Cơ sở hạ tầng số quyết định cho sự phát triển 5G

Chuyển đổi sốThứ Năm, 14/12/2023 11:55:15 +07:00
(VTC News) -

Yếu tố địa lý và môi trường hình thành 5G đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng số.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo ASEAN lần thứ 4 về công nghệ 5G vừa diễn ra tại Quảng Ninh, trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2023 diễn ra từ 12 - 15/12 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự kiện thường niên trong ASEAN theo sáng kiến của Việt Nam. Trọng tâm của Hội nghị năm nay là thảo luận về lộ trình triển khai 5G trong các nước ASEAN.

Theo bà Atsuko Okuda nhận định, việc triển khai thành công công nghệ 5G đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, xem xét các yếu tố kỹ thuật, xã hội - văn hóa và kinh tế. Cơ sở hạ tầng mạng mạnh mẽ và phân bổ băng tần chiến lược dưới 1GHz được đánh giá cao trong việc hỗ trợ triển khai 5G toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Toàn cảnh Hội nghị ASEAN về 5G lần thứ 4 diễn ra chiều ngày 12/12 vừa qua.

Toàn cảnh Hội nghị ASEAN về 5G lần thứ 4 diễn ra chiều ngày 12/12 vừa qua.

Thực tế, thời gian qua các quốc gia trong khu vực đã chủ động trong việc phân bổ và sử dụng băng tần một cách chiến lược, từ băng tần trung bình dưới 7GHz đến các tần số cao như 26GHz và 6GHz, nhằm hỗ trợ triển khai 5G rộng rãi.

Công tác hợp tác với phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo và trường đại học cũng được đặc biệt nhấn mạnh, nhằm tăng cường nhận thức, giáo dục, và thử nghiệm tiềm năng của công nghệ 5G.

Tuy nhiên, tình hình và định hướng triển khai 5G tại các quốc gia có một số khác biệt. Trong khi một số quốc gia đang ở giai đoạn phát triển hoặc kết thúc thử nghiệm, Trung Quốc đang ở giai đoạn tiên tiến, mở rộng tần số LTE và tích lũy một cơ sở dữ liệu ấn tượng với hơn 50.000 ứng dụng 5G trong suốt 6 năm.

Đối tượng triển khai của các quốc gia cũng đa dạng. Ví dụ như, cùng hướng tới mục tiêu phủ sóng toàn quốc, Campuchia tập trung phủ sóng tại một số khu vực cụ thể, Malaysia cho phép các nhà cung cấp mạng khác tham gia thị trường, còn Trung Quốc đa dạng hóa ứng dụng đa ngành và hợp tác quốc tế.

Các diễn giả đã tập trung vào những khía cạnh chính của lộ trình 5G, bao gồm chiến lược phát triển về 5G của các nước ASEAN và thế giới, tiêu chuẩn hóa, triển khai mạng, bảo mật, khả năng tương tác với các công nghệ khác như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) đồng thời đề xuất lộ trình triển khai về 5G để các nước ASEAN tham khảo và triển khai theo khả năng và nhu cầu thực tế của mỗi nước.

Các chuyên gia cùng thảo luận và đề xuất về lộ trình triển khai 5G trong khu vực ASEAN.

Các chuyên gia cùng thảo luận và đề xuất về lộ trình triển khai 5G trong khu vực ASEAN.

Hội nghị ASEAN về lộ trình 5G được đánh giá giúp tạo thêm những cơ hội xây dựng mối quan hệ, thảo luận và hợp tác trong định hướng tương lai triển khai 5G trong ASEAN nói riêng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực nói chung.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn