gia Đại lễ.
Những thân nhân của hành khách ở Malasyia cũng đến sân bay Kuala Lumpur để ngóng thông tin hành khách
12 giờ 45 phút: Ông Nguyễn Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5 cho Tuổi trẻ hay, vị trí máy bay gặp nạn cách đảo Thổ Chu trên 150 hải lý. Lực lượng Hải quân vùng 5 đã sẵn sàng cứu hộ.
Hơn 12h, Báo The Star dẫn lời quan chức của MAS Ahmad Jauhari Yahya xác nhận có 153 người Trung Quốc, 38 Malaysia, 12 Indonesia, 7 Úc, 4 Mỹ, 2 Ukraine, 2 New Zealand và 2 Canada cùng 1 người Nga, 1 Đài Loan (TQ), 1 Ý, 1 Hà Lan và 1 Áo cùng 12 nhân viên phi hành đoàn là người Malaysia.
Cơ trưởng của chuyến bay là người Malaysia - Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi. Ông đã có tổng cộng 18.365 giờ bay và làm việc cho hãng hàng không Malaysia từ năm 1981. Cơ phó là ông Fariq Ab.Hamid, 27 tuổi quốc tịch Malaysia với tổng giờ bay là 2.763 giờ.
12h03, trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, ông Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: “Tôi xin khẳng định máy bay của Malaysia bị rơi chứ không phải mất tích. Nó bị rơi ở vị trí không thuộc lãnh hải hay không phận của Việt Nam”.
“Chúng tôi đã chỉ đạo, huy động các lực lượng của Bộ Quốc phòng: Phòng không không quân, hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng tăng cường dùng radar theo dõi, nắm tình hình và sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi phía bạn có yêu cầu.
Hiện phía Malaysia đang sử dụng máy bay tầm thấp và tàu để tìm kiếm cứu nạn và họ chưa có yêu cầu gì, nhờ tới sự trợ giúp của các lực lượng ở Việt Nam”, ông Giang nói.
>> Danh sách công dân các nước trên chuyến bay bị mất tích
11h15: Trả lời phóng viên VTC News, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cũng khẳng định, mặc dù máy bay đó chưa tới vùng trách nhiệm của Việt Nam nhưng ngay khi nhận được thông tin, Việt Nam đã lập tức phối hợp với Malaysia để tổ chức tìm kiếm.
"Hiện giờ chưa thể biết vì sao máy bay MH370 lại bị mất tín hiệu và phải chờ kết quả điều tra. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là giờ đã quá giờ máy bay hạ cánh, máy bay chắc đã hết nhiên liệu nên hẳn đã xảy ra sự cố gì đó. Chúng tôi cho rằng đã xảy ra sự cố còn mức độ thiệt hại tới đâu thì chưa thể bình luận”, ông Tiêu nói.
Một phụ nữ được cho là người nhà của hành khách trên chuyến bay MH370, bật khóc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
11h30: Hãng Malaysia Airlines cho biết đang khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm máy bay bị mất tích Boeing 777, mang số hiệu MH370 và cần sự hợp tác của giới chức hàng không các nước có liên quan.
Máy bay được cho là bị mất tích trên không phận Việt Nam vào 18h40 GMT
10h10p: Hãng hàng không Malaysia Airlines đang họp báo, công bố danh sách các nạn nhân được cho là mất tích có quốc tịch từ 14 nước và vùng lãnh thổ.
Trong đó, Trung Quốc và Đài Loan có 154, Malaysia có 38 người, Indonesia có 12 người , Úc có 7 người, Mỹ 4, Canada 2, Nga 1, New Zealand 2, Ukraine 2, Ý 1, Pháp 3, Netherlands 1, Áo 1.
Không có thông tin về sự có mặt của hành khách mang quốc tịch Việt Nam trên chuyến bay mất tích.
>>Người thân quằn quại tuyệt vọng chờ tin tai nạn máy bay
Khoảng 10h, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chánh văn phòng Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn cho biết sau khi nhận thông tin từ phía Malaysia, cơ quan này đã chuẩn bị tìm kiếm máy bay mất tích.
Gần 10h: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau phát đi thông báo khẩn, đề nghị tất cả ngư dân đang đánh bắt cá trên vùng biển Cà Mau, khi phát hiện máy bay rơi hoặc dấu hiệu bất thường, khả nghi, báo cáo ngay về các đồn biên phòng địa phương hoặc ngành chức năng Cà Mau.
9h40, thông tấn
Xinhua của Trung Quốc, lần liên lạc gần nhất trước khi mất tích của chiếc Boeing 777-200 là với trạm kiểm soát không lưu ở Việt Nam. Chiếc phi cơ chưa bay vào không phận của Trung Quốc và chưa liên lạc với trạm kiểm soát của nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ra tuyên bố cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại khi biết tin” và “chúng tôi đang liên lạc với giới chức hữu quan và đang xác định thông tin”.
Còn phát ngôn viên tại sân bay Bắc Kinh cho hay, sân bay này đã khởi động hệ thống phản ứng khẩn cấp. Màn hình hiển thị tại sân bay cho biết chuyến bay “bị chậm”.
Thông tin về chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hiện thông báo đỏ, với thông báo "hoãn chuyến". Ảnh: Weibo/Sina
9h30p: Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết ông đã nhận được thông tin vụ việc từ Tổng công ty quản lý bay Việt Nam. Theo đó, máy bay này đã hoàn toàn mất tín hiệu trước khi vào không phận Việt Nam.
Ông Thanh cho biết khi bộ phận kiểm soát không lưu Malaysia thông báo về thông tin và lộ trình của chuyến bay Boeing B777-200 mang số hiệu MH370 khi chuẩn bị vào vùng không phận VN, phía VN đã làm thủ tục tiếp nhận và liên lạc với tổ bay thì không nhận được tín hiệu.
Lúc này không lưu cả hai phía đều không nhìn thấy tín hiệu của máy bay trên màn hình, radar cũng không phát hiện được dấu hiệu của máy bay và không lưu của hai bên không có bất cứ thông tin nào cũng như không kết nối liên lạc đươc với tổ lái sau thời điểm chuẩn bị bàn giao.
Máy bay của Malaysia Airlines - Ảnh: RT
9h05 (10h05 giờ VN): Hãng hàng không Malaysia (MAS) đã xác nhận chuyến bay MH370 mất tích và phòng kiểm soát không lưu Subang của Malaysia đã mất liên lạc với chuyến bay này vào khoảng 2h40 (3h40 giờ VN) sáng 8/3.
Reuters dẫn lời phó chủ tịch điều hành của MAS, ông Fuad Sharuji cho biết chiếc máy bay sẽ hết nhiên liệu vào khoảng 8h30 sáng nay 8-3 (tức 9h30 giờ VN) vì nhiên liệu nạp vào máy bay khi cất cánh chỉ đủ cho hành trình 7 giờ bay. “Chúng tôi đang cố dò tung tích của chiếc máy bay bằng mọi cách nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy tín hiệu nào” – ông Fuad cho biết.
Bình luận