Có quá muộn để cứu đại dương?

Khám pháThứ Tư, 17/11/2021 06:56:42 +07:00
(VTC News) -

Các nhà khoa học khẳng định việc chữa lành đại dương sẽ vô cùng khó khăn và nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, có thể sẽ là quá muộn.

Đại dương của chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt tin xấu. Biến đổi khí hậu đang làm ấm lên và axit hóa nước biển, đe dọa phá hủy các rạn san hô.

Các loài sinh vật biển khác nhau, từ cá voi đến tảo đều có nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng đánh bắt quá mức cũng khiến nhiều loài có nguy cơ tận diệt. 

Một số hệ sinh thái ven biển đã bị xóa sổ trên quy mô lớn. Một số công ty khai thác đang chuẩn bị khai thác đáy biển sâu để khai thác các khoáng sản quý mà không quá quan tâm tới hệ quả. Chưa kể là vấn dề ô nhiễm đại dương. 

Nhưng cũng có những tin tức tích cực.

Nancy Knowlton, một nhà sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ) cho biết trên thực tế, nhiều nỗ lự bảo tồn biển trên toàn cầu đang thu được kết quả tích cực.

Có quá muộn để cứu đại dương? - 1

Có nhiều kết quả tích cực trong nỗ lực bảo tồn đại dương. (Ảnh: Shutterstock)

"Có rất nhiều thành công ngoài kia, nhưng hầu hết mọi người không biết về chúng", Knowlton nói.

Knowlton cho biết điều quan trọng hiện tại là chia sẻ những thành công này để nhân rộng chúng.

"Trong bảo tồn đại dương, những nỗ lực thành công thường không tới một sớm một chiều và cũng không rẻ. Nó đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác”, Knowlton viết trong một bài báo Đánh giá hàng năm về Khoa học Biển năm 2020, 

Dưới đây là một số điểm sáng trong cuộc chiến bảo vệ đại dương được Knowlton liệt kê trong báo cáo này.

Một lệnh cấm quốc tế về săn bắt cá voi thương mại bắt đầu từ những năm 1980 đã cho thấy kết quả đáng kể. Trong khi một số quần thể cá voi như cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương vẫn nằm trong danh sách các loài bị đe dọa nghiêm trọng - những quần thể khác đang phục hồi.

"Dân số' cá voi lưng gù ở Tây Nam Đại Tây Dương giảm xuống còn khoảng 450 con vào những năm 1950, giờ có khoảng 25.000 con - gần bằng mức trước khi chúng bị săn bắt. 

Rùa biển là một câu chuyện thành công khác. Hầu hết các quần thể rùa được đưa vào một cuộc khảo sát gần đây được phát hiện là đang phát triển.

Ở Florida, các nhà khoa học ước tính rằng số lượng tổ của rùa xanh tăng từ 62 vào năm 1979 lên 37.341 vào năm 2015. Và ở Texas, tổ của loài rùa Kemp’s Ridley tăng từ 1 lên 353 trong khoảng thời gian gần như tương tự.

Các cuộc tranh luận về tình trạng đánh bắt quá mức nhiều loài vẫn tiếp tục. Nhưng có bằng chứng cho thấy một số khu vực đang triển khai hiệu quả hình thức đánh bắt bền vững. 

Các vùng biển dự kiến được kiểm soát tốt hơn thông qua một hiệp ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học biển có thể được hoàn thành vào năm tới.

"Hơn nữa, công nghệ đang thay đổi một số thứ", Heather Koldewey, cố vấn kỹ thuật cấp cao tại Hiệp hội Động vật học London cho biết.

Có quá muộn để cứu đại dương? - 2

Cần phải thúc đẩy bảo vệ đại dương ngay từ bây giờ. (Ảnh: Knowable Magazine)

Các tổ chức như Global Fishing Watch và Ocean Mind theo dõi các tàu đánh cá lớn thông qua hình ảnh vệ tinh, giúp dễ dàng theo dõi các hoạt động đáng ngờ như các cụm tàu ​​trong khu vực được bảo vệ. 

Có những hy vọng dù mong manh về việc các chính phủ đang giảm các khoản trợ cấp lớn cho nghề cá ở các vùng biển không bền vững. 

Mỗi năm, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Mỹ và các nước khác trợ cấp khoảng 35 tỷ USD cho các ngành đánh cá của họ.

Các khu bảo tồn biển đang được mở rộng nhanh chóng và có thể đóng một vai trò tích cực. Tháng 4/2021, Ủy ban Châu Âu và 15 quốc gia đã tuyên bố hỗ trợ 2 khu bảo tồn biển, bảo vệ hơn 3 triệu km2 ở khu vực Nam Đại Dương ngoài khơi Nam Cực.

Sáng kiến bảo vệ 30% đất và nước mà Mỹ đưa ra để bảo vệ 30% toàn cầu vào năm 2030 được nhiều nền kinh tế G7 ủng hộ. 

Carlos Duarte, một nhà sinh thái học biển tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah cho biết có những nỗ lực phải mất hàng thập kỷ mới có thể nhìn thấy kết quả. 

Đơn cử như một loạt các hạn chế bắt đầu từ những năm 1970, cấm sử dụng nhiên liệu có chì trong các phương tiện giao thông, một nguồn chính gây ô nhiễm đại dương.

Trong một chuyến thám hiểm toàn cầu vào năm 2010 và 2011, Duarte và các đồng nghiệp đã xem xét mức độ chì trên khắp đại dương và nhận thấy chúng giảm xuống mức không đáng kể.

Dầu tràn ra biển từ các tàu chở dầu cũng đã giảm đáng kể trong nhiều thập kỷ, chủ yếu do việc thắt chặt các quy định và công ước như Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Nhựa vẫn là thảm họa với đại dương. Mỗi năm có tới 23 triệu tấn chất thải nhựa xâm nhập vào các hệ thống thủy sinh. Nhưng các nhà sản xuất đang tăng cường sản xuất các vật liệu sinh học cải tiến như polyme tổng hợp bằng vi sinh vật gọi là polyhydroxyalkanoates, hoặc PHA được thiết kế để vi sinh vật có thể phân hủy hoàn toàn trong đại dương và các môi trường tự nhiên khác.

Chất dẻo tự hủy sinh học cũng đang trong quá trình phát triển và được kỳ vọng sẽ phần nào giảm bớt cuộc khủng hoảng nhựa trên các đại dương. 

Rừng ngập mặn, đầm lầy, rạn san hô đang được phục hồi trên quy mô lớn ở châu Âu và Mỹ. Một nghiên cứu gần đây thống kê được 140 dự án khôi phục đầm lầy mặn ở Châu Âu và các nỗ lực khác đang được tiến hành ở Louisiana và Florida.

Dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, các nhà khoa học biển kêu gọi chúng ta không thể quên mối đe dọa to lớn với đại dương. 

"Chúng tôi không hề ngây thơ. Có rất nhiều tin xấu, nhưng chúng ta có lý do để lạc quan", Duarte cho hay. 

Duarte cũng khẳng định việc chữa lành đại dương sẽ vô cùng khó khăn, nhưng nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, có thể sẽ là quá muộn. 

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn