Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ điều chỉnh. Chỉ số VN-Index giảm khá mạnh, khoảng 8 điểm và lùi về sát mốc 900 điểm. Rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu.
Thế nhưng, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động khiến cổ đông ngạc nhiên khi “vượt bão” tăng khá mạnh. Càng về gần trưa, MWG càng hạ nhiệt nhưng cổ phiếu MWG vẫn duy trì được sắc xanh. Đầu giờ sáng, có thời điểm MWG đạt tới 108.300 đồng/CP, tăng 2.300 đồng/CP.
Đà tăng này của MWG giúp vốn hóa thị trường Thế giới di động có thêm 743 tỷ đồng. Thế nhưng, dù là một trong những điểm sáng hiếm hoi, MWG vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu MWG của Thế giới di động trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán sau khi có tin đồn cho rằng, thông tin khách hàng Thế giới di động bị lộ và bị tung lên một diễn đàn về công nghệ thông tin.
Bất chấp Thế giới di động phủ nhận tin đồn, cổ phiếu MWG vẫn giảm sâu. Sau 2 phiên, MWG giảm 6.000 đồng/CP xuống chỉ còn 106.000 đồng/CP. MWG khiến vốn hóa thị trường Thế giới di động “bốc hơi” 1.939 tỷ đồng.
Là những cổ đông lớn của Thế giới di động, các lãnh đạo công ty gánh chịu mất mát nhiều nhất. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thế giới di động hao hụt tiền của nhiều nhất.
Trong 2 ngày cuối tuần trước, tài sản của ông Nguyễn Đức Tài giảm 282 tỷ đồng xuống còn gần 5.000 tỷ đồng. Hiện tại, ông Tài đang đứng ở vị trí 11 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Tài hoàn toàn có cơ hội lọt vào Top 10 vì người đứng trên ông là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy với hơn 5.000 tỷ đồng.
Ông Trần Lê Quân, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại Thế giới di động cũng chứng kiến 174 tỷ đồng rời khỏi tài khoản chứng khoán. Dù vậy, ông Quân vẫn nằm trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Quân là đại gia giàu thứ 2 tại Thế giới di động.
Một lãnh đạo khác của Thế giới di động cũng lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Đó là ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban Kiểm soát công ty. Cuối tuần trước, giá trị cổ phiếu MWG do ông Tùng sở hữu (cả trực tiếp và gián tiếp) đã giảm 74 tỷ đồng.
Có thể thấy, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ ngân hàng tạo ra thế hệ tỷ phú mới, Thế giới di động cũng sớm ghi tên dàn lãnh đạo vào danh sách những người giàu nhất. Ngoài ông Tài, ông Quân, ông Tùng, Thế giới di động còn một gương mặt nữa. Đó là ông Điêu Chính Hải Triều.
Giữ chức vụ Giám đốc kỹ thuật kiêm Thành viên Hội đồng quản trị, ông Triều là cổ đông cá nhân lớn thứ 4 tại công ty. Vì vậy, ông Triều đứng ở vị trí 55 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán. Trong 2 ngày “biến cố”, tài sản của ông Triều hao hụt khoảng 61 tỷ đồng.
Trong tháng 11, cổ phiếu MWG không có nhiều tích cực dù công ty công bố báo cáo tài chính quý 3/2018 với nhiều tín hiệu lạc quan. Cả doanh thu và lợi nhuận của công ty đều tăng đáng kể.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 66.413 tỷ đồng, tăng 17.743 tỷ đồng, tương ứng 36,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 553 tỷ đồng, tương ứng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu, lợi nhuận của Thế giới di động tăng đáng kể nhưng cổ đông vẫn có lý do để lo lắng khi khoản nợ khổng lồ của công ty vẫn trên đà tăng trưởng. Tại thời điểm 30/9, nợ phải trả tại công ty đạt 17.384 tỷ đồng, tăng so với 16.914 tỷ đồng hồi đầu năm và cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, nợ vay lên tới 8.676 tỷ đồng. Nợ lớn khiến Thế giới di động phải chi 326 tỷ đồng cho lãi vay. Cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 167 tỷ đồng.
Video: Lật tẩy những chiêu thức hacker dùng tấn công ATM
Bình luận