Chiều 1/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã tổ chức hội nghị bàn giao nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM từ bà Thân Thị Thư cho ông Phan Nguyễn Như Khuê.
Bà Thân Thị Thư, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đã được Ban Thường vụ Thành ủy đã trao quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6.
Ngày 24/6, Ban Thường vụ Thành ủy đã trao quyết định bổ nhiệm và điều động ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đến nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy và giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thay bà Thân Thị Thư.
Tại hội nghị bà giao, bà Thân Thị Thư và ông Phan Nguyễn Như Khuê đã thống nhất ký biên bản bàn giao nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
Đáng chú ý, trong các nội dung chính bàn giao có hồ sơ tham mưu củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP HCM 1975 - 2015 và Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP HCM”.
Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP HCM” vừa qua đã tiếp nhận ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM về công tác với chức vụ Phó Trương ban thường trực sau khi ông Cang bị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật.
Tại hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) vào cuối năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc; vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố.
Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM cũng vi phạm "các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp".
Ngoài ra, ông Cang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, quê ở xã Long An, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Từ năm 2004 đến năm 2009, ông Cang là Bí thư Thành Đoàn TP HCM sau đó giữ các chức vụ Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012.
Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông Cang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sau đó được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP HCM. Ông giữ chức Phó bí thư Thành uỷ TP HCM từ năm 2016 đến cuối năm 2018.
Sau khi bị kỷ luật, ông Tất Thành Cang chỉ còn chức vụ Thành ủy viên, được Ban Thường vụ Thành ủy điều động và phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo “Công trình lịch sử TP HCM”.
Sau khi ông Cang bị cách chức, Bộ Chính trị đã điều động, phân công Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang về Thành ủy TP HCM giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy thay ông Tất Thành Cang.
Vừa qua, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư đã phê chuẩn kết quả bầu chức danh Phó Bí thư Thành ủy đối với bà Nguyễn Thị Lệ trước khi bà Lệ được bầu làm Chủ tịch HĐND TP HCM thay bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nghỉ hưu).
Thường trực Thành ủy TP HCM đã hiện có 5 người, gồm ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư thành ủy) và 4 Phó bí thư thành ủy gồm các ông Trần Lưu Quang (thường trực), Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch UBND TP HCM) và các bà Nguyễn Thị Lệ (Chủ tịch HĐND TPHCM), Võ Thị Dung.
Bình luận